Hà Nội

Sống khỏe trong nắng gắt, chất lượng không khí kém

09-06-2019 07:25 | Y học 360
google news

SKĐS - Đang là thời điểm bắt đầu mùa nắng nóng với những đợt nóng gay gắt liên tiếp, chỉ số tia tử ngoại ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM liên tục ở ngưỡng từ 6 - 9 - ngưỡng nguy cơ gây hại cao.

Thêm vào đó là nồng độ bụi mịn từ ô nhiễm không khí cũng ở mức cao càng ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là những người thường xuyên phải ra đường…

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa đưa ra cảnh báo, nắng nóng có xu hướng gia tăng ở Bắc Bộ và Trung Bộ từ ngày 9/6, một số nơi có nắng nóng gay gắt và có khả năng kéo dài nhiều ngày sau đó. Nhiệt độ và ô nhiễm không khí tác động xấu tới sức khỏe.

Nắng nóng gắt, lượng bụi mịn cao

Do tác động của nắng nóng, ngày 6/6, chỉ số cảnh báo tia tử ngoại (UV) có giá trị từ 6-9 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, ứng với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp ánh nắng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, trong tháng này, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện khoảng 2-3 đợt nắng nóng diện rộng, khu vực Tây Bắc và vùng núi Trung Bộ có nơi nắng nóng gay gắt. Nền nhiệt tháng 6 trên cả nước được dự báo sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C ở tất cả các vùng khí hậu. Các chuyên gia khí tượng cũng nhận định, trong điều kiện biến đổi khí hậu, các cực trị nhiệt độ có thể xảy ra. Chẳng hạn như đợt nắng nóng tháng 4 tại Hương Khê, Hà Tĩnh đo được nhiệt độ 43,4 độ C, nhiệt độ cao nhất trong lịch sử ngành khí tượng Việt Nam dù tháng 4 chưa phải là tháng đỉnh điểm của nắng nóng.

Sống khỏe trong nắng gắt, chất lượng không khí kémBụi và nắng nóng ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dân.

Trong những ngày qua, chất lượng không khí tại Hà Nội đang ở mức có hại cho sức khoẻ. Chỉ số chất lượng không khí đo được tại khu vực Hà Nội liên tục xuất hiện cảnh báo màu đỏ, tức là ở mức nguy hại đối với sức khoẻ con người. Trong đó, theo thống kê, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông. Một số khu vực có nồng độ ô nhiễm bụi cao tập trung ở các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm.

Chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI) là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chỉ số AQI được chia ra làm 5 nhóm gồm nhóm từ 0-50 (không khí tốt), từ 51-100 (không khí trung bình, nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian bên ngoài), từ 101-200 (không khí kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian bên ngoài), từ 201-300 (không khí xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, nhóm khác hạn chế ra ngoài) và từ 300 trở lên không khí thuộc ngưỡng nguy hại, tất cả mọi người nên ở trong nhà. Với chỉ số AQI thường xuyên trên 100 những ngày qua, chất lượng không khí Hà Nội được xếp loại kém.

Hồi cuối tháng 3, đã liên tiếp nhiều ngày đường phố Thủ đô bị một lớp không khí mờ dày bao phủ, tạo cảm giác nôn nao, ngộp thở. Chất lượng không khí tại Hà Nội đang vào mức đáng báo động, thấp nhất: 102, cao nhất: 197. Theo kết quả quan trắc ô nhiễm không khí thời gian qua trên địa bàn TP.HCM cũng như tại Hà Nội là những nơi có mật độ giao thông và dân số đông nhất cho thấy, ô nhiễm bụi, nồng độ bụi mịn (PM2.5) trong không khí vẫn ở mức cao.

Ứng phó thế nào?

Nói về hệ quả của ô nhiễm không khí, PGS.TS.BS. Chu Thị Hạnh - Trung tâm Hô hấp BV Bạch Mai phân tích: “Ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến tất cả cơ quan như da, phổi, hệ tim mạch. Ngoài ra, hạt bụi mịn PM2.5 hay 0.1 còn gây nhiều bệnh về da. Gần đây, các bệnh lý liên quan đến ô nhiễm, tia cực tím có chiều hướng gia tăng”.

Các chuyên gia cũng cho biết, đa phần loại khẩu trang vải, khẩu trang y tế trên thị trường cũng chỉ có tác dụng chống nắng, ngăn cản một phần nào đó khói bụi, do đó, sức khoẻ người dân đang có nguy cơ bị đe doạ thường trực. Chất ô nhiễm chủ yếu trong không khí nước ta là bụi mịn PM2.5. Loại bụi này rất nhỏ, bằng khoảng 1/30 sợi tóc nên khẩu trang thông thường không thể ngăn chặn được. Vì vậy, nên sử dụng các khẩu trang chuyên dụng có thể ngăn chặn loại bụi nguy hiểm này.

Ngoài ra, người ra đường được khuyến nghị đeo kính râm, thoa kem chống nắng, mặc quần áo chống nắng và đội nón rộng vành. Giảm thời gian tiếp xúc với ánh nắng trong khoảng 3 giờ trước và sau giữa trưa.

Về giải pháp căn cơ, các chuyên gia môi trường cho rằng, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cần gấp rút hạn chế tốc độ gia tăng dân số cơ học; đồng thời ban hành các cơ chế về bảo vệ môi trường thật nghiêm, đặc biệt, cần khẩn trương tăng diện tích mặt nước và cây xanh. Bên cạnh đó, chính quyền cần phải nâng cao nhận thức, tuyên truyền để người dân hiểu đúng để mọi người cùng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường trong đó có bảo vệ môi trường không khí.


Hải An
Ý kiến của bạn