(SKDS) – Sulfamid chữa đái tháo đường (ĐTĐ) tolbutamid, được Hãng Upjohn phát minh trong thời kỳ mà insulin do Hãng Eli Lilly sản xuất để điều trị ĐTĐ còn đang chiếm vị trí độc tôn. Tuy nhiên qua cách dùng tolbutamid, các nhà y học nhận thấy sự hiện diện của một dạng bệnh mạn, không dùng insulin vẫn kiểm soát được, sau này gọi là ĐTĐ týp 2. Ý nghĩa to lớn của phát minh mới này không chỉ tìm ra một thuốc mới mà là từ dùng thuốc nhận ra một dạng bệnh mới, mở ra hướng điều chỉnh đường huyết bằng cách tác động lên tuyến tụy hay ngoài tụy. Sau sự khởi đầu từ sulfamid, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều thuốc điều trị ĐTĐ khác song chưa có sự đột phá!
Nhóm glitazon sớm bước lên bục vinh quang
Nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường có tuổi thọ ngắn vì tác dụng phụ nguy hiểm với người sử dụng. |
... Song cũng sớm bị vùi dập
Thuốc thứ nhất trong nhóm glitazon là troglitazon (Tr) được PDA cấp phép tháng 1/1997. Không lâu sau, Cơ quan dược phẩm Anh phát hiện thuốc gây độc cho gan và quyết định thu hồi tháng 12 cùng năm. Đến năm 2000, Mỹ, Nhật Bản cũng rút Tr ra khỏi thị trường. Dù tồn tại trong thời gian ngắn, Tr đã gây ra 90 trường hợp suy gan trầm trọng!
Thuốc thứ hai rosiglitazon (Rs) được PDA cấp phép năm 1999. 6 năm đầu, doanh số cao, trung bình 1,5 tỉ USD/năm. Nửa đầu năm 2007, nhiều nghiên cứu trong đó có 3 tổng phân tích của nhà sản xuất, của FDA, Nisissen SE và Wolski, cho biết: Rs làm tăng 43% nguy cơ cơn đau tim, tăng 27% nguy cơ đột quỵ so với các nhóm kiểm chứng. Cuối 2007 - 2010 có thêm nhiều bằng chứng: 2 tổng phân tích bao gồm 10 nghiên cứu ngẫu nhiên cho thấy dùng Rs bị nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp cao hơn dùng giả dược từ 30-80% (Nisissen SE, Wolski-2010; FDA - 2010). 7 nghiên cứu bệnh chứng, 14 nghiên cứu thuần tập (FDA-2010), đặc biệt nghiên cứu của FDA (Davis Graham DJ - 2010) trên 225.000 người dùng, đều đi đến kết luận là Rs gây ra tai biến tim mạch hoặc tử vong hơn pioglitazon 25%. Qua tranh luận gay gắt và vài lần trì hoãn, cuối cùng FDA cũng cho rút Rs khỏi thị trường. Trước đó, mạnh mẽ và dứt khoát hơn, tháng 7/2010 Vương quốc Anh, tháng 9/2010 EMA (châu Âu) đã cấm lưu hành Rs.
Nghĩ về thông tin thuốc
Trong hơn 10 năm, lịch sử phát minh dược phẩm đã ghi nhận nhiều cơn sóng gió tương tự. Chẳng hạn: nhóm kháng viêm coxib tạo ra sự phấn khích lớn khi mới ra đời vì làm giảm 30 - 50% tác dụng phụ viêm loét đường tiêu hóa, song sau đó có nhiều thuốc bị cấm (rofecobxib - 2004) do làm tăng đột quỵ, nhồi máu cơ tim (valdecoxib - 2005) do gây độc, hoại tử biểu bì (lumitacoxib - 2007) do gây độc gan) nay chỉ còn duy nhất celecoxib nhưng tác dụng phụ trên tim mạch vẫn còn tranh luận.
Từ các cơn sóng gió này có thể nghĩ về thông tin thuốc:
Người bệnh nhất là những người mắc bệnh mạn tính (viêm khớp, ĐTĐ, ung thư...) luôn mong đợi và thường cảm nhận bồng bột với thuốc mới phát minh (thấy nhiều ưu điểm, ít nhược điểm). Nước ta ít hoặc thường chậm nhập các thuốc này nên sự bồng bột ấy còn cao hơn.
Khi thuốc được các nước tiên tiến (như Mỹ, Anh, Pháp...) chấp nhận, ta có thói quen “tin tưởng tuyệt đối” các thông tin mà các hãng đưa ra khi trình xét lần đầu ở nước sở tại. Thực ra, sau đó chúng thường được phát hiện thêm tác dụng phụ. Phần đông bác sĩ, dược sĩ ít có điều kiện cập nhật thông tin “hậu mại” này; đến nỗi có thuốc khi Bộ Y tế thông báo cấm thì không ít người thấy đột ngột, chưa hiểu hết lý do. Nên chăng cần một tổ chức mạnh có đủ điều kiện giúp bác sĩ, dược sĩ đặc biệt ở tuyến dưới nắm bắt thông tin này.
Ta có trung tâm theo dõi tác dụng không mong muốn của thuốc (ADR) nhưng các cơ sở khám chữa bệnh chưa theo dõi, báo cáo ADR đầy đủ, đều đặn. Thiết nghĩ, vì sự dùng thuốc an toàn, cần khắc phục sớm khiếm khuyết này.
Thuốc là “con dao 2 lưỡi”. Nếu không tổ chức tốt việc cập nhật các thông tin về tác dụng phụ thì khác nào giấu đi một lưỡi nguy hiểm, dễ bất ngờ làm đứt tay người dùng.
DSCKII. Bùi Văn Uy