Sống đẹp dưới chân Chóp Chài

26-02-2020 05:52 | Xã hội
google news

SKĐS - Những con đường phẳng phiu hay gồ ghề, dựng ngược hay ngoằn ngoèo quanh chân núi Chóp Chài (Tuy Hòa, Phú Yên) cũng đều trở thành một phần ký ức của cư dân nơi đây.

Thứ ký ức dưỡng nuôi tâm hồn, mặc định tính cách nhẫn chịu đi qua đau thương, mất mát và độ lượng trong yên bình. Vùng đất này còn gắn với rất nhiều chiến tích, nhất là 3 lần cam go, nghẹt thở giải thoát cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Khát vọng yên bình

Trải quanh ngọn núi Chóp Chài là 2 xã Bình Kiến, Hòa Kiến và phường 9 (TP. Tuy Hòa). Nhiều thôn, làng đã gắn chặt với lịch sử hào hùng của vùng đất này, nhất là thôn Liên Trì, Phú Vang, Thanh Minh Ngọc, Phước Hậu, Ninh Tịnh (xã Bình Kiến).

Từ vùng đất bị giặc càn, quanh chân Chóp Chài ngày nay các làng hoa đã phát triển rực rỡ.

Từ vùng đất bị giặc càn, quanh chân Chóp Chài ngày nay các làng hoa đã phát triển rực rỡ.

Hoài niệm đẹp là cách người ta dễ dàng lướt qua, phủi đi những thứ màu mè giả dối để đánh thức những giá trị cốt lõi nhất. Đã nửa thế kỷ đi qua, cứ chiều tà, cựu chiến binh Lê Văn Tâm ở xã Bình Kiến lại chậm rãi rong bộ quanh chân Chóp Chài. Đất đai, vạn vật cũng như suy tư theo người. Ông Tâm bộc bạch: Lớp trẻ bây giờ biết đến núi Chóp Chài vì quanh chân núi có khung cảnh hữu tình, xanh đẹp, lắm món ăn ngon nhưng ít người thấu rõ, một thời, đất cũng như người phải đón nhận và chịu đựng chồng chất đau thương, mất mát. Thế mới thấm “phía sau ngọt ngào luôn là chông gai”.

Ông Tâm luôn tự hào, trong thời chiến, ở Bình Kiến nhiều người sức khỏe yếu, không trực tiếp tham gia cách mạng được nhưng âm thầm ngày lẫn đêm chuẩn bị thuốc men, nhu yếu phẩm phụ giúp cho bộ đội. Có những mùa xuân thời chiến, chia sẻ nhau từng nắm cơm, nắm lạc rang, cục lương khô nhưng vẫn ấm áp lạ thường.

Cũng bởi lòng hy sinh vì nhau, khát khao cống hiến cho cách mạng nên những người dân quanh núi Chóp Chài vẫn tạc ghi vào ký ức của mình hình ảnh những bà mẹ tần tảo, thủy chung, cam chịu, chắt chiu như mẹ Nguyễn Thị Mẽo. Có hai người con trai nhưng mẹ Mẽo vẫn quyết chí cho các con đi theo cách mạng. Ở nhà, không quản ngày đêm, dù mưa xối xả hay ngày gió lùa, mẹ Mẽo vẫn đào hầm che giấu bộ đội, che giấu các con mình. Ngày các con của mẹ bị địch bắt và bắn, lòng mẹ cồn lên những đớn đau dữ dội nhưng rồi mẹ dằn xuống, nuốt nước mắt vào trong và hô vang: Chúng ta phải chiến đấu vì chính nghĩa đến cùng, dù phải hy sinh vì nhau. Phải chiến đấu để những mùa xuân sau yên bình hơn.

Hình ảnh của mẹ Trần Thị Mực (thôn Liên Trì cũ) cũng như một biểu tượng cảm động về người phụ nữ kiên trung. Sức yếu nhưng mẹ Mực vẫn động viên cả 4 người con tham gia cách mạng còn bản thân mẹ ở nhà ngày cũng như đêm đào đất, khoét đá làm 2 căn hầm bí mật cho bộ đội của ta. Ước vọng cháy bỏng của mẹ là đất nước có những mùa xuân tươi đẹp, các gia đình ấm no, không lo giặc càn. Từng tấc đất, khoảng núi sẽ được ươm xanh, yên bình.

Không chỉ các mẹ Mực, mẹ Mẽo mà nhiều ông bố, bà mẹ khác cũng một lòng cống hiến vì cách mạng như: bà Nguyễn Thị Điểm, ông Nguyễn Lên, Nguyễn Thiện, Nguyễn Đình Quý... cũng dốc hết sức lực tiếp tế cho bộ đội, đào hầm che giấu các cán bộ cách mạng bằng tinh thần sẵn sàng hy sinh chứ kiên quyết không để cho giặc càn quét quê hương, đất nước. Anh Nguyễn Hữu Thi, con ông Lên giãi bày: Tư tưởng vì người khác, vì cách mạng luôn in đậm trong những nông dân kiên cường ở miền đất hiền hòa này.

Một trong những dấu son ghim sâu vào ký ức những người dân Phú Yên, đặc biệt là những người sinh sống quanh núi Chóp Chài đó là 3 lần giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị Ngô Đình Diệm giam lỏng tại Tuy Hòa.

