Sống khỏe nhờ tập yoga

24-02-2020 14:18 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Sinh năm 1928, xuân Canh Tý này nhạc sĩ Văn Ký đã bước vào tuổi 92, thế nhưng nếu ai được tiếp xúc với ông ngoài đời thì sẽ kinh ngạc vì sức khỏe của ông vẫn thật tuyệt vời, đầu óc vẫn rất minh mẫn và điều quan trọng là ông đang ấp ủ, nuôi dưỡng cảm xúc cho những sáng tác mới.

Hỏi ra mới biết vốn quý sức khỏe ấy có được là nhờ ông thường xuyên tập yoga.

Trong không khí mùa xuân, tiết trời se se lạnh cùng những hạt mưa xuân lất phất bay, tôi đã được gặp gỡ và trò chuyện với nhạc sĩ Văn Ký tại căn nhà ấm áp, khang trang tọa lạc ở khu đô thị mới West Bay Ecopark. Đây là căn hộ rộng hơn 50 mét vuông mà nhạc sĩ mới chuyển đến cách đây vài tháng, sau những lần sinh sống trên các tuyến phố của Hà Nội như: Phố Huế, Hào Nam, Thanh Nhàn... Trên tầng 9 của căn hộ nhìn xuống là cả một không gian vô cùng thoáng mát, yên bình và đầy hương sắc thiên nhiên với những rừng cọ xanh ngắt, với mặt hồ nước trong veo... Nhạc sĩ cho biết, mỗi sáng vẫn thường đi bộ quanh hồ và thi thoảng trong không gian gần gũi và tĩnh lặng ấy lại giúp ông nảy ra một tứ nhạc mới.

Trong cuốn sổ chép tay, nhạc sĩ đã ghi lại đầy đủ những sáng tác mới gần đây và ông hào hứng “khoe” về một vài tác phẩm đã được thu đĩa. Năm 2015, ông viết Quốc hội Việt Nam (đoạt giải Ba trong cuộc vận động sáng tác ca khúc chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016), Nghe con sông hát, Về quê em đi anh, Tây Hồ cổ nguyệt, Huyền mơ đêm Giang Tiên, Bình Yên Hà Nội, Sóng Tây Hồ, Tiếng sáo diều, Yêu biển đảo quê em, Sắc Huế... Năm 2017, ông viết Ngày thơ Cầu, Hoa tường vi, Hà Nội - Nỗi nhớ trong tôi, Mùa thu ấy, Nhớ bạn...

Ở tuổi U100, nhạc sĩ Văn Ký vẫn phăng phăng trên con đường mình đã chọn.

Cũng thật ngạc nhiên, trong cuộc trò chuyện với tôi, nhạc sĩ Văn Ký hầu như không quên một chi tiết nào của thời xưa cũ. Sự kiện nào ông cũng kể rõ ràng, rành mạch và tỉ mỉ. Hỏi bí quyết thì được ông cho biết, đó là nhờ thường xuyên tập yoga. Chừng hơn chục năm nay, khi đến với bộ môn này ông luôn thấy mình khỏe, trẻ và yêu đời. Ở cái tuổi này nhưng ông vẫn ăn ngon, ngủ yên và hình như ông cũng quên luôn tuổi tác của mình. “Tập yoga mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe của tôi như: Tăng sự linh hoạt và dẻo dai, sức bền cho cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn; cải thiện hoạt động của các cơ quan thần kinh, hệ tuần hoàn, tiêu hóa... Ngoài ra, nó còn làm dịu tâm trí, mang tới sự điều hòa và điềm tĩnh cho trí óc, giúp tăng cường sự tập trung, trí nhớ. Đặc biệt, những bài tập yoga là liều thuốc hiệu nghiệm cho tình trạng stress, căng thẳng, lo âu và giúp tôi đẩy lùi được bệnh tật”, nhạc sĩ Văn Ký khẳng định.

Được biết, người bạn đời của nhạc sĩ đã qua đời từ lâu, nhưng tính ông lại không muốn ở chung với con cái, vì thế gần đây người con dâu của ông đã phải cất công mời người chị gái của mình (vốn là một y tá về hưu tại Yên Bái) về chăm sóc ông. Thế là ông lại có thêm niềm vui mới khi hằng ngày người giúp việc kiêm y tá lo cho ông từng bữa ăn, giấc ngủ, nhưng đồng thời cũng để ông có người chuyện trò, tâm sự. Bà cho biết, nhạc sĩ Văn Ký mắc bệnh tiểu đường nên mỗi bữa ông thường ăn rất ít cơm, mà chủ yếu ăn rau xanh và thức ăn. Nhờ ông thường xuyên tập yoga cộng với ăn uống điều độ nên căn bệnh này đang không gây nhiều khó khăn cho sức khỏe của ông, và có thể nói nó cũng đang từng bước được đẩy lùi.

Về sức khỏe của nhạc sĩ Văn Ký thì tôi cũng đã có dịp chứng kiến. Còn nhớ dịp cuối năm Kỷ Hợi vừa qua, tôi được đi cùng đoàn với nhạc sĩ Văn Ký về thăm xứ nhãn Hưng Yên. Chuyến đi ấy trong cái giá rét căm căm của mùa đông miền Bắc, trong khi chúng tôi cùng tham gia một sự kiện ở ngoài trời nhưng tôi thấy nhạc sĩ vẫn chẳng hề hấn gì. Ông vẫn lên phát biểu dõng dạc và nhiều cảm xúc khi được trở lại mảnh đất này. Tôi nhớ hôm ấy đưa ông về chung cư là đã gần 22h đêm nhưng khuôn mặt ông vẫn vui vẻ, rạng ngời, không thể hiện một chút mệt mỏi gì.

Trong dịp đầu xuân Canh Tý này, Đài Truyền hình Việt Nam đã mời nhạc sĩ Văn Ký  và nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng tham gia chương trình đặc biệt phát sau thời khắc giao thừa mang tên “Quê hương mùa đoàn tụ”. Đây là chương trình được ghi hình trong cái giá rét buổi tối tại Hồ Gươm với chủ đề chào mừng Đảng 90 năm, mừng đất nước bước vào mùa xuân mới tràn đầy niềm tin và hy vọng. Sở dĩ, những người thực hiện chương trình mời hai nhạc sĩ lão thành tham dự là bởi nhạc sĩ Văn Ký đã có 74 năm tuổi Đảng và nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng đã có 70 năm tuổi Đảng, hơn nữa họ đều có những ca khúc ca ngợi Đảng, ca ngợi đất nước và mùa xuân nổi tiếng được phát trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Nếu như nhạc sĩ Phạm Tuyên có Đảng đã cho ta một mùa xuân thì nhạc sĩ Văn Ký có Bài ca hy vọng. Đây là bài hát mà nhạc sĩ Văn Ký sáng tác cũng vào mùa xuân nhưng đã cách đây đúng 61 năm (mùa xuân năm 1959) khi nhân dân miền Bắc đang hối hả xây dựng xã hội chủ nghĩa, là hậu phương vững chắc cho miền Nam đánh giặc. Bài hát với niềm tin tưởng của tác giả vào ngày mai tươi đẹp của đất nước. Bài ca hầu như không nói đến sự đau khổ trừ câu kết rất ý nhị, nhẹ nhàng “Gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan” như lời tổng kết miền Nam sẽ chiến thắng và hòa bình sẽ lập lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Mặc dù khi đó thông tin liên lạc còn rất hạn chế nhưng giai điệu của Bài ca hy vọng qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Vân đã vào với miền Nam ruột thịt, nơi đồng bào và chiến sĩ đang “căng” mình chống trả sự đàn áp của đế quốc. Bài ca như có một sức mạnh thần kỳ mặc dù không có một từ nào nói về chiến đấu hy sinh, về Đảng và Bác Hồ nhưng khi hát lên ai cũng thấy con đường Bác Hồ đã chọn sẽ đưa dân tộc đến tương lai tươi sáng.

Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 15 tuổi, 18 tuổi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhạc sĩ Văn Ký vẫn luôn ghi nhớ rằng, tên tuổi và sự nghiệp mình có được là do có Đảng. Vì thế, khi từ một cán bộ quân sự (Huyện đội trưởng huyện Nông Cống, Thanh Hóa) sang làm một nhạc sĩ chuyên nghiệp tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông vẫn luôn đau đáu, trăn trở với mảng ca khúc cách mạng, ca ngợi Đảng quang vinh, ca ngợi Bác Hồ vĩ đại. Trong nhiều tác phẩm được biết đến, Văn Ký đã thể niệm nỗi lòng của mình với Đảng, với đất nước bằng một sự biết ơn sâu sắc. Ngoài Bài ca hy vọngTây Nguyên bất khuất, Trời Hà Nội xanh, Tiến bước dưới cờ Đảng...

Tây Nguyên bất khuất là một sáng tác rất đặc biệt của nhạc sĩ Văn Ký bởi ông viết khi tưởng tượng sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết Đất nước đứng lên nổi tiếng của nhà văn Nguyên Ngọc và được nghe tiếng cồng chiêng hùng tráng của dân tộc Tây Nguyên qua những lần xem đoàn văn công Tây Nguyên biểu diễn. Năm 1983, sau khi Tây Nguyên bất khuất ra đời đã 23 năm và được phổ biến ở khắp mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn, tác giả Văn Ký mới có dịp vào thăm mảnh đất này. Bài hát chính là tiếng lòng của đồng bào các dân tộc anh em sinh sống tại Tây Nguyên son sắt, nguyện một lòng đi theo Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu.

Có thể nói, ở tuổi U100 như ông nhiều người đã “dừng bút”, phần do sức khỏe, phần do không còn đủ cảm xúc để sáng tạo, thế nhưng nhạc sĩ Văn Ký vẫn phăng phăng trên con đường mà mình đã chọn suốt hơn 7 thập niên qua. Có được sự thông tuệ đáng quý ấy, nhạc sĩ luôn biết cách để tự chăm sóc sức khỏe cho mình, trong đó có việc thường xuyên tập yoga.


Bạch Đằng
Ý kiến của bạn