Giáp Tết, tôi cùng nhà văn hóa Hữu Ngọc đến thăm cụ Vũ Tuân Sán ở Bắc Linh Đàm (Thanh Trì - Hà Nội). Cụ Sán năm nay 99 tuổi. Cụ với cụ Ngọc là bạn cùng dạy ở Vinh năm 1941. Còn tôi, năm ấy mới sinh, kém tuổi hai cụ nhiều. Nhưng trong hoạt động văn hóa, đôi khi quên cả tuổi, cũng vì một phong tục của thời kháng chiến, nên cứ gọi các cụ là anh. Nghĩ kỹ thì cũng thấy “láo” quá, gọi cụ gần trăm tuổi bằng anh! Gần chùa, gọi Bụt bằng anh! Chẳng giữ lễ gì sất cả. Nhưng thôi, để các cụ thấy mình còn thanh niên, tráng niên! Tôi ở Nam ra, nhiều lần cụ Vũ nhắn, mong tôi tới chơi, Vũ gia trang của cụ là nơi hò hẹn. Tuổi tác rồi, có bạn cũ, bạn ở xa tới thăm “hữu bằng tự viễn phương lai”, còn gì quý bằng. Tôi cũng biết thế, nên lần này không chần chừ nữa, ghé vào 46 Trần Hưng Đạo chỗ cụ Ngọc tiếp khách, mời cụ cùng đi.
![]() Từ phải qua: Mai Quốc Liên - Vũ Tuân Sán - Hữu Ngọc - Lê Thị Hải (Hội Nhà văn Việt Nam). |
Cụ Vũ gần trăm tuổi, chỉ bị nặng tai chứ trí óc vẫn còn rất minh mẫn. Cụ vẫn viết bài, làm câu đối cho Hồn Việt. Vẫn mê chữ Nôm, nghe tôi có mấy từ điển chữ Nôm quý, như từ điển cụ Kính, từ điển L.M.Kiệm, cụ cứ dặn đi dặn lại tìm cho cụ. Tôi bảo Từ điển chữ Nôm của nhóm GS. Nguyễn Quang Hồng tốt lắm, đầy đủ lắm, cụ lại bảo tìm giùm. Cụ Vũ tốt nghiệp cử nhân Luật thời Pháp, cử nhân thời ấy thì tiếng Pháp bậc thầy. Thế mà vì gia phong, vì yêu văn hóa dân tộc, cụ lại đi vào con đường Hán - Nôm; dịch thơ Đường, thơ Nguyễn Du, Cao Bá Quát…, rồi thì nghiên cứu văn hóa Hà Nội, lại cũng là bậc thầy! Thời những năm 60-70, cụ cọc cạch một chiếc xe đạp, lặng lẽ đi “thực địa” nhiều di tích Thủ đô, viết Hà Nội - Xưa và Nay, cống hiến tri thức, tấm lòng mình với dân tộc, với quê nhà Thăng Long - Hà Nội.
Tôi ra Hà Nội lần này là để tổ chức Hội thảo 1300 năm ngày sinh Đỗ Phủ. Tôi trân trọng mời cụ dự. Là mời thế, chắc cụ khó đi. Mà thời gian gấp gáp. Nhưng trong câu chuyện, cụ nhắc chuyện Từ Diễn Đồng, một nhà thơ yêu nước đã dịch thơ Đỗ thành ra thơ yêu nước - thời sự của ta: Tiếng trống lừng vang tin Bắc được – Mảnh tờ sao chẳng báo Tây thua! Đó cũng là một khía cạnh của việc tiếp nhận Đỗ Phủ ở Việt Nam mình!
