Hà Nội

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

04-02-2022 10:00 | Y tế
google news

SKĐS - Cùng với nhiều bạn trẻ từng là F0, Hồng Kỳ và Bảo Trâm đã viết nên câu chuyện đẹp trong những ngày dịch bệnh hoành hành.

Họ bản lĩnh, không nề hà khó khăn, tình nguyện hỗ trợ các y bác sĩ chăm sóc các bệnh nhân mắc COVID-19. Đó cũng là hạnh phúc được cho đi, được trả ơn cuộc đời của những "cựu" F0 nhiệt huyết, máu lửa và yêu đời.

"Bảo mẫu" 18 tuổi và ước muốn sống một tuổi trẻ rực rỡ

Từ khi chào đời đến nay, Đinh Hoàng Bảo Trâm đã được đón 17 cái Tết, song Tết Nhâm Dần này sẽ là cái Tết đặc biệt nhất từ trước đến giờ của cô. Cô thật sự mong chờ và háo hức. Đó là cái Tết đánh dấu cột mốc trưởng thành, chín chắn của cô gái 18 tuổi.

Giữa năm 2021 vừa rồi, Bảo Trâm là học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú (TP.HCM). Vài ngày sau khi kết thúc kì thi tốt nghiệp THPT, Trâm biết được thông tin các bệnh viện đang quá tải, thiếu nhiều nhân lực để chăm sóc các bệnh nhân COVID-19.

Không ở nhà tận hưởng thời gian xả hơi sau kỳ thi căng thẳng, cô gái 18 tuổi đã chủ động liên lạc với Thành đoàn TP.HCM để đăng kí tập huấn đi tham gia chống dịch.

Nguyễn Hồng Kỳ và Đinh Hoàng Bảo Trâm đã viết nên câu chuyện đẹp trong những ngày dịch COVID-19 hoành hành tại TP.HCM.

Nguyễn Hồng Kỳ và Đinh Hoàng Bảo Trâm đã viết nên câu chuyện đẹp trong những ngày dịch COVID-19 hoành hành tại TP.HCM.

Ngày 25/8/2021, Bảo Trâm bắt đầu tham gia công việc tại Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM). Tham gia tình nguyện được 1 tuần thì Trâm mắc COVID-19. Lúc hay tin, cô gái 18 tuổi hoang mang vì bản thân không có bất cứ triệu chứng nào cả. Vượt qua cảm giác ban đầu, cô thu xếp đồ đạc tới Bệnh viện dã chiến số 8 (TP. Thủ Đức) để điều trị.

Sau 9 ngày điều trị tại đây, Trâm đã có kết quả âm tính. Lúc này, trên các phương tiện thông tin đại chúng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đưa ra lời trân trọng kêu gọi F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch cùng thành phố. Trâm quyết định không về nhà nghỉ ngơi mà tình nguyện xông pha vào hỗ trợ khu K1 - nơi đang điều trị các F0 nặng của Bệnh viện Hùng Vương.

Công việc lần này của Trâm vất vả và chịu áp lực hơn trước nhiều lần. Không khí làm việc tại khu K1 luôn căng thẳng, hối hả bởi phần lớn bệnh nhân đều là F0 nặng. Ca ngày Trâm làm bắt đầu từ 7h30 đến 16h30 và ca đêm từ 16h30 đến 7h30 ngày hôm sau.

Tại đây, Trâm như một nữ hộ sinh chuyên nghiệp, làm việc theo ca và phụ trách công việc thay tã, gom đồ, nhận bệnh và kiểm tra sinh hiệu, tiếp nhận bệnh nhân, lấy mẫu bệnh phẩm, kiểm tra bình oxy... và cả đỡ đẻ. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, cô gái trẻ nhanh nhẹn thay ga giường, nhẹ nhàng lau người bệnh, xếp gọn đồ đạc và dìu đỡ các sản phụ.

Hơn 1 tháng ở K1 hỗ trợ các y bác sĩ, cô gái 18 tuổi thường xuyên chứng kiến cảnh sản phụ vật lộn giành giật từng hơi thở và phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc không thể quên trong đời.

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe&Đời sống, cô gái sinh năm 2003 cho hay, việc phải chứng kiến từ đầu đến cuối một ca báo động đỏ trong một đêm trực tháng 9 khiến cô thấy khó quên nhất. Lúc đó, Trâm đang trực đêm thì thấy Phòng Hồi sức tích cực bấm còi báo động đỏ. Đó là một bệnh nhân đã hôn mê trong thời gian dài. Khi Trâm chạy đến, các bác sĩ nói bệnh nhân đã ngưng tim.

