Vụ không kích của Mỹ làm dậy sóng Trung Đông
Vụ không kích trên diễn ra tại sân bay Baghdad vào hôm thứ 6 do chính Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo, các vụ không kích nhằm ngăn chặn "âm mưu tấn công" của Iran tại khu vực gây nguy hại cho người Mỹ.
Hiện các nghi thức cử hành lễ tang Tướng Qasem Soleimani đang được thực hiện ở Iraq và Iran trước khi mai táng. Hàng ngàn người dân Iraq đã tham gia tưởng niệm Tướng Iran Qasem Soleimani và chỉ huy lực lượng dân quân Iraq- Abu Mahdi al-Muhandis thiệt mạng trong vụ không kích. Một chiếc xe chở quan tài của Tướng Soleimani, bên trên quan tài phủ đầy hoa. Chiếc xe đi từ từ giữa biển người tiếc thương.
Biển người đưa tang giơ cao tấm ảnh Tướng Iran Qasem Soleimani
Chính quyền Mỹ cho biết sẽ đưa thêm hàng nghìn quân tới Trung Đông. Trong một cuộc họp báo ở Mar-a-Lago vào hôm thứ 6, Tổng thống Trump buộc tội Tướng Soleimani đang âm mưu các cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ ở Trung Đông. Ông Soleimani là Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Ông là "kiến trúc sư" cho những kế hoạch quân sự của Iran ở Trung Đông.
Sau khi hàng trăm người phản đối trước Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad vào đầu tuần, Mỹ đã gửi thêm 750 quân từ Lực lượng phản ứng nhanh của đơn vị không quân 82 và cho biết sẽ điều thêm viện binh nữa.
Căng thẳng leo thang
Hành động leo thang của Tổng thống Trump càng đẩy Tehran vào thế đối đầu với Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Lầu Năm Góc đổ lỗi cho tướng Soleimani đứng đằng sau một vài cuộc tấn công khiến hàng trăm người Mỹ và đồng minh thiệt mạng trong vài tháng gần đây.
Iran coi Tướng Soleimani như một người hùng của dân tộc. Chính phủ Iran tuyên bố 3 ngày quốc tang dành cho Tướng Soleimani. Ở Iran, ông Soleimani rất được người dân kính trọng. Hàng nghìn người đã tuần hành để biểu lộ niềm tiếc thương đối với Tướng Soleimani. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamene đã kêu gọi "báo thù" trên website chính thức của ông.
Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các công dân Mỹ rời khỏi Iraq ngay lập tức. Nước này cũng cảnh báo công dân Mỹ không nên đến Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad đồng thời tạm ngưng mọi hoạt động lãnh sự tại thủ đô Iraq.
Hiện trường vụ không kích do Mỹ tiến hành ở Baghdad
Chính quyền Trump cho hay trận không kích nhằm ngăn ngừa nguy cơ tiềm ẩn từ Iran, chứ không phải để khơi mào chiến tranh. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ lo ngại trận không kích trên sẽ làm tăng thêm mối đe dọa đối với các lợi ích của Mỹ trên toàn Trung Đông.
"Chính quyền tuyên bố sẽ gửi thêm 3000 quân nữa tới khu vực", Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Chris Van Hollen nói. "Rõ ràng là chính quyền đã nhận ra rằng hành động này thực sự làm tăng thêm nguy hiểm ở Trung Đông, tăng nguy cơ tấn công từ Iran. Không ngạc nhiên nếu bất cứ ai theo dõi tình hình nhận ra rằng Iran có ý gì khi nói rằng hành động không kích này tương đương với việc khơi mào chiến tranh."
Trận không kích trên còn gây chia rẽ ngay trong lòng nước Mỹ. Một vài ứng cử viên Tổng thống thuộc đảng Dân chủ lo ngại những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ông Joe Biden còn cho rằng Tổng thống Trump đã "ném ngòi nổ vào một thùng thuốc súng" còn ông Bernie Sanders cho rằng "động thái trên đã mở ra con đường chiến tranh với Iran".
Hành động của Mỹ đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải lên tiếng. Nga cảnh báo cuộc không kích sẽ để lại những hậu quả tang thương, trong khi Trung Quốc kêu gọi Mỹ kiềm chế. Ở châu Âu, Anh kêu gọi các bên hạ nhiệt, ngừng leo thang. Chính phủ Pháp thì khuyến cáo công dân nước mình tại Iran tránh xa những nơi đông người.