“Sống chung” với ô nhiễm, cần làm gì?

04-11-2016 10:37 | Xã hội
google news

SKĐS - Buổi giao lưu trực tuyến của người dân với các chuyên gia y tế, môi trường do báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức ngày 3/11 cho thấy...

Buổi giao lưu trực tuyến của người dân với các chuyên gia y tế, môi trường do báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức ngày 3/11 cho thấy, ô nhiễm môi trường và các bệnh lý liên quan đã ảnh hưởng trực tiếp, trở thành nỗi lo lắng, hoang mang của rất nhiều người. Bao trùm lên những câu hỏi đơn lẻ về sức khỏe con em, của bản thân và cách đối phó ô nhiễm môi trường, người dân cũng có thêm những kiến thức khi phải “sống chung” ô nhiễm, góp tay bảo vệ môi trường và đặc biệt là sự cần thiết những giải pháp căn cơ để giải quyết vấn nạn luôn song hành với phát triển kinh tế này…

Từ cả con người lẫn thiên nhiên

Ô nhiễm môi trường tuy thường không biểu hiện trực tiếp, mạnh mẽ hoặc dễ thấy như các vết thương từ dao kiếm, súng đạn, vậy mà hậu quả để lại luôn lan rộng, tiềm ẩn ngấm ngầm trong mỗi cơ thể để rồi biến hóa thành nhiều căn bệnh khác, dày vò bệnh nhân bằng các biểu hiện đa dạng, dai dẳng có khi cho tới hết cuộc đời.

Sống và làm việc trong môi trường bị ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Để cho dễ hình dung về những hậu quả của ô nhiễm môi trường đến sinh mạng con người, ta hãy cùng xem xét đến một vài số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO),  mỗi năm có khoảng 12,6 triệu người trên thế giới tử vong vì ô nhiễm môi trường, tức là cứ 4 người chết thì có 1 người tử vong do hậu quả của việc sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm.

Nguyên nhân là bởi con người sống trong môi trường ô nhiễm sẽ dẫn tới các căn bệnh nguy hiểm như các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, các bệnh về mắt hay ung thư. WHO cho biết, mỗi năm có 1,4 triệu người chết vì mắc bệnh hô hấp mạn tính do ô nhiễm môi trường; 2,5 triệu người tử vong vì đột quỵ hay 1,7 triệu người chết vì ung thư đều có nguyên nhân do môi trường ô nhiễm.

Theo PGS.TS. Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam hiện nay có những thời điểm rất đáng báo động. Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường đo quan trắc không khí, thống kê trung bình năm hàm lượng bụi trong không khí tăng hơn so với Quy chuẩn Việt Nam. So với đánh giá của quốc tế - chỉ số chất lượng không khí gọi là AQI - cũng cao hơn.

Mối nguy này rất dễ thấy tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… do tình trạng tập trung đông dân cư dẫn tới ô nhiễm, khói bụi từ các công trình xây dựng, mật độ phương tiện giao thông lớn cộng thêm khí thải từ than, củi hoặc do người dân ngoại thành đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí nội đô... Bên cạnh đó, nguồn ô nhiễm ngay trong mỗi gia đình như ô nhiễm do khói thuốc, do thói quen sinh hoạt, dùng loại bếp, thiết bị sưởi ấm...

Đáng chú ý, môi trường ô nhiễm không chỉ là hậu quả của sự phát triển kinh tế xã hội, ý thức bảo vệ môi trường của con người kém mà còn là do sự biến đổi của tự nhiên, khí hậu.

Đừng để trẻ em thành nạn nhân

Là một chuyên gia Nhi khoa, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội đã có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về hệ quả của ô nhiễm môi trường đối với trẻ em. Những ý kiến của bà rất đáng được các gia đình có trẻ nhỏ ghi nhớ. Bà cho biết, theo số liệu mới nhất của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), mỗi năm trên thế giới có 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì ô nhiễm không khí.

Tuy là vấn đề chung, song trẻ em lại là đối tượng nhạy cảm và chịu hệ quả nặng hơn cả do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc suy yếu nên dễ mắc bệnh, chủ yếu là các bệnh lý về đường hô hấp. Có một nhận xét rất đáng chú ý của bà là gần như bất cứ trẻ em dưới 2 tuổi nào cũng phải trải qua một số triệu chứng hoặc nặng hoặc nhẹ từ môi trường.

"Ở trẻ em có 2 nhóm bệnh về hô hấp là bệnh lý cấp và bệnh lý mạn tính. Các bệnh lý đường hô hấp trên như: viêm mũi họng cấp, viêm tai giữa... cứ tái đi tái lại. Một bệnh lý mạn tính khác cũng rất hay gặp ở trẻ là hen phế quản, bệnh này ở nước ta và cả thế giới đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở trẻ em. Bệnh hen phế quản gắn liền với ô nhiễm môi trường là một vấn đề không thể chối cãi, ngay cả những nước phát triển. Một nhóm bệnh lý nữa nhiều người cho là không liên quan nhưng thực tế lại khác, đó là các bệnh lý về phát triển não. Mọi thứ liên quan đến ô nhiễm cứ ngấm dần từ khi bà mẹ mang thai đến khi phát triển. Rất nhiều nghiên cứu cũng nói bệnh tự kỷ có liên quan đến ô nhiễm môi trường lâu dài. Vấn đề ô nhiễm môi trường đã được đưa ra bàn thảo ở nhiều hội nghị quốc tế. Một vấn đề nữa là ô nhiễm môi trường còn liên quan đến một số bệnh chuyển hoá. Trẻ sống trong môi trường ô nhiễm có thể mắc một số bệnh như đái tháo đường hoặc một số bệnh mạn tính khác", bà Thúy nhấn mạnh.

Về các biện pháp phòng vệ, bà Thúy cho biết, người dân ta đang rất thiếu ý thức phòng bệnh tiên phát. Đối với trẻ nhỏ, chúng ta cần đeo khẩu trang cho các cháu mỗi khi ra đường. Duy trì thói quen vệ sinh mũi họng hàng ngày cũng làm giảm các dị nguyên đi vào đường hô hấp. Hoặc khi đi ăn uống ở bên ngoài về nhà thì cho trẻ rửa tay chân cũng là một cách để giảm tiếp xúc ô nhiễm. Hạn chế để trẻ ra đường vào những giờ cao điểm. Bên cạnh đó, cho trẻ có chế độ dinh dưỡng tốt, uống nhiều nước, chế độ sinh hoạt tốt để trẻ tăng khả năng tự bảo vệ, tăng sức đề kháng của cơ thể. Một yếu tố nữa cũng rất hay là cây xanh quanh nhà, trồng nhiều cây xanh sẽ tạo quang hợp, tạo ôxy, tạo môi trường trong lành, mát mẻ và giảm khả năng ô nhiễm môi trường. Gia đình có điều kiện có thể sử dụng máy lọc không khí hoặc làm cho nhà cửa thoáng đãng...

Trong khi chờ đợi các giải pháp mang tính căn cơ, dài hạn, về quy hoạch, giao thông, phân bổ mật độ dân cư… từ các nhà quản lý và đòi hỏi thời gian lâu dài, người dân cần lưu tâm các biện pháp tự phòng vệ cho bản thân và đặc biệt là trẻ nhỏ - một thế hệ tương lai đang phần nào gánh chịu hậu quả của lớp người đi trước.


Hoàng Lê
Ý kiến của bạn