Bệnh nhân được chuyển qua nhà tang lễ và Trâm là người làm công việc gọi thông báo cho gia đình bệnh nhân. "Mỗi ngày chứng kiến cảnh người bệnh nặng không thể qua khỏi, em tưởng chừng đã quen với đau thương, mất mát. Vậy mà lúc gọi điện cho người nhà bệnh nhân đó, nước mắt em cứ nhòe đi, tay chân run rẩy", nữ sinh 18 tuổi xúc động kể lại.

Đinh Hoàng Bảo Trâm trong thời gian làm tình nguyện tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương. Ảnh: NVCC

Đinh Hoàng Bảo Trâm trong thời gian làm tình nguyện tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương. Ảnh: NVCC

Khu K1 của Bệnh viện Hùng Vương là nơi tiếp nhận nhiều sản phụ F0 nặng. Cường độ làm việc cao, áp lực lớn nhưng Trâm luôn giữ được tinh thần yêu đời, cái nhìn lạc quan. Cô nữ sinh trẻ được các bác sĩ, nữ hộ sinh rất quý mến, thường xuyên nhắc nhở ăn uống đúng giờ, không được bỏ bữa.

Cũng tại khu K1 này, trong ca trực đêm của mình, Trâm hay tin mình đậu Trường Đại học Nông Lâm. Mọi người trong bệnh viện, từ y bác sĩ đến các tình nguyện viên đã chúc mừng Trâm bước chân vào ngôi trường đại học cô yêu thích.

30/9/2021 là ngày cuối Bảo Trâm tham gia tình nguyện viên ở Bệnh viện Hùng Vương. Ngày chia tay tình nguyện viên, Bệnh viện tổ chức lễ tuyên dương và phát thưởng. Ai cũng vui vì tình hình dịch đã lắng dịu. Buổi chiều đó, ba mẹ Trâm mừng vui chào đón cô con gái cưng trở về bằng bữa cơm ngon với những món ăn cô yêu thích.

Trâm tâm sự, khoảng thời gian tình nguyện tại bệnh viện giúp cô nhận ra được nhiều điều trong cuộc sống và nó được xem là một phần tuổi trẻ đáng để cô tự hào và luôn nhớ về. Khoảng thời gian này giúp cô chín chắn hơn và thấy quý trọng những khoảnh khắc đầm ấm bên ba mẹ và em mình, nhất là vào dịp Tết đến. Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình" - Trâm tự hào chia sẻ.

Không màng tiền bạc, chỉ vì tình người

Nguyễn Hồng Kỳ (34 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM) là chủ một quán phá lấu, có vẻ ngoài nhìn khá "bụi" và tự nhận mình giống chú hề Joker (nhân vật phản diện trong bộ phim cùng tên). Nhưng tiếp xúc với Kỳ, rồi nhìn lại cả quá trình làm tình nguyện viên của anh mới thấy rằng, đằng sau vẻ mặt luôn tỏ ra tưng tửng, bất cần đó là một trái tim nhân hậu, ấm áp, nhiệt huyết và đầy lòng trắc ẩn.

Ngày 3/8/2021, anh Kỳ cùng vợ được ra viện sau gần 1 tháng điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 4 (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Những ngày trong viện, chứng kiến nỗi vất vả nhọc nhằn của y bác sĩ, anh Kỳ nung nấu ý định trả ơn những người đã chăm sóc, cứu chữa mình.

Ngay sau khi được ra viện, anh liên lạc với đội ngũ nhân viên y tế từng cứu giúp mình và ngỏ ý muốn quay lại Bệnh viện Dã chiến số 4 làm tình nguyện viên. Ngày 16/8/2021, anh Kỳ bắt đầu ngày làm việc đầu tiên tại Bệnh viện dã chiến số 4 với nhiệm vụ đặc biệt là chăm sóc các bệnh nhân có hoàn cảnh neo đơn, không có người thân.

Những ngày ở viện, anh Kỳ không ngần ngại đút cháo, lau rửa, thay tã, massage và trò chuyện với các bệnh nhân. Ảnh: NVCC

Những ngày ở viện, anh Kỳ không ngần ngại đút cháo, lau rửa, thay tã, massage và trò chuyện với các bệnh nhân. Ảnh: NVCC

Thời gian đầu, anh Kỳ có cảm giác như bị cực hình khi phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít nhưng riết rồi quen, anh có thể mặc liền một mạch khi hết ca. Và từ một người chưa biết cách chăm sóc các bệnh nhân, anh đã trở thành một điều dưỡng chuyên nghiệp, một lúc chăm hàng chục bệnh nhân nặng đang trong phòng cấp cứu. Từ việc đút thức ăn, lau rửa người, xoa lưng, hướng dẫn tập thở, gội đầu, đến đổ bô vệ sinh.

