Sau này, cô cũng rất thành công trong vai trò sản xuất, điển hình phải kể đến Hương ga – bộ phim từng khuynh đảo các rạp chiếu.
Sức khỏe & Đời sống đã có dịp trò chuyện với nhà sản xuất kiêm nữ chính phim Hương ga trong ngày Sài Gòn trở lại nhịp thở bình thường sau nhiều tháng lockdown.
Chi tiêu tiết kiệm hơn trong mùa dịch
- Một ngày mới của chị thường diễn ra như thế nào?
Trương Ngọc Ánh: Một ngày của Ánh thường sẽ đơn giản lắm. Mở mắt ra thì điều đầu tiên là cảm thấy biết ơn vì có thêm một ngày mới để sống hết mình. Sau đó thì sẽ bắt đầu ngày mới bằng các thói quen như uống một ly nước chanh mật ong ấm để thanh lọc cơ thể, ăn oatmeal, uống cafe, thỉnh thoảng thiền buổi sáng, rồi hoàn thành list công việc đã được lên kế hoạch tối hôm trước.
Chiều tối xong việc, Ánh về nhà ăn cơm cùng gia đình, dành chút thời gian cho bản thân, thư giãn, tập thể dục, nghe sách nói, skincare, lên to-do-list cho ngày mai, rồi mỉm cười, biết ơn ngày hôm nay trước khi đi ngủ.
Diễn viên Trương Ngọc Ánh luôn giữ được thái độ tích cực trong mùa dịch.
- Chị làm gì để chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần trong mùa dịch?
Trương Ngọc Ánh: Mùa dịch này dù có lạc quan cách mấy, chắc chắn ai trong số chúng ta cũng sẽ có vài giây phút chạnh lòng, chán nản. Nhưng Ánh chọn không đặt nặng những cảm xúc đó, không để chúng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mình. Ánh sống chậm lại, nhìn nhận tình hình thực tại, xem xét lại lối sống, mục tiêu và kế hoạch của mình, nếu cảm thấy cần thiết thì thay đổi để phù hợp hơn với thời thế.
Ánh bắt đầu tập thể dục đều đặn hơn, thử sức thêm một số bộ môn khác. Ngoài ra, trong kỳ giãn cách xã hội, Ánh quyết định kiểm soát chế độ ăn của mình cho khoa học hơn, dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc sức khoẻ tinh thần như nghe nhạc, nhảy theo nhạc, dành nhiều thời gian hơn để tâm sự, lên tinh thần cho các thành viên trong gia đình, chi tiêu cũng tiết kiệm hơn, tạm gác lại những sở thích chưa cần thiết, từ đó mà tinh thần và thể chất mùa dịch lại ổn định hơn thường ngày ấy chứ. (Cười).
- Giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc xa cách người thân, bạn bè và cả người yêu nữa. Điều này có làm chị thấy buồn phiền?
Trương Ngọc Ánh: Thực ra con gái Ánh hiện đang ở Mỹ, xa cách nhau cũng mấy tháng rồi, nhớ con nhiều. Dù có gọi điện mỗi ngày, thấy nhau mỗi ngày thì cũng không thể bằng ở ngay cạnh bên được. Nhưng Ánh nghĩ trong lúc dịch bệnh này, buồn phiền vì ngăn cách đôi khi không giải quyết được vấn đề, mình nên nhìn nhận mọi việc theo cách lạc quan một chút, xa nhau một thời gian cũng không sao cả, chỉ cần người thân, bạn bè, người quen, cùng nhau mạnh khoẻ thì sau dịch chúng ta sẽ lại gặp mặt nhau mà, phải không?
- Hình như chị thích đọc sách? Cuốn sách nào khiến chị tâm đắc nhất?
Trương Ngọc Ánh: Thực ra Ánh nghe sách nói nhiều hơn đọc, do tính chất công việc bận rộn, di chuyển thường xuyên nên nghe sách nói sẽ tiện hơn. Ánh nghe nhiều sách và nhiều thể loại lắm. Nhưng có một câu trong cuốn sách Đắc nhân tâm mà Ánh đã và đang áp dụng cho mùa dịch này, đó là: ‘Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn bản thân mình được đối xử’.
Ánh tin rằng cuộc sống của mình, môi trường sống xung quanh như thế nào đều do tinh thần sống mỗi người mà tạo thành. Ánh mong trong tình hình khó khăn như hiện tại, chúng ta sẽ luôn chọn sống tử tế, lạc quan với nhau để cùng nhau vượt qua mùa dịch và cùng nhau vực dậy nền kinh tế sau dịch.
Làm từ thiện mùa COVID-19 xuất phát từ chữ ‘duyên’
- Chị cùng người thân liên tục tổ chức nấu các bữa ăn với thực đơn phong phú gửi tặng y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Chị có thể chia sẻ cảm xúc và những kỷ niệm đáng nhớ khi làm điều này?
Trương Ngọc Ánh: Những bữa ăn Ánh nấu cho các y bác sĩ xuất phát từ chữ ‘duyên’. Ánh có khá nhiều bạn bè làm y bác sĩ chống dịch ở tuyến đầu, nghe bạn kể tình hình ở các bệnh viện, Ánh thấy xót xa và lo lắng vô cùng. May mắn là có một số bạn có thể hỗ trợ vận chuyển các bữa cơm đến cho các bệnh viện nên Ánh ‘xung phong’ nấu ngay.
Vì là bếp nhà nên mỗi lần nấu Ánh cũng chỉ nấu được 200-300 phần cơm/ lần thôi nhưng mà vui, cả nhà ai cũng vui vì được đóng góp hỗ trợ cho các y bác sĩ, bệnh nhân trong mùa dịch này. Có hôm Ánh vừa nấu xong 200 phần buổi trưa cho các y bác sĩ xong thì có bạn gọi điện hỏi nhờ hỗ trợ các phần cơm cho một bệnh viện khác, thế là cả nhà lúc đó dù chưa kịp có thời gian ăn trưa, nhưng ai cũng gật đầu đồng ý tiếp tục nấu thêm một suất vài trăm phần như vậy nữa. Xong ngày hôm đó ai cũng đuối nhưng hạnh phúc lắm.
- Có lần chị chia sẻ rằng chị cảm thấy nặng lòng vì những gì mình hỗ trợ cộng đồng chưa đủ nhiều, chưa đủ lớn. Hiện tại, chị đã giải tỏa được cảm giác này chưa?
Trương Ngọc Ánh: Thực ra điều Ánh nặng lòng không phải là để giải toả đâu. Ánh nặng lòng vì mình biết mình giúp chưa đủ nhiều, chưa đủ lớn, và đó như động lực để Ánh cố gắng hơn nữa để có thể giúp được cộng đồng nhiều hơn từ khả năng và sức lực của bản thân. Sài Gòn lúc giãn cách, việc vận chuyển, đi lại khó khăn, Ánh cũng phải tạm ngưng nấu ăn vì không có cách nào vận chuyển được, Ánh day dứt lắm nên Sài Gòn mở cửa lại là Ánh bắt đầu nấu lại ngay.
Mùa dịch này ai cũng khó khăn, gồng mình chống chọi với dịch và gồng gánh cả tình hình tài chính của bản thân cũng như doanh nghiệp. Ánh cũng không ngoại lệ đâu, nhưng trong khả năng của mình, nếu có cơ hội giúp được gì, Ánh luôn sẵn sàng hỗ trợ hết sức mình.
- Chị ưu tiên làm điều gì trong những ngày đầu tiên Sài Gòn dần ‘mở cửa’?
Trương Ngọc Ánh: Sài Gòn dạo này đang dần bắt đầu cuộc sống bình thường mới, mọi người ai được tiêm vaccine rồi thì cũng có thể đi làm, đi mua các nhu yếu phẩm. Nhưng Ánh thì vẫn ‘rón rén’ lắm, vẫn cứ 5K thật kĩ, bảo vệ sức khoẻ bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Sài Gòn mở cửa, việc đầu tiên Ánh làm khi Sài Gòn là đi một vòng thành phố để hít thở không khí, để được thấy Sài Gòn mình yêu quý được dần ‘sống lại’ và lấy lại được hơi thở của chính mình sau những ngày thu mình chống dịch.
Trương Ngọc Ánh lựa chọn cách làm việc linh hoạt trong mùa dịch.
- Cuộc chiến với COVID-19 chưa biết đến khi nào mới kết thúc, chị có dự tính gì cho những hoạt động nghệ thuật của mình?
Trương Ngọc Ánh: Cuộc chiến với COVID lần này khiến cho Ánh nhận ra mình không thể cứ mãi chờ nó qua đi để thực hiện các dự án, kế hoạch hoạt động của bản thân được, vì không ai biết được dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu, và sẽ theo chiều hướng như thế nào. Nên tốt nhất, thay vì chờ đợi, Ánh sẽ linh động thay đổi các kế hoạch một chút, để có thể thực hiện chúng ngay trong tình hình hiện tại.
Hiện Ánh đang tập trung để ra mắt các kế hoạch hoạt động online trước, đồng thời sẽ chuẩn bị thật tốt và kĩ càng cho các dự án offline để khi có cơ hội thì mình đã sẵn sàng thực hiện rồi, không cần phải chờ đợi nữa.
Cảm ơn Trương Ngọc Ánh vì đã dành thời gian trò chuyện cùng Sức khỏe & Đời sống. Chúc chị nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui và có thêm những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc trong trong thời gian tới.
Trương Ngọc Ánh sinh năm 1976 tại Hà Nội. Cô khởi đầu với nghệ thuật bằng những giải thưởng nhỏ như Học sinh thanh lịch, Nữ sinh duyên dáng, Người đẹp Noel Hà Nội 1992,... Sau khi đoạt giải Hoa hậu Thời trang quốc tế Ai Cập 1998, Trương Ngọc Ánh bước sang một trang mới trong sự nghiệp.
Trương Ngọc Ánh hoạt động tích cực cả hai lĩnh vực điện ảnh, thời trang và đều đạt được những thành công đáng ngưỡng mộ. Những năm 90, cô xuất hiện dày đặc trên các tạp chí thời trang cũng như các bộ ảnh lịch.
Gần 30 năm gắn bó với nghệ thuật, Trương Ngọc Ánh luôn chọn cách gạt bỏ chuyện đời tư để giữ trọn hình ảnh đẹp trước công chúng. Hiện tại, ở tuổi 45, cô vẫn sở hữu nhan sắc trẻ trung, quyến rũ và luôn tràn đầy năng lượng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
MV Vì chúng ta yêu – Sống là hy vọng của Trọng Hiếu lan tỏa năng lượng tích cực ngày bình thường mới.