***
Bên cạnh cụ Vũ là người bạn cố tri Hữu Ngọc, năm nay cũng 97 rồi, vẫn đi bộ từ nhà ở Trần Duy Hưng lên cơ quan ở Trần Hưng Đạo. Trong cái phòng nhỏ 6m2 xinh xắn nhìn ra phố chính ở khu văn hóa “thế giới” này, cụ tiếp khách. Đủ các loại khách, ta có, tây có. Họ đến đàm đạo, hỏi han… Cụ vẫn còn là Chủ tịch của Quỹ Văn hóa Na Uy – Việt Nam, một cái quỹ không lớn như Quỹ Thụy Điển… ngày trước của cụ. Bây giờ cụ xét tài trợ cho những dự án nhỏ nhưng ích lợi nhãn tiền. Cụ Ngọc trước tác rất nhiều, tiếng Pháp, tiếng Anh… Cụ là “nhà xuất khẩu văn hóa” Việt ra thế giới. Và thế giới qua cụ hiểu và yêu Việt Nam, độc đáo, phong phú, lạ lùng đối với họ. Nhưng cụ không dừng lại ở sách vở, mặc dù bây giờ mỗi tuần cụ cũng viết một hai bài báo bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, đều đặn, cần cù như một con ong đi hút nhụy hoa. Cụ tiếp khách nước ngoài đến du lịch, tìm hiểu Việt Nam và trò chuyện với họ về bản lĩnh, về đặc sắc của văn hóa Việt. Đến nay, cụ đã tiếp và nói chuyện với 2 vạn lượt khách từ đến Mỹ, Anh, Pháp, Đức… Nghe cụ nói xong, dù chỉ trong một buổi thôi, họ “vỡ” ra, à thì ra văn hóa Việt Nam không phải, không giống hệt văn hóa Trung Hoa như họ hiểu nhầm. Nhiều người ở xa, đọc sách cụ, viết thư, mong một lần đến Việt Nam gặp cụ. “Đến nay đã nhiều năm, tôi tìm một cuốn sách trình bày văn hóa Việt Nam một cách chi tiết. Người ta mách tôi cuốn của ông là: À la découverte de la culture vietnamienne (Khám phá văn hóa Việt Nam). Tôi ở bên Đức, để có được cuốn sách của ông, tôi quyết định đi Việt Nam một chuyến. Việc đó đã được thực hiện: mà do chuyến đi cùng tôi, ông chồng Đức của tôi có dịp làm quen với Việt Nam. Ông chỉ đọc các phóng sự và chỉ biết đất nước chúng ta qua sách báo. Tôi rất sung sướng đọc tác phẩm của ông, tôi trân trọng giữ cuốn sách, từ chối không cho ai mượn vì sợ họ đánh mất…
Có những đoàn nghe cụ Hữu Ngọc là những nghệ sĩ Mỹ, những cựu chiến binh Mỹ. Sau khi nghe cụ thì có người thốt lên: Đến Việt Nam, tôi có hai phát hiện: một là Hạ Long và thứ hai là Hữu Ngọc!
***
Tôi còn muốn kể các bạn nghe về một số cụ “một trăm” (bách niên), như cụ Vũ Khiêu (Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh) cũng là nhà nghiên cứu và là một “tao nhân mặc khách”: Cụ làm câu đối, một thể loại khó của cổ văn, rất hay.
Năm nay cụ cũng 97 rồi và minh mẫn, linh hoạt, hoạt động say mê. Này, bạn đừng chúc cụ thọ “bách niên” đấy nhé, cụ giận đấy: thế là anh cho cụ chỉ còn sống được vài ba năm nữa thôi đấy à!
Rồi cụ Phan Quang, cụ Hữu Thọ, cụ Vũ Hạnh, cụ Nguyễn Quảng Tuân, cụ Trần Thanh Đạm… đều trên 80 mà vẫn hết lòng đóng góp cho sự nghiệp của dân tộc; bên cạnh các cụ, tôi thấy mình như còn trẻ lắm, là một học trò, một đàn em bên cạnh các ông anh chưa chịu già… “tám mươi tuổi mới vào đời” thôi mà.
Nhưng thôi, một dịp khác chúng ta sẽ quay lại chủ đề: trường thọ và làm việc, cống hiến, trường thọ và đem nhiệt huyết tuổi thanh xuân vào tuổi lão thành.
GS.TS. Mai Quốc Liên