Sống lo âu bên đường ray

30-11-2017 16:43 | Xã hội

SKĐS - Mỗi lần nghe thông tin có tai nạn giao thông đường sắt xảy ra, hàng trăm hộ dân ở Khánh Hòa lại giật thót lo âu khi bản thân mình đang sống bên những đoạn đường ray dài dằng dặc, xuyên qua những khu dân cư ken dày nhà cửa mà không có rào chắn, không có hành lang bảo vệ an toàn.

Không kịp ăn bữa trưa

Mấy tháng trôi qua nhưng khi ngồi vào mâm cơm, người thân của ông Lê Viết Lệ (phường Phước Tân, TP. Nha Trang, Khánh Hòa) lại ngước mắt ra đoạn đường ray tàu hỏa trước nhà mà rưng rưng nỗi buồn tiếc về cái chết thương tâm của ông Lệ. Bà Nguyễn Thị Hậu và nhiều người chứng kiến buổi trưa định mệnh của ông Lệ xót xa: Ông Lệ quanh năm quần quật lao động, là trụ cột của gia đình. Hôm 17/3, đang tất tưởi đi mua đồ ăn buổi trưa cho gia đình, khi băng qua đường ngang dân sinh, ông Lệ bị tàu hỏa cán tử vong, mâm bát dọn sẵn ở nhà nhưng ông mãi mãi không trở về được nữa, những dự định, hoài bão cũng vĩnh viễn ngủ yên.

Nhiều tai nạn khi băng qua đường ngang dân sinh ở Khánh Hòa.

Nhiều tai nạn khi băng qua đường ngang dân sinh ở Khánh Hòa.

Quanh năm chật vật chạy xe chở đồ ăn uống cho các cửa hàng trên địa bàn TP. Nha Trang, trưa ngày 4/10, ráng sức chở chuyến hàng cuối để quay về quây quần bên vợ con ăn bữa cơm trưa nhưng dự định giản dị đó của tài xế Trần Văn H. cũng đành dang dở. Khi H. điều khiển chiếc xe tải BKS 79C-007… băng qua đường ngang tàu hỏa thuộc xã Ninh Ích (Ninh Hòa) thì bị tàu húc văng ra khiến H. tử vong. Hai người bạn thân đi cùng H. cũng trọng thương, có người thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng cũng để lại nhiều di chứng đau lòng. Anh Hải - người đi trên chuyến xe hôm ấy thảng thốt nhớ lại: Do đã xế trưa và đói bụng nên muốn nhanh xong công việc để về. Tâm trạng không tập trung nên không lắng nghe rõ tiếng tàu chạy, cứ ngỡ tàu còn ở xa chứ bao năm nay ăn ngủ cạnh đường ray nên rất biết sự nguy hiểm của tai nạn đường sắt. Giờ không chết nhưng thương tật ở tay, làm việc gì cũng khó.

Cũng có cảnh tượng đau lòng như tài xế H., cách đây không lâu, gia đình bà Phương Dung có 4 người cùng đi một chiếc xe 7 chỗ để vội vã đến dự bữa cơm trưa cùng người thân thì xảy ra tai nạn kinh hoàng khi băng qua đường ngang tàu hỏa tại xã Suối Tân (huyện Cam Lâm). Tai nạn khiến 1 người tử vong và 3 người trọng thương. Đến nay, nỗi ám ảnh vẫn nguyên vẹn trong ý nghĩ những người chứng kiến và sống cạnh đường ray. Ông Hà và nhiều người địa phương cho biết: đoạn này tai nạn hoài mà người ta không lập chốt, lập biển cảnh báo, hiểm nguy cứ rình rập.

Trước các tai nạn thảm khốc, Thượng tá Nguyễn Văn Khải - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận: Đúng là nhiều đường ngang dân sinh tiềm ẩn nguy hiểm. Mỗi khi có tai nạn xảy ra, chúng tôi nhanh chóng chỉ đạo lực lượng xuống khám nghiệm hiện trường, phân luồng giao thông để hạn chế tối đa sự ách tắc và gây xáo trộn cuộc sống cho người dân. Báo cáo cho thấy, riêng từ tháng 01 đến tháng 10/2017 đã có hàng chục vụ tai nạn đường sắt thương tâm ở Khánh Hòa làm cho 9 người chết, nhiều người trọng thương.

Nhấp nhổm theo tiếng còi

Định cư nửa đời người ở hẻm 29 đường Thái Nguyên (phường Phước Tân, TP. Nha Trang), các âm thanh liên quan đến tàu hỏa và đường ray trở thành phản xạ mặc định pha trộn nỗi lo lắng bám rễ vào suy nghĩ của ông Nguyễn Văn Minh và bao người khác. Ông Minh bộc bạch rằng: Sống ngay trung tâm thành phố, nhà cửa san sát mà đường ray chạy xuyên qua không có hành lang bảo vệ, không có rào chắn, đường ngang dân sinh thì mọc lung tung nên phải luôn trong tinh thần cảnh giác cao độ, sơ ý một chút là gặp thảm kịch như chơi. Hàng trăm người dân khác sống bên các đường ray không rào chắn cũng luôn giật mình mỗi lần nghe tiếng còi tàu.