Để tạo nên khối đại đoàn kết vững mạnh, Đảng, Nhà nước ta có quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nên Trung ương Đảng giao cho Đảng bộ Phú Yên giải thoát cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đó là nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Sau 2 lần giải thoát bất thành, đến cuối tháng 10/1961, lực lượng cách mạng của Phú Yên mới giải thoát được luật sư Nguyễn Hữu Thọ và bí mật đưa luật sư đi qua những con đường mòn quanh núi Chóp Chài về căn cứ an toàn sau đó vào miền Nam. Những ngày ấy, từng nông dân quanh núi sẵn lòng để dành từng viên thuốc, bọc cơm tiếp tế cho các bộ giải phóng.

Những căn dặn của luật sư Nguyễn Hữu Thọ về việc tuyệt đối tin tưởng vào đường lối của Đảng, của cách mạng đến nay vẫn in đậm trong trí nhớ của nhiều quân dân Phú Yên, nhất là những người dân quanh Chóp Chài. Ít lâu sau, Đài phát thanh Giải phóng thông báo luật sư Nguyễn Hữu Thọ chính thức được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Mùa xuân ấy, thời khắc ấy thực sự là dấu mốc không phai mờ trong mỗi người dân Việt Nam nói chung và người Phú Yên nói riêng. Bởi từ đó, chúng ta có thêm một tổ chức chính trị vững mạnh vì non sông.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (hàng đứng, thứ 5 từ trái sang) ở Phú Yên năm 1961   (Ảnh tư liệu, chụp lại ở Bảo tàng Phú Yên).

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (hàng đứng, thứ 5 từ trái sang) ở Phú Yên năm 1961   (Ảnh tư liệu, chụp lại ở Bảo tàng Phú Yên).

Vươn lên cùng đất nước

Những ngày hòa bình, ấm no bây giờ vẫn khơi lại năm xưa. Khơi lại để tiếp bước vượt qua mọi cạm bẫy, gian khó. Ông Lê Văn Hưng thôn Liên Trì II, một trong những người xông xáo trong cách làm ăn mới chia sẻ: Các thế hệ trước đã hy sinh nhiều rồi thì giờ mình phải kiến tạo chứ. Nhà nhà kiến tạo, làm ăn. Nhà giàu thì giúp đỡ nhà nghèo cùng vươn lên. Không chỉ ở thôn này mà ở hầu hết làng khác, nhiều nhà giàu thì kết nghĩa với nhà nghèo. Điều này hiếm nơi nào làm được.

Cũng giống như ông Hưng, ông Trần Văn Chín ở thôn Phú Vang cũng tâm tình: Nếu sống ích kỷ, khư khư chỉ biết mình thì không xứng là cư dân dưới chân Chóp Chài. Đây là vùng đất địa linh, nhân kiệt. Làng nào hàng năm cũng có các cháu đỗ đại học điểm cao và không có ai khổ nữa.

Những cứ địa cách mạng xưa như: Phước Hậu, Thanh Đức, Đồng Màng... giờ đã thành những cánh đồng trù phú, màu mướt xanh trải dài. Nông dân Lê Quốc Tính ở xã Hòa Kiến tâm sự: Giờ làm nông nghiệp cũng phải cập nhật kiến thức mới. Tôi học kỹ sư rồi về làm ruộng, năng suất cao lắm. Hướng dẫn bà con cùng làm luôn. Thấy tất cả cùng no ấm nên trong lòng chộn rộn niềm hạnh phúc rồi.

Không chỉ là minh chứng cho những thời khắc lịch sử mà núi Chóp Chài còn ẩn chứa nhiều giá trị tâm linh sâu sắc. Ở tương lai gần cộng đồng quanh chân núi nếu bắt tay cùng tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch, phát triển các làng nghề kết hợp nghỉ dưỡng ngay tại từng khu phố, thôn thì cuộc sống sẽ giàu đẹp thêm.

Như cách giãi bày mong muốn cho làng quê, đất nước ngày càng yên bình, no ấm, lúc nông nhàn, cư dân quanh núi Chóp Chài lại tìm đến các ngôi chùa ở sườn núi là: Hòa Sơn, Minh Sơn, Khánh Sơn, Bảo Lâm để gửi gắm những ước nguyện. Y sĩ Nguyễn Văn Tú ở phường 9 (Tuy Hòa) nhìn nhận: Nói là đời sống khá lên thì đúng là vậy nhưng lượng người, kể cả những gia đình từng tham gia cách mạng còn phải lao động phổ thông rất nhiều. Trong khi đó, tiềm năng ở đây để phát triển vững vàng nghề du lịch cộng đồng là điều không viển vông. Sau ngày giải phóng đất nước, dược liệu, các loài thuốc quý quanh Chóp Chài rất đa dạng. Nhiều thầy thuốc, lương y đã sử dụng chữa bệnh. Bên cạnh đó, nghề trồng hoa rất thịnh hành...thực phẩm quanh vùng thì bình dân, đa dạng.

Nhìn núi như một biểu tượng đáng nhớ của quê hương, ông Nguyễn Hải ở xã Hòa Kiến nhẩm đếm: Rất nhiều lần sét đánh xuống núi rồi nên người dân nôm na gọi Chóp Chài là “núi nhiều sét”. Tuy nhiên, từ đỉnh núi nhìn xuống có thể bao quát cả phố phường, các làng mạc. Với độ cao của mình, Chóp Chài làm nhiệm vụ hứng sóng rất tốt. Có lẽ vì vậy nên hệ thống ăng-ten, hệ thống cột phát sóng truyền hình, truyền thanh... mới được đặt trên đó. Các cán bộ làm việc trên đỉnh núi được rèn luyện bản lĩnh, nghiệp vụ cao nên dù có bao nhiêu lần sét viếng thăm đỉnh núi thì cũng chẳng nao núng gì.


Bài và ảnh: Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn