Đặt stent mạch vành là biện pháp hữu hiệu đối với người bệnh bị tắc nghẽn động mạch vành. Tuy nhiên, đặt stent mạch vành để giải quyết vị trí tắc nghẽn của dòng máu mạch vành chứ không giúp chấm dứt tình trạng xơ vữa động mạch. Do vậy, muốn tránh tái cơn nhồi máu cơ tim, ảnh hưởng tính mạng, người bệnh phải có cuộc sống lành mạnh, nhất là tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ.
Xơ vữa động mạch là bệnh lý xuất phát từ tình trạng lắng đọng của mỡ máu trên thành mạch dẫn đến hẹp lòng mạch, ảnh hưởng lên động mạch toàn thân, trong đó có động mạch vành. Đặt stent giúp giải quyết vị trí tắc nghẽn của dòng máu mạch vành, nhưng không giúp điều trị được tình trạng xơ vữa động mạch. Sự tắc nghẽn động mạch vành có thể tiếp tục xảy ra ở những vị trí khác của hệ thống mạch vành. Do vậy, sau khi được đặt stent, người bệnh phải dùng một loại thuốc đặc biệt chống tạo cục máu đông tại vị trí stent, chống tái hẹp trong lòng động mạch vành hoặc thuốc điều trị các căn bệnh mạn tính khác (nếu có) như đái tháo đường…
Việc uống thuốc chỉ một lần/ngày và để phát huy tối đa tác dụng của thuốc, người bệnh không được quên - không được bỏ cữ và phải uống thuốc đúng giờ sau bữa ăn. Ví dụ, uống vào 8 giờ sau bữa sáng hoặc sau bữa ăn trưa thì phải giữ đều đặn như vậy. Phải luôn có sẵn thuốc trong túi để khi đi công tác, đi chơi xa thì vào giờ đó vẫn nhớ và vẫn có thuốc để uống.
Trong chế độ dinh dưỡng phải dùng nhiều trái cây, rau quả và ngũ cốc thô là những loại hạt còn lớp vỏ lụa bên ngoài. Giảm ăn mỡ và muối, nên ăn cá thường xuyên. Không nên ăn quá no vì gây chèn ép cơ hoành, nhịp tim sẽ tăng hơn bình thường. Không nên ăn cơm sau 18 giờ, chỉ nên uống sữa hoặc các chế phẩm của sữa. Không nên thức khuya. Khi ngủ nên tập tạo thói quen có giấc ngủ sâu. Tránh bị táo bón. Nếu có đái tháo đường đi kèm, người bệnh nên tuân thủ chế độ ăn của bệnh nhân đái tháo đường để kiểm soát tốt đường huyết. Nên kiểm soát huyết áp bằng cách làm dân gian, đơn giản là tự bắt mạch ở cổ tay trái, huyết áp tốt nhất là 65 nhịp tim/phút.
Phải tập thói quen tự “bắt mạch” mỗi ngày như thói quen uống thuốc đúng giờ. Nhiều trường hợp người đặt stent trong độ tuổi lao động, nên sau khi đặt stent, người bệnh phải từng bước thích nghi với cuộc sống, như: không nên khuân vác hoặc các hoạt động thể lực nặng. Đặc biệt, trong tháng đầu tiên, bệnh nhân cố gắng nghỉ ngơi, đi bộ không quá 20 phút/ngày; được làm bếp, nấu ăn nhưng không nên đứng lâu quá 20 phút. Điều quan trọng nhất là người đã đặt stent phải luôn giữ tâm lý ổn định, tự kiểm soát căng thẳng; trường hợp gặp tình huống căng thẳng, nên hít thở sâu, tự bình ổn tâm lý.
Bác sĩ Nguyễn Văn Út