Người lớn thì còn đỡ nhưng trẻ con càng đáng lo ngại hơn nên các khu dân cư sống bên đường ray không rào chắn ở phường Phước Tân, Vĩnh Hải (TP. Nha Trang) nhà nọ nói với nhà kia hãy huấn luyện con mình ghi nhớ tiếng còi tàu như tiếng báo động, nghe thấy là phải chạy vào nhà ngay. Chị Lê Thị Thanh ở Phước Tân chia sẻ: Vài bước chân là ra đường ray, trẻ con lại hiếu kỳ, có khi nó chạy nhảy, vui chơi, tàu đến không biết nên ngày nào cũng phải nói với các cháu khi nghe tiếng xình xịch, tiếng bíp bíp của tàu là phải vào nhà ngay bởi nếu đứng cạnh luồng tàu chạy thôi cũng rất hiểm nguy. Có người bạn nối khố sống cạnh nhà là ông Lê Viết Lệ tử vong nên mỗi lần nghe tiếng tàu, dù đã quen nhưng ông Nguyễn Hồng Quang vẫn trỗi dậy những nỗi bất an mơ hồ. Ông thổ lộ rằng: Càng có tuổi càng sợ, ít dám đi lại hơn vì chân chậm rồi. Ở đây, xóm này sang xóm khác chơi đều vô tư đi qua đường tàu vì có rào hay hành lang che chắn gì đâu. Nơi vắng vẻ thì dễ nhận biết âm thanh tàu chứ ở đây xe cơ giới hoạt động suốt ngày đêm, nhiều khi còi tàu lẫn vào còi xe.

Vài lần đến ăn uống ở “xóm đường ray” Phước Tân, ông Lê Văn Bình khiếp vía không dám trở lại. Ông bảo: Thấy biển báo nhiều quán ngon rồi quán kinh doanh tạp hóa đủ loại nên vào ăn thử. Phải có “thần kinh thép” mới có thể an tọa thưởng thức món ăn được vài tiếng vì tàu chạy qua liên tục mà quán xá chỉ cách tàu vài sải tay, ai yếu bóng vía giật mình là có thể ngã lăn vào gầm tàu ngay trong tích tắc. Có nhiều hôm thấy nhiều người vẫn vô tư buôn bán trong lúc tàu chạy ầm ầm sát lưng mình.

Hàng ngàn người dân sống cạnh đường ray không rào chắn dọc dài phường Vĩnh Hải (Nha Trang), huyện Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa cũng coi tiếng còi tàu là lời nhắc nhở thường nhật hàng ngày. Bà Võ Thị Mỹ (phường Vĩnh Hải) cảnh giác: Bao nhiêu đường dân sinh băng ngang qua đường sắt ở đây chả có biển báo gì cả. Có chỗ đặt biển báo thì lại bị che lấp, người tham gia giao thông không quan sát được. Thấy nhiều cái chết thảm, sợ lắm rồi nên mỗi lần đi bộ hay chạy qua đường ray là phải quan sát và nghe ngóng từ xa.

Nhiều khu dân cư ở Phước Tân (Nha Trang), đường ray xuyên qua nhưng không hề có rào chắn.

Nhiều khu dân cư ở Phước Tân (Nha Trang), đường ray xuyên qua nhưng không hề có rào chắn.

Người dân dốc sức lập chốt gác

Trước những diễn biến phức tạp của tại nạn đường sắt, từ ngày 12/6 - 15/10, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt Công an tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành tổng khảo sát và kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hoạt động chạy tàu trên các tuyến đường ngang. Đã thực hiện khảo sát được 159/255 đường ngang hợp pháp và dân sinh. Qua khảo sát cho thấy nhiều đường ngang hợp pháp và đường dân sinh bộc lộ nhiều bất cập.

Quá ám ảnh trước những tai nạn đã xảy ra nên nhiều người dân hai bên đường ray ở xã Ninh Ích (Ninh Hòa) xin phép chính quyền địa phương cùng nhau góp sức lập chốt canh gác suốt ngày đêm ở đường ngang dân sinh tại thôn…để góp phần cảnh báo, bảo vệ tính mạng người dân. Bà Nguyễn Thị Hậu ở phường Vĩnh Hải cũng bày tỏ dự định: Do cuộc sống còn cực quá nên tôi cố lao động cật lực ít tháng nữa rồi vận động thêm hàng xóm lập chốt cảnh báo ở các đường dân sinh chứ không mỗi ngày hàng ngàn lượt người qua lại, bất an quá.

Theo khảo sát của chúng tôi, ở Khánh Hòa, ngoài các đường ngang hợp pháp còn có rất nhiều đường ngang dân sinh mở suốt nhiều năm nay. Trên mỗi đường ngang dân sinh, hàng ngày có hàng ngàn lượt người đi bộ, người điều khiển xe thô sơ, xe cơ giới lưu thông qua lại nhưng đến nay vẫn chưa được ngành đường sắt quan tâm đầu tư lắp đặt hệ thống tín hiệu cảnh báo, gác chắn, chốt gác... Đó chính là nguyên nhân dẫn đến các tai nạn thương tâm.


Bài và ảnh: ĐÔNG HƯNG
Ý kiến của bạn