Quá trình hỗ trợ bệnh nhân nặng ở đây, anh Kỳ được các bệnh nhân và bác sĩ, điều dưỡng thương quý bởi anh không ngại ngần làm các công việc vất vả, chăm sóc bệnh nhân như bố mẹ mình.

"Bố mẹ tôi đều đã mất. Ngày trẻ tôi ham chơi, khi mẹ nằm bệnh, tôi không chăm sóc được mẹ nên giờ nhìn những bệnh nhân lớn tuổi ở đây tôi rất thương nhớ. Tôi chăm họ cảm giác như là chăm sóc bố mẹ của mình vậy. Bữa giờ chăm sóc bệnh nhân, có người dúi cho 500.000 đồng, người cho hẳn 1 triệu đồng, có người còn tháo cái nhẫn vàng tầm 2 chỉ ra dúi vào tay để cảm ơn tôi chăm sóc nhưng tôi "mắng" họ để họ hiểu, tôi làm vì tự nguyện chứ không phải vì tiền. Thậm chí tôi còn từ chối nhận lương từ chương trình ATM F0 của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tại bệnh viện này", anh Kỳ tâm sự.

50 ngày trong Bệnh viện Dã chiến số 4, anh Kỳ không nhớ mình chăm sóc được bao bệnh nhân nặng nhưng anh nhớ rõ số người được anh chăm đã mất lên tới 13 người. Và mỗi một bệnh nhân là một hoàn cảnh, một câu chuyện đời khác nhau. "Khi chứng kiến những điều dưỡng quấn xác các bệnh nhân không qua khỏi, tôi thấy thương họ vô cùng. Bởi lẽ họ mất mà không có một người thân bên cạnh và cũng không ai đưa tiễn. Vốn cứng rắn vậy mà tôi vẫn bật khóc", anh Kỳ xúc động kể lại.

Nguyễn Hồng Kỳ coi thời gian tình nguyện ở bệnh viện dã chiến là kỷ niệm và trải nghiệm không thể quên trong cuộc đời. Anh gọi bệnh viện dã chiến là bệnh viện yêu thương bởi tại đây, ngoài cuộc chiến giành giật sự sống gay go của bệnh nhân và y bác sĩ thì thứ luôn luôn sẵn có là tình người.

Cũng theo anh Nguyễn Hồng Kỳ, khi vào viện, anh mới thấy hết nỗi vất vả của các nhân viên y tế. Một bác sĩ có ngày phải nhận được gần 100 cuộc điện thoại để tư vấn cách trị bệnh, nhận bệnh từ chỗ này, chỗ kia, chuyển viện cho các bệnh nhân nặng để kéo dài sự sống... Họ mệt mỏi đến mức về phòng gục ngủ mà không cần nằm mùng, mặc cho muỗi cắn.

Sau gần 2 tháng làm tình nguyện viên hết mình, anh Kỳ chia tay Bệnh viện Dã chiến số 4 khi Phòng Hồi sức cấp cứu nơi đây đóng cửa, không còn bệnh nhân nặng. "Ngày tạm biệt bệnh viện dã chiến để về nhà, tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì dịch bệnh đã đỡ mà buồn vì đã gắn bó với các y bác sĩ và bệnh nhân lâu. Tôi đã có thời gian sống với các bác sĩ, điều dưỡng thân thiết như người nhà, cùng vui khi thấy bệnh nhân khỏe mạnh ra viện, cùng buồn khi phải chứng kiến người mình chăm bỏ cuộc ra đi", anh Kỳ tâm sự.

Với những đóng góp tích cực của mình, anh Kỳ đã được các y bác sĩ, lãnh đạo Bệnh viện Dã chiến số 4 ghi nhận. "Chúng tôi đánh giá cao tâm huyết và lòng nhiệt tình của anh Kỳ với bệnh nhân COVID-19 trong thời gian qua. Số lượng bệnh nhân hồi phục ngày càng tăng tại Bệnh viện Dã chiến số 4 minh chứng công tác phòng chống dịch của TP.HCM đã đi đúng hướng, đạt hiệu quả cao, trong đó anh Kỳ là một trong các nhân tố tích cực đã đóng góp đáng kể", TS.BS. Hồ Tấn Thanh Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 4 cho hay.           

Xem thêm video được quan tâm

Bộ Y Tế lo ngại Omicron lây lan nhanh dịp Tết Nguyên Đán


Kim Vân
Ý kiến của bạn
Tags: