Dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Từ đó kéo theo bao sự mất mát, đau thương. Một trong những yếu tố cần thiết đến mức cấp bách là oxy. Và anh Hoàng Tuấn Anh, sau ATM gạo, anh đã lên ý tưởng rồi thực hiện ATM-Oxy được đánh giá cao.
Những suy nghĩ, hành động cũng có sự xoay chuyển mạnh mẽ trước đại dịch, Hoàng Tuấn Anh đã có cuộc chia sẻ lòng mình với bạn đọc Báo Sức khỏe&Đời sống trong "Sống khác mùa COVID-19" hôm nay.
Từ ATM-Oxy để nối dài sự sống
Chương trình ATM-Oxy được thực hiện thế nào, với thông điệp gì?
Hoàng Tuấn Anh: ATM-Oxy là tiếp theo chương trình ATM-Gạo đã được triển khai rất thành công và thiết thực với người dân nghèo tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Ngay từ khi ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tiếp tục phối hợp với Hội LHTN Việt Nam TP.HCM và PHGSmarthome do tôi làm giám đốc triển khai chương trình ATM-Oxy.
Với thông điệp "Trao oxy – nối dài sự sống", ATM-Oxy cung cấp máy oxy, bình oxy hỗ trợ công tác chăm sóc sức khoẻ của cho hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế được thuận lợi hơn, giúp bệnh nhân đang điều trị COVID-19 sớm hồi phục.
Đặc biệt là khi số ca nhiễm COVID-19 tăng cao, máy thở, oxy càng cần thiết và trở nên khan hiếm, nên việc chuẩn bị máy móc, oxy trong giai đoạn cả nước đang chống dịch lúc này là cấp thiết. Hiện tại, các F0, F1 đang thực hiện cách ly tại nhà nên không thể đem bình oxy đi đổi, số lượng tài xế giao hàng công nghệ hạn chế, xe tải của các trung tâm sang chiết oxy đã quá tải. Những điều này khiến việc tìm mua, đổi bình oxy trở nên nan giải. ATM-Oxy sẽ tăng cường đội xe đổi oxy hàng ngày cho các bệnh viện để nâng công suất sử dụng các bình lên 3-4 lần.
Hoàng Tuấn Anh chia sẻ về chương trình ATM-Oxy
Vào giai đoạn cao điểm giành giật sự sống cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, ATM-Oxy sẽ bắt nhịp theo như thế nào?
Hoàng Tuấn Anh: Chúng tôi làm từng giai đoạn. Ngoài việc hỗ trợ các bệnh nhân, các F0 tại nhà, trong giai đoạn 2 ATM-Oxy sẽ hỗ trợ đổi bình oxy miễn phí cho các bệnh viện với số lượng dự kiến là 5.000 tới 10.000 bình. Giai đoạn 3 ATM-Oxy sẽ cho các bệnh viện mượn để sau này TP HCM giảm dịch thì có thể hỗ trợ các tỉnh thành khác trên cả nước. Giai đoạn tiếp theo sẽ cần bổ sung đến bình nhập khẩu.
Các anh đã vượt qua nỗi sợ hãi, khó khăn khi đưa oxy đến cho F0 thế nào?
Hoàng Tuấn Anh: Khi bắt đầu làm cũng khó khăn, nhất là tài chính. Nhưng rất may mắn được đông đảo mạnh thường quân, cơ quan hỗ trợ. Khi có bình oxy rồi, khó khăn nữa là vận chuyển đến F0. Khi dịch bùng mạnh, nỗi sợ hãi khi gặp F0, tiếp xúc cũng lo lắng bị lây. Tuy nhiên tất cả suy nghĩ đều tập trung vào giúp người bệnh tận tình nhất lại thêm có Thành đoàn giúp sức kêu gọi thêm nhiều tình nguyện viên tham gia nên ai cũng dốc hết nhiệt huyết vào làm việc.
Đến nay đã có khoảng 900 tình nguyện viên không quản nắng mưa, gian khó đưa oxy đến F0. Ngoài 23 trạm oxy ở các quận/huyện còn hỗ trợ đến hơn 400 trạm y tế lưu động để y bác sĩ khi đi khám, chữa bệnh sẽ được hỗ trợ kịp thời, "thần tốc" nhất.
Thời kỳ cao điểm các anh hoạt động thế nào?
Hoàng Tuấn Anh: Lúc cao điểm mỗi ngày nhận được khoảng hơn 2.000- 3.000 cuộc gọi nhờ hỗ trợ và giao hơn 2.000 bình oxy. Chúng tôi kiên quyết không vì áp lực mà nản chí hay nao núng tinh thần gì cả. Hiện nay, ngành y tế vào cuộc quyết liệt, chăm sóc chu đáo nên các F0 khỏi bệnh nhiều, nhu cầu oxy dần giảm xuống.
Dõi theo hành động của các anh, nhận thấy rằng, việc chuyển oxy đến trạm y tế hay các F0 đều được thực hiện một cách gấp gáp nhất, động lực nào thôi thúc trong ý nghĩ để làm nên sức mạnh hành động như vậy?
Hoàng Tuấn Anh: Chúng tôi có nhiều cách vận chuyển. Bằng cả xe máy luồn lách qua các hẻm nhỏ, phố sâu. Con người có thể nhịn ăn vài ngày nhưng không thể nhịn thở trong 5 phút được. Đó là điều thôi thúc mạnh mẽ nhất. Đối với vận chuyển cho bệnh viện thì huy động thêm xe tải.
Đến ATM lưu động cung cấp lương thực, thực phẩm
Sau ATM-Oxy sự thay đổi trong ý nghĩ và dự định tiếp theo của anh là gì?
Hoàng Tuấn Anh: Sau ATM-Oxy, chúng tôi sẽ làm những chuyến xe ATM lưu động để cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân khó khăn khi TP.HCM nới lỏng giãn cách. Khát vọng vacine bảo vệ sức khỏe người dân cũng đã được nung nấu.
Vậy nên chúng tôi cũng đang tính đến phương án làm ATM tiêm chủng để hỗ trợ đưa vacine đến đông người hơn, được tiêm nhanh hơn. Như thế vừa ngăn ngừa dịch lây lan vừa thúc đẩy việc phát triển kinh tế. Tinh thần sẻ chia được từng thành viên của chương trình cũng như các tình nguyện viên luôn giữ vững.
Điều anh muốn gửi gắm qua các chương trình mình đã thực hiện là gì?
Hoàng Tuấn Anh: Đến thời điểm này, nguồn oxy ở TP.HCM đã ổn định do xây dựng được quy trình chuyển đổi một số nhà máy thép thành nơi sản xuất oxy y tế. Hệ thống trạm oxy và đội xe, tình nguyện viên cũng đã ổn định.
Điều chúng tôi mong muốn và luôn thôi thúc trong ý nghĩ là thực hiện các chương trình ATM-Oxy này ở nhiều tỉnh, thành khác nếu như ở đó có diễn biến bệnh dịch phức tạp và nhu cầu cần oxy nhiều. Tất cả đều với mục tiêu cao nhất là cứu bệnh nhân, nhanh chóng xua tan nỗi sợ hãi về dịch bệnh.
Trân trọng cảm ơn anh, mong cho các chương trình đã và đang làm tiếp tục nối dài những yêu thương.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chăm sóc F0 tại nhà