Sóng gió mới trong quan hệ đồng minh Mỹ-Pakistan

24-08-2017 21:43 | Quốc tế
google news

SKĐS - Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi ngày 24/8 đã nhóm họp Hội đồng an ninh quốc gia nhằm thảo luận biện pháp ứng phó với chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan.

Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược mới với Afghanistan, trong đó cáo buộc Pakistan chứa chấp các nhóm khủng bố cực đoan và đe dọa cắt viện trợ đối với quốc gia này. Giới phân tích cho rằng, cách tiếp cận mới của Mỹ đối với Pakistan không chỉ khơi lên sự nghi kỵ giữa hai đồng minh truyền thống, mà còn có thể thổi bùng những mâu thuẫn khu vực.

Việc Tổng thống Mỹ Donal Trump công bố chiến lược mới về Afghanistan tưởng như chẳng có gì liên quan đến Pakistan, nếu như không có một chi tiết quan trọng. Ông Donald Trump đã chỉ đích danh Pakistan là nơi dung dưỡng- là "nơi trú ẩn an toàn" cho các tổ chức khủng bố. Thậm chí, giới chức Mỹ còn cảnh báo có thể sẽ cắt viện trợ cho Pakistan đồng thời hạ cấp quy chế của Pakistan-ko còn là đồng minh lớn ngoài NATO của Mỹ. Tất cả để nhằm gây sức ép buộc Pakistan phải hỗ trợ nhiều hơn cho Mỹ trong vấn đề Afganistan. Đối với Pakistan, dường như đây là một sự đả kích rất lớn, bởi từ trước đến nay, Mỹ và Pakistan là đồng minh thân thiết trên nhiều mặt trận. Thậm chí, Mỹ còn nhiều lần tuyên bố “vai trò của Pakistan là không thể thay thế” nếu như muốn duy trì sự ổn định ở khu vực Nam Á này.

Thế thì vì sao, Mỹ lại có sự thay đổi thái độ như vậy?

Dưới góc nhìn phân tích, có khá nhiều lý do giải thích cho sự thay đổi này. Thứ nhất, thời gian gần đây, việc ngày càng có nhiều các tổ chức khủng bố “lựa chọn” Pakistan làm căn cứ địa, tấn công quân đội Mỹ, dân thường dọc tuyến biên giới dài 2.800km cũng như sâu trong nội địa của Afghanistan, làm gián đoạn các nỗ lực hòa bình ở Afghanistan, khiến giới chức Mỹ có phần nghi ngại. Dù Pakistan lên tiếng phân bua “họ không liên quan”, nhưng việc chính phủ Pakistan kiểm soát tất cả các vùng lãnh thổ đường không và đường bộ huyết mạch, nơi các lực lượng khủng bố đóng đô, buộc người ta phải nghĩ tới những kịch bản khác. Mặt khác, giới chức an ninh Mỹ cũng đã nhiều lần tuyên bố họ có bằng chứng về “một sự hậu thuẫn có chủ ý” đối với các nhóm khủng bố khu vực như Jaish-e-Mohammed, Al-Qaeda hay Chiến binh Kashmir khiến người ta đặt câu hỏi: ai tiếp tay cho các tổ chức này?

Quan hệ Mỹ-Pakistan lại trở nên căng thẳng sau chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan

Quan hệ Mỹ-Pakistan lại trở nên căng thẳng sau chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan

Thứ hai là sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề chống khủng bố. Nếu như các đời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, như cựu Tổng thống Obama cho rằng việc xây dựng mối quan hệ “lạt mềm buộc chặt” với Pakistan bằng sự nương nhẹ và tiền viện trợ sẽ khiến Islamabath sát cánh bên Mỹ, thì nay dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhà lãnh đạo với tư duy thực dụng của một doanh nhân, Mỹ sẽ tiến hành một cách tiếp cận khác, đó là cứng rắn và dùng kinh tế ép buộc Pakistan phải nghe lời. Hiện chưa rõ cách tiếp cận mới của Mỹ có đem lại hiệu quả hay không, song chắc chắn tuyên bố của Tổng thống Donald Trump đang khiến quan hệ Mỹ-Pakistan xấu đi trông thấy. Trong một phản ứng mới nhất, dư luận Pakistan cho rằng Mỹ không nên có thái độ kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”. Thậm chí, Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Asif nhấn mạnh: Mỹ không nên coi Pakistan như “vật tế thần” cho những thất bại của Washington tại Afghanistan.

Mâu thuẫn giữa hai đồng minh Mỹ-Pakistan là điều thấy rõ, tuy nhiên, yếu tố khơi lên lo ngại lại là những nguy cơ tiềm ẩn mới tại Nam Á. Trong chiến lược mới về Afghanistan, lần đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai đã kêu gọi Ấn độ “chung tay” giúp Mỹ trấn áp khủng bố và ổn định tình hình Afghanistan. Sự hiện diện của Ấn độ trong chiến lược mới mà Mỹ đưa ra, được cho là nhân tố có thể kích hoạt thêm chia rẽ và bất đồng khu vực, khi Pakistan và Ấn độ luôn trong tình trạng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. “Dầu còn được đổ thêm vào lửa” khi Trung Quốc cho rằng “cần ghi nhận công lao của Pakistan” trong cuộc chiến chống khủng bố, chứ không nên “hắt hủi” và đề cao các nhân tố khác. Thực tế này cho thấy nếu không xử lý tế nhị và khéo léo, rất có thể Mỹ sẽ đẩy Pakistan đến gần hơn với đối trọng lớn, như Trung Quốc và Nga. Tất nhiên Mỹ hiểu rõ điều này và có lẽ Mỹ sẽ phải điều chỉnh lại các mối quan hệ tại Nam Á sao cho bớt căng thẳng hơn sau những lùm xùm về chiến lược mới ở Afghanistan mà Washington vừa công bố.


N.Minh
Ý kiến của bạn
Tags: