Theo đó, tiếng ồn giao thông từ còi, động cơ và còi báo động có thể gây tăng huyết áp đối với những người sống gần đó.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Việc tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn giao thông đường bộ có liên quan đến tăng tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp nguyên phát, và nguy cơ này có thể gia tăng khi kết hợp với tình trạng ô nhiễm không khí".
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu của hơn 240.000 người từ 40 đến 69 tuổi không bị tăng huyết áp vào thời điểm bắt đầu nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có nguy cơ về sức khỏe đối với những người sống gần nơi có tiếng ồn giao thông, và nguy cơ này tăng theo mức độ tiếng ồn, ngay cả khi đã tính đến yếu tố ô nhiễm không khí. Những người tiếp xúc nhiều nhất với tiếng ồn và ô nhiễm không khí có nguy cơ cao nhất mắc bệnh tăng huyết áp.
Tác giả nghiên cứu, giáo sư Kazem Rahimi, chuyên gia tim mạch và sức khỏe dân số tại Đại học Oxford (Anh) cho biết: "Chúng tôi chưa xác định được ngưỡng tiếng ồn mà trên ngưỡng đó thì nguy cơ về sức khỏe bắt đầu tăng lên. Thực tế, nguy cơ gia tăng khi mức độ tiếng ồn tăng lên, bắt đầu từ mức thấp nhất đo được trong nghiên cứu".
"Điều này có nghĩa là mức độ tiếng ồn càng cao thì nguy cơ tăng huyết áp trong tương lai càng cao" - Rahimi nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ, đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người Mỹ. Các yếu tố nguy cơ góp phần khác bao gồm: tuổi tác, di truyền, béo phì, chế độ ăn uống và hoạt động thể chất.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
4 cách đơn giản giúp bạn phòng tránh bệnh ung thư