Từ Brexit cứng có nguy cơ trở thành Brexit mềm
Khi kim đồng hồ đang nhích dần đến thời hạn cuối của tiến trình Anh phải rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) thì cũng là lúc chính trường Anh liên tiếp đón “bão lớn”. Chỉ 2 ngày sau khi Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố Nội các của bà đã đạt được sự nhất trí về thỏa thuận tạo cơ sở cho tương lai quan hệ giữa Anh và EU sau Brexit thì trong một động thái bất ngờ, người được cho là “cầm trịch”, là “linh hồn” của các cuộc đàm phán Brexit, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis tuyên bố từ chức. Sau đó ít giờ Bộ trưởng Ngoại giao Anh - nhân vật chủ chốt của đất nước trong tham gia các cuộc đàm phán - ông Boris Johnson cũng đã ra đi vì bất đồng với quan điểm Brexit mà Chính phủ đang theo đuổi. Chưa hết, còn có thêm 1 quốc vụ khanh nữa cũng “dứt áo ra đi” khiến cho tuần lễ này trở thành một tuần đáng nhớ đối với Thủ tướng Anh, đẩy nước Anh vào một ngày “hỗn loạn” .
Lý do mà những người đứng đầu tiến trình Brexit “bỏ cuộc chơi” khi chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa là kết thúc hành trình, đó là do họ không tìm được tiếng nói chung với Chính phủ. Họ ủng hộ quan điểm rời khỏi châu Âu mà không có bất cứ ràng buộc nào - Brexit cứng, đồng thời chỉ trích Thủ tướng trao quá nhiều quyền lực cho EU. Cựu Ngoại trưởng Johnson còn khẳng định “giấc mơ Brexit đang chết” và kế hoạch Brexit của Chính phủ hiện tại sẽ biến Anh thành “thuộc địa của EU”.
Nhiều người dân Anh phản đối Brexit.
Kế hoạch Brexit vừa được Chính phủ Anh thông qua, dự kiến kế hoạch này sẽ xuất hiện trong sách Trắng về quan hệ với EU thời hậu Brexit được công bố vào ngày 12/7. Theo đó, cho phép nước Anh giành lại quyền kiểm soát biên giới và luật pháp, chấm dứt sự đi lại tự do từ EU sang Anh, chấm dứt thẩm quyền của Tòa án Công lý châu Âu với Anh và ngừng các nghĩa vụ tài chính của Anh với EU. Tuy nhiên, về kinh tế, Anh sẽ theo đuổi quan hệ kinh tế gần gũi với châu Âu, tiếp tục ở lại khu vực thị trường tự do, Anh sẽ phụ thuộc vào các quy định và luật lệ của EU trong thời gian không xác định. Đây chính là điểm mấu chốt khiến bất đồng gia tăng trong nội bộ đảng Bảo thủ.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, chiến lược này chính là chính sách Brexit mềm, đi ngược lại những điều mà Thủ tướng Theresa May đã từng cam kết là một Brexit cứng, thậm chí dư luận còn cho rằng Thủ tướng Anh đã bị Brussels thuyết phục sau 2 năm đàm phán. Nếu đi theo kịch bản này, Anh sẽ không có tiếng nói trong các chính sách của EU nhưng vẫn được tiếp cận thị trường chung, tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ và lao động, không có rào cản thuế, tránh việc áp đặt một biên giới cứng tại Bắc Ireland.
Nội bộ Anh chia rẽ vì Brexit
Chỉ còn 3 tháng nữa là tới tháng 10 - thời điểm Anh và EU trông đợi sẽ đạt được thỏa thuận để các bên phê chuẩn, nhưng những xáo trộn đầu tuần này trên chính trường Anh như một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của Thủ tướng về vấn đề Brexit. Thỏa thuận vừa thông qua của Chính phủ Anh được xem là bước nhượng bộ của bà T.May đối với EU. Điều này khiến cho không chỉ trong đảng Bảo thủ của Thủ tướng mà cả Chính phủ Anh bị chia rẽ. Những người hoài nghi EU trong đảng Bảo thủ trở nên tức giận trước thỏa thuận ngày 6/7 của Chính phủ, bởi họ cho rằng chiến lược này đi ngược lại với những cam kết của Thủ tướng trước đây.
Về phần Chính phủ Anh, ngay khi 2 nhân vật chủ chốt trong Nội các từ chức, Thủ tướng Anh tiến hành cải tổ nội các, bà đã đề cử 2 người khác thay thế là tân Ngoại trưởng Jeremy Hunt và Bộ trưởng Brexit mới Dominic Raab đây được xem là những người có tư tưởng thân châu Âu hoặc cam kết sẽ tuân thủ Brexit mềm.
Từ chính sách thương mại đến ngoại giao của Anh sau Brexit đang đứng trước thử thách khó khăn, người ta còn đồn đoán về một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, làm lung lay Chính phủ Anh. Trong khi đó, người dân Anh đang trở nên mất niềm tin, sốt ruột với các cuộc đàm phán kéo dài hàng năm mà chưa nhìn thấy tương lai, thậm chí có khả năng Anh sẽ rời EU mà không đạt thỏa thuận nào.