Sống khỏe, có ích nhờ tuân thủ tốt điều trị ARV

03-10-2020 13:37 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Gặp Nguyễn Thanh T tại Trung tâm Y tế thị xã Phú Mỹ, trong lúc T đang chờ lấy các vật phẩm để tiếp cận và phát cho những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Em hồ hởi chia sẻ về công việc của mình, và trong câu chuyện ấy, nếu như T không tiết lộ thì tôi cũng không biết được T. là người đang phải dùng thuốc ARV.

Nhờ tuân thủ điều trị tốt mà tải lượng virus của em luôn dưới ngưỡng phát hiện. Có sức khỏe tốt, ổn định, ngoài công việc chính của mình, em còn tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ cộng đồng phòng ngừa lây nhiễm HIV.

Khỏe nhờ tuân thủ điều trị tốt

Chia sẻ với tôi, T cho biết: Khi phát hiện mình bị nhiễm HIV (vào năm 2018), em sốc lắm. Lúc ấy, mặc dù chưa xuất hiện nhiễm trùng cơ hội nặng, nhưng đã có hiện tượng nổi hạch nhẹ, sụt cân, rối loạn tiêu hóa, CD4 (tế bào miễn dịch) còn dưới 250, người luôn mệt mỏi… khiến em cảm thấy hoang mang và bế tắc, tự kỳ thị mình không tiếp xúc với ai. Cái ý nghĩ “nhiễm HIV là bản án tử hình” cứ lơ lửng trong đầu, quẩn quanh đeo bám, khiến em nhiều lần đã nghĩ đến cái chết, nhưng cứ nghĩ đến cái chết thì em lại không đủ can đảm để đối diện với nó (T. cười).

 

Tuân thủ tốt điều trị thuốc ARV sẽ giúp duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.

Thế rồi tự mình cũng phải gắng gượng dậy, bắt đầu tìm hiểu thông tin về căn bệnh này, mới đầu là qua mạng internet, tờ rơi, sách báo… rồi được tiếp cận với các anh chị trong nhóm hỗ trợ của phòng khám ngoại trú (OPC)  của Trung tâm Y tế thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), dần dần em lấy lại được tinh thần, hiểu được về căn bệnh mà mình đang mắc, nên đã đỡ sợ hơn, nhưng cũng phải mất đến 1 năm sau tâm lý mới ổn định.

Khi phát hiện HIV dương tính, T được dùng thuốc ARV ngay, đó là vào thời điểm tháng 1/2018. Nhờ uống thuốc đều đặn hàng ngày, đúng giờ… và tuân thủ rất nghiêm ngặt chế độ điều trị của bác sĩ nên 6 tháng sau, tải lượng virus của em đã ở dưới ngưỡng phát hiện. Theo các nhà khoa học, khi tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ không làm lây nhiễm HIV qua đường tình dục hay K=K (Không phát hiện= Không lây truyền), và cho đến nay T vẫn duy trì được ngưỡng K=K.

Ông Đặng Văn Ngọc, chuyên trách chương trình HIV/AIDS Trung tâm y tế thị xã Phú Mỹ chia sẻ thêm: Lúc đầu khi đến đây T rất hoảng loạn và lo sợ; không biết khi nào mình sẽ chết. T chỉ có khóc, khóc nhiều lắm và rất khó tiếp xúc. Ban đầu, phòng khám phải triển khai phát thuốc tuần một lần để T đến tái khám, có thêm cơ hội tư vấn tâm lý và điều trị cho T.  Do tuân thủ điều trị tốt nên sức khỏe của T dần hồi phục, sống lạc quan, yêu đời hơn và tham gia nhóm hỗ trợ cộng đồng của Phòng khám ngoại trú của trung tâm và hiện nay 3 tháng T mới phải đến lấy thuốc một lần.

Hiểu về căn bệnh mình mắc, hiểu về tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị, T đã chấp nhận mình để vươn lên trong cuộc sống.

Khỏe để tiếp tục tham gia giúp cộng đồng

T. tâm niệm, muốn giúp đỡ cộng đồng mình phải khỏe và phải có kiến thức. Bởi vậy, bên cạnh việc hàng ngày đặt giờ uống thuốc đều đặn, T còn rất chịu khó tham gia các buổi tập huấn kiến thức do phòng khám tổ chức để bồi bổ thêm kiến thức cho bản thân.

Hiện T đang làm tư vấn bán hàng về điện máy (làm theo ca) để kiếm kế sinh nhai. Ngoài thời gian này T tham gia hoạt động tại phòng khám ngoại trú như: Tư vấn tâm lý cho bệnh nhân mới, giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn nhất (giống như mình trước đây), sau đó là tư vấn tuân thủ điều trị và tư vấn cho những người có nguy cơ cao tại cộng đồng; phân phát các vật phẩm phòng tránh lây nhiễm HIV như: Bao cao su, gel bôi trơn, bơm kim tiêm sạch…

Bằng minh chứng cụ thể của bản thân- người cùng cảnh ngộ, nên trong quá trình tác nghiệp T đã rất dễ thuyết phục được khách hàng. Nhiều người đã nhanh chóng vượt qua cú sốc tâm lý ban đầu, vượt qua mặc cảm, tuân thủ điều trị tốt, sống tự tin và có ích cho bản thân, gia đình và xã hội…  Điều này khiến T càng trân trọng những gì mình đang có và là động lực để tiếp tục cống hiến cho các hoạt động cộng đồng.

Khi phòng khám triển khai điều trị PrEP vào 7/2020 (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV), T. tích cực tham gia tìm ca (tìm những người có nguy cơ cao nhiễm HIV), nhất là trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) để kết nối điều trị PrEP, giúp những người có hành vi nguy cơ cao phòng tránh được lây nhiễm HIV.

 

K=K nghĩa là người nhiễm HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ để đạt và duy trì tải lượng virus không phát hiện (dưới 200 bản sao/ml) thì sẽ không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục, tức không lây nhiễm HIV qua vợ, chồng hay bạn tình. Tuy nhiên K=K không ngăn ngừa được lây truyền các bệnh qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, viêm gan B, C…

 

 

 

 


Xuân Thủy
Ý kiến của bạn