Kỹ sư Hoàng Khắc Bá năm nay 83 tuổi. Ông là nhà địa chất công trình có tên tuổi trong ngành xây dựng thủy điện, thủy lợi. Mới rồi tôi đến thăm ông tại nhà riêng phố Chùa Bộc (Hà Nội), thì thấy ông già cao lớn, rắn chắc đó chống nạng ra đón. Ông cười nói ngay: “Vừa có chút vấn đề về sức khỏe đấy, nhưng không hề hấn gì”. Thì ra, cách đây gần 1 năm, ông đã hai lần bị đột quỵ, rồi khớp gối thoái hóa đi lại khó khăn...Và tôi thật bất ngờ khi nghe ông nói, liệu pháp chữa bệnh của ông chính là sự lạc quan, yêu đời. Còn điều này nữa, bao năm qua thơ là bạn đường, là niềm vui sau những giờ lao động mệt nhọc, giờ khi đau yếu thơ cũng như liều thuốc trợ giúp hữu hiệu cho ông.
Yêu nghề và yêu thơ
Hoàng Khắc Bá tốt nghiệp trường phổ thông cấp 3 ở thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình có 3 nguyện vọng hoàn toàn khác nhau khi thi vào đại học: văn, lý và kỹ nghệ thực phẩm. Ông học giỏi toàn diện, nhưng thích nhất vẫn là môn văn, thực ra còn chịu ảnh hưởng của những nhà văn hóa vào hàng chú, bác trong dòng họ, như nhà ngôn ngữ học Hoàng Tuệ và nhà lý luận phê bình kiêm dịch giả Hoàng Thiếu Sơn. Bài thơ đầu tiên cậu học trò Hoàng Khắc Bá tuổi đôi mươi viết năm 1955, được báo Độc Lập đăng và biên tập viên lúc đó là nhà thơ Nguyễn Bính đã mời ông đến tòa soạn ở Hà Nội để “rút kinh nghiệm”. Ông còn được nhà thơ Xuân Diệu tiếp tại nhà riêng ở phố Cột Cờ (Hà Nội). “Máu” văn chương, nên năm 1956 khi mới đỗ vào một trường đại học kỹ thuật, mà chàng trai quê Quảng Bình ấy vẫn viết nhật ký bằng thơ.
Hàng ngày kỹ sư Hoàng Khắc Bá không thể bỏ thói quen làm thơ và đọc thơ.
Như trên đã nói, Hoàng Khắc Bá còn có thêm hai nguyện vọng nữa đều thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, cuối cùng thì anh được nhận vào Khoa Địa chất, Đại học Bách khoa Hà Nội. Vậy là mộng trở thành thi nhân không thành, song những năm tháng sau này anh không khi nào bỏ thơ, thực tế thì thơ đã đi suốt cuộc đời anh.
Tốt nghiệp khóa 1, Đại học Bách khoa, kỹ sư Hoàng Khắc Bá ra trường được phân về Cục Khảo sát thiết kế, sau là Viện Khảo sát thiết kế thủy lợi, Bộ Thủy lợi. Công trình đầu tay là thủy điện Lô-Gâm. Kỹ sư Bá cùng các bạn trong đoàn khảo sát ngồi trên bè thả trôi từ ngọn nguồn sông Lô ở Hà Giang đến ngã ba Lô Gâm. Ở đây, đoàn khảo sát sống hàng tháng trời với người Dao Thanh Y và chàng kỹ sư trẻ đã viết bài Đêm Sông Lô nhớ quê: Quê hương ơi/Từ Lô giang xa xôi nghìn dặm/Xin gửi về theo muôn ngàn lớp sóng/Tới biển nhà đêm mộng giữa rừng xanh (Tháng 3/1960).
Tiếp đến là thủy điện Na Hang, Tuyên Quang. Anh đi bộ từ Bản Chồi về Tĩnh Túc hơn 50 cây số đường rừng, nên có bài Đường rừng viết khá “thật”: Đường dốc đèo hun hút/Thi thoảng gặp bóng người/Ngang lưng cài dao sáng/Súng kíp quàng qua vai/Chẳng biết dân hay phỉ/Đành liều nhanh bước chân (Cao Bằng 1962)...
