Thoái hóa đĩa đệm diễn ra như thế nào?
Các đĩa đệm được ví như những chiếc gối rất mềm đệm giữa các đốt sống ở cột sống của chúng ta. Mỗi đĩa đệm được tạo thành từ một dải rất chắc, phía bên ngoài giống như lốp xe (gọi là bao xơ đĩa đệm) và ở giữa là một chất giống như chất thạch ở bên trong (gọi là nhân nhày). Chúng giúp cho lưng có thể mang vác được những vật nặng và thực hiện các động tác vận động của cột sống trong khi vẫn duy trì sự vững chắc của cột sống. Khi chúng ta có tuổi, các đĩa đệm này có thể mất đi độ đàn hồi, tính linh hoạt và khả năng giảm sang chấn, chúng cũng có thể xẹp xuống do mất nước. Khi tất cả điều này xảy ra, các đĩa đệm này chuyển từ trạng thái mềm dẻo, vận động linh hoạt sang trạng thái cứng làm hạn chế vận động và gây đau. Hậu quả do thoái hóa đĩa đệm sẽ dẫn đến phình hoặc thoát vị đĩa đệm.
Có thể xảy ra từ khi còn trẻ
Thoái hóa đĩa đệm tiến triển như một kết quả của sự lão hóa của cơ thể và đặc biệt ở các đĩa đệm cột sống. Thoái hóa đĩa đệm có thể xảy ra ở những người 20 tuổi. Trong thực tế, một số bệnh nhân có thể kế thừa một cột sống sớm lão hóa. Đây dường như là kết quả tự nhiên của áp lực căng dãn của mỗi chúng ta đặt lên lưng trong các sinh hoạt hàng ngày. Nó cũng có thể liên quan với những tổn thương ở lưng, trong hoàn cảnh này đĩa đệm trở nên yếu do sự mất nước khô dần và xẹp xuống dẫn đến giảm sức mạnh và hình dáng của một hoặc nhiều đĩa đệm.
Các dấu hiệu điển hình
Thoái hóa đĩa đệm có thể ảnh hưởng bất kỳ vị trí nào của cột sống, tuy nhiên cột sống cổ và cột sống thắt lưng hay bị nhất. Vị trí đau sẽ phụ thuộc vào vùng cột sống có đĩa đệm bị thoái hóa. Đôi khi, đau có thể diễn ra dữ dội, khi đó được gọi là đợt đau cấp tính.
Đau cũng có thể lan tới các nơi khác của cơ thể. Các dây thần kinh phân nhánh đi ra khỏi cột sống sau đó sẽ tới các phần khác nhau của cơ thể, bởi thế đĩa đệm thoái hóa chèn ép vào một rễ thần kinh thắt lưng (rễ này chỉ chạy xuống hai chân) thì sẽ có triệu chứng đau ở chân. Trong y học, bác sĩ gọi là đau kiểu rễ thần kinh.
Trong thoái hóa đĩa đệm, chúng ta có thể thấy đau với các đặc tính sau: đau tăng khi ngồi lâu, khi cong người, khi bê vật nặng hoặc khi vặn người; giảm đau khi đi bộ hoặc chạy; hoặc thay đổi tư thế thường xuyên; khi nằm.
Đôi khi, việc chẩn đoán thoái hóa đĩa đệm có thể rất khó vì sự tiến triển của nó thường diễn ra từ từ và thường phối hợp với nhiều vấn đề liên quan khác (hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm...).
Việc chẩn đoán thoái hóa đĩa đệm gồm các bước như: thăm khám lâm sàng (nhìn dáng đi của bệnh nhân, tư thế chống đau, thăm khám thần kinh...) và dựa vào chẩn đoán hình ảnh.
Sống khỏe theo lời khuyên thầy thuốc
Thoái hóa đĩa đệm là bệnh tương đối phổ biến ở những người trung niên nó ít khi cần phải phẫu thuật. Khi những người bị thoái hóa đĩa đệm cần sự chăm sóc y tế thì phần lớn bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn (điều trị không phẫu thuật), sự hồi phục sẽ tới trong khoảng 6 tuần.
Những triệu chứng cần can thiệp phẫu thuật càng sớm càng tốt: Rối loạn/mất sự kiểm soát đại tiện hoặc tiểu tiện; hội chứng đuôi ngựa: đau lưng rất nhiều, yếu chân, đau kiểu rễ và rối loạn đại tiểu tiện...
Những dấu hiệu cảnh báo bạn cần đến bác sĩ ngay: Đau ngày càng tăng; đau không đi lại được; yếu chân, tê bì; mất sự kiểm soát đại tiểu tiện.
Trong thời gian hồi phục, bệnh nhân nên nằm nghỉ ngơi và hạn chế hoạt động. Người bệnh có thể nghỉ ngơi trong một vài ngày để giảm áp lực lên các dây thần kinh, nhưng không quá lâu vì chúng tôi thấy rằng những hoạt động nhẹ sẽ giúp nhanh hồi phục (những hoạt động nhẹ như đi bộ, đạp xe hoặc bơi). Trong giai đoạn đau cấp, bệnh nhân cũng có thể sử dụng áo nẹp cột sống để trợ giúp cho phần lưng đau, nhưng nên theo chỉ định của bác sĩ, vì đeo nẹp quá lâu có thể gây yếu hệ thống cơ xung quanh cột sống.
Thuốc được sử dụng trong điều trị thoái hóa đĩa đệm là những thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau, giãn cơ, an thần có khi cần thuốc chống trầm cảm.
Ngoài ra cũng có thể điều trị bằng vật lý trị liệu, châm cứu.
Khi nào cần phẫu thuật?
Khi thoái hóa đĩa đệm không thể điều trị được bằng các phương pháp bảo tồn thì phương pháp phẫu thuật có thể được xem xét đến.
Lựa chọn phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí đĩa đệm tổn thương, mức độ vững của cột sống, mức độ thoái hóa đĩa đệm...
TS.BS. Nguyễn Hoàng Long (Khoa Phẫu thuật cột sống, BV Việt Đức)