Sau này, nhà địa chất công trình Hoàng Khắc Bá có kiến thức vững vàng cùng bề dày kinh nghiệm được đồng nghiệp kính nể gắn bó với nhiều công trình thủy điện, thủy lợi và ông đã đạt được không ít thành tựu. Năm 1970, trong nghiên cứu xử lý nền móng công trình trên nền cát - cuội ở Vực Hòn (Quảng Bình), những giải pháp kỹ thuật của ông độc đáo, tiết kiệm, bảo đảm sự ổn định, bền vững của tuyến đập chính, còn được áp dụng ở một số công trình khác. Năm 1987, tại Hội chợ triển lãm khoa học kỹ thuật Việt Nam, phương pháp gia cố và phụt dung dịch vào nền cát cuội sỏi của kỹ sư Hoàng Khắc Bá đã được nhận Huy chương Vàng. Năm 1973, Chính phủ quyết định xây công trình đập Tân Bích - Hà Thương để trữ nước cho một vùng khá rộng lớn vừa được giải phóng của huyện Gio Linh, Quảng Trị. Tuyến đập nằm trên nền đất đỏ bazan, mà ngày đó ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý nền móng có dạng địa chất này. Ông cùng các đồng nghiệp của Viện Khảo sát thiết kế thủy lợi đã nêu một giải pháp hợp lý và công trình vẫn phát huy tốt giá trị sử dụng. Rồi đến công trình xây dựng nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Thanh Hóa, nền móng nằm trên vùng đất có hang động đá vôi, điều mà các nhà kỹ thuật rất e ngại vì địa chất bao giờ cũng phức tạp, khó lường. Trải qua mấy chục năm đi vào vận hành nhà máy đã không xảy ra một sự cố nào, chứng tỏ thiết kế gia cố nền móng ngày ấy là hoàn hảo, mà ông là một trong các kỹ sư chính. Năm 1984, tại công trình Vực Tròn (Đồng Hới, Quảng Bình) ông đã có một cải tiến kỹ thuật thành công trong khoan phụt, xử lý nền cuội sỏi, sáng kiến đã được Bộ Thủy lợi tặng bằng khen. Những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI các nhà máy thủy điện lớn của nước ta được xây dựng và đã hoàn thành như: Yaly, Sơn La, Lai Châu... ít nhiều đều có sự đóng góp trí tuệ về khảo sát, thiết kế nền móng của ông. Với quá trình lao động bền bỉ, nghiêm túc năm 1996, kỹ sư Hoàng Khắc Bá đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Ông còn có thời gian đáng nhớ nữa trong quá trình hành nghề địa chất công trình là ở nước ngoài. Vào các năm 1989-1990 tại Irak, ông cùng chuyên gia một số nước, chỉ đạo thi công tuyến đập Baduk thuộc thành phố Môsun.
Kỹ sư Hoàng Khắc Bá (đứng đầu) trên công trường tháp điều áp, thủy điện Rào Quán, Quảng Trị (năm 2004).
Tập luyện và sống lạc quan
Vốn có nền tảng thể lực tốt, sức vóc vạm vỡ, thời trẻ và thời trung niên kỹ sư Hoàng Khắc Bá làm việc không biết mệt. Tuổi sáu mươi, bảy mươi... tuy về hưu ông vẫn còn chăm chỉ làm việc chuyên môn, là ủy viên Ban Chấp hành các hội Địa chất công trình và Đập lớn, bước chân ông vẫn dẻo dai trên nhiều nẻo đường đất nước. Trong bài bút ký Về Cửa Đại trên tạp chí Nhà văn tháng 5/2010 của Quang Khải đã miêu tả: “Bên cạnh kỹ sư Giả Kim Hùng, người nhỏ nói to kiêm nhiếp ảnh gia là kỹ sư địa chất Hoàng Khắc Bá, dân Bách khoa khóa 1 cao to lừng lững như cây lim già của đại ngàn, người kể chuyện tiếu lâm trên từng cây số, dí dỏm và khúc triết, một nhà thơ tình đích thực, tóc bạch kim thích xuất bản miệng mà chưa chịu in thơ thành tập. Về hưu chừng 1 năm rồi vẫn là thành viên của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, thường xuyên được mời đi mây về gió...”.
Nhưng rồi vào tuổi 80 thì có “bước ngoặt” về sức khỏe, như trên đã nói, ông liên tiếp trong thời gian ngắn 2 lần bị đột quỵ, khớp gối cũng “có vấn đề” đi nhiều phải chống gậy. Sau “bước ngoặt”, ông đặt ra cho mình một kế hoạch tập luyện mới, tỉ mỉ, vừa sức: sáng tập hít thở, lắc tay (dịch cân kinh) 1.500 lần; đầu giờ chiều nhờ lương y đến xoa bóp, bấm huyệt; tối trước khi đi ngủ tập thư giãn trong nhà; bỏ hẳn rượu, bia, thuốc lá... Ông luôn tâm niệm là không được bi quan, lo lắng, phải sống thoải mái, lạc quan. Và điều này nữa, tuổi già, bệnh tật ập đến ông vẫn không khi nào rời bỏ “Nàng thơ”. Từ năm 2010 ông in tập thơ đầu Như cánh chim trời (NXB Văn học), rồi đến 2014 ông in tiếp hai tập nữa, mới đây tổng kết một chặng đường dài làm thơ từ khi có bài thơ đăng báo đầu tiên (1957) đến 2016 ông có tập Một thoáng cuộc đời (NXB Hội Nhà văn). Tập thơ khá độc đáo, gồm toàn những bài 4 câu, chiêm nghiệm về nhân tình thế thái. Chẳng hạn: Giá người người sống miền không trọng lượng/Của nả chức quyền không thể cân đong/Vơ vét lọc lừa để mà chi nhỉ/Khi trở về cát bụi trần không? (Miền không trọng lượng); Nào biết luân hồi có hay không/Giã từ cõi tạm đã là xong/Chẳng chút nợ trần chi trần thế/Vào lọ tro rồi không về không (Về không!)... Song ta thấy trong tập, âm hưởng lạc quan vẫn chiếm ưu thế: Bờ đón niềm vui từ sóng/Trời xanh nhận những tầng mây/Rừng chờ lao xao từ gió/Người đợi người tóc trắng bay (Đợi); Gập ghềnh cõi tạm nắng mưa/Buồn vui sướng khổ nhặt thưa phận người/Đã qua tuổi bảy lăm rồi/Mà tình còn mãi đọng hoài duyên xưa (Mừng sinh nhật bà)...
Giờ hằng ngày nhà địa chất công trình có mái đầu bạc trắng ấy vẫn chăm chỉ tập luyện, đọc sách và làm thơ, như quên tuổi tác, quên bệnh tật. Ông là một minh chứng sinh động cho việc chủ động tạo ra lối sống lạc quan, yêu đời như một liệu pháp quan trọng để sống khỏe, sống vui có ích cho đời!