'Sống chung' với động đất ở Kon Tum

25-04-2022 11:01 | Xã hội
google news

SKĐS - Những trận động đất kích thích vẫn liên tục diễn ra ở Kon Tum. Nếu giống như kịch bản động đất ở Nam Trà My (Quảng Nam) thì chu kỳ động đất kéo dài hàng chục năm.

Họp khẩn tìm giải pháp cho động đất ở Kon TumHọp khẩn tìm giải pháp cho động đất ở Kon Tum

SKĐS - Sáng nay 19/4, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai sẽ tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, chuyên gia để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Động đất sẽ kéo dài hàng chục năm?

Sáng 25/4, Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu phát đi thông báo động đất ở Kon Tum. Theo đó, trận động đất có độ lớn 2.8, độ sâu chấn tiêu khoảng 8km xảy ra vào lúc 2h33 phút 51 giây ngày 25/4 đã xảy ra ở huyện Kon Plông, Kon Tum. Ngày 24/4 đã xảy ra 3 trận động đất có độ lớn 2.8 - 2.9. Ngày 22 và 23/4 cũng đã xảy ra 4 trận động đất liên tiếp có độ lớn 2.8 đến 3.1.

Sống chung với động đất ở Kon Tum - Ảnh 2.

Động đất kích thích có chu kỳ kéo dài.

Theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, từ đầu tháng 4/2021 đến nay, tại Kon Plông và khu vực lân cận ghi nhận tổng số 180 trận động đất, gấp hơn 5 lần số trận động đất ghi nhận được ở khu vực này suốt từ năm 1903 đến 2020. Đáng lưu ý nhất là trận động đất ngày 18/4 với cường độ 4.5, là trận động đất mạnh nhất khu vực này trong lịch sử, gây ra rung chấn ở Kon Plông và khu vực lân cận.

Để tìm hiểu kỹ hơn về những trận động đất liên tiếp ở Kon Tum, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu đã tổ chức một đoàn công tác là các chuyên gia có mặt ở Kon Plông để khảo sát, đánh giá hệ thống đứt gãy tại đây. Trước đây có rất ít nghiên cứu về động đất tại khu vực này. Trên cơ sở nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ tiến hành đánh giá mức độ rủi ro và xây dựng các kịch bản ứng phó rủi ro có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và lân cận.

Theo Viện Vật lý Địa cầu, động đất xảy ra ở Kon Plông là động đất kích thích, giống như từng xảy ra tại Thủy điện sông Tranh 2 ở Quảng Nam. Thực tế, từ 24/3/2021, Thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu phát điện tổ máy số 1. Ngay sau đó, từ tháng 4/2021, động đất liên tiếp xuất hiện tại Kon Plông và các huyện lân cận, kéo dài đến bây giờ với sự gia tăng về cường độ và tần suất.

Đầu năm 2012, rung chấn cùng những tiếng nổ lớn xảy ra trong lòng đất hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), nơi có Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước. Sau đó động đất gia tăng nhanh về cường độ và tần suất, đỉnh điểm là trận động đất mạnh 4.7 độ ngày 16/11/2012, gây xáo trộn một thời gian dài đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (Quảng Nam). Các nhà khoa học sau đó vào cuộc và kết luận, đây là động đất kích thích, xảy ra do Thủy điện sông Tranh 2 tích nước. Động đất tại đây vẫn kéo dài liên tục đến nay đã 10 năm. Trận động đất gần đây nhất có độ lớn 2.7 xảy ra ngày 11/3/2022.

PGS.TS Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng cho biết, điểm trùng hợp của thủy điện Thượng Kon Tum và Sông Tranh 2 là đều nằm trên đới đứt gãy Rào Quán - A Lưới, một đới đứt gãy lớn chạy từ Lào đến Quy Nhơn (Bình Định). Tuy nhiên, động đất kích thích ở Kon Plông có kéo dài như ở sông Tranh 2 hay không thì cần đánh giá nghiên cứu, bởi nền địa chất hai khu vực có thể khác nhau. Trên thế giới có những động đất kích thích kéo dài vài chục năm như từng xảy ra tại Ấn Độ nhưng cũng có động đất kích thích xảy ra thời gian ngắn, tần suất và cường độ thấp.

Kỹ năng "sống chung" với động đất kích thích

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Viện Vật lý Địa cầu cho biết, các trận động đất liên tục ở Kon Tum không bất thường do động đất kích thích thường là một chu kỳ, có thể kéo dài đến vài năm. Độ lớn của các trận động đất kích thích cũng không quá cao, ở mức độ cao nhất là 4,5 độ vừa xảy ra tại Kon Plông cũng chỉ là động đất yếu, ít có khả năng gây ra thiệt hại về người và tài sản. Chúng ta không thể nào ngăn chuyện tích nước của một nhà máy thuỷ điện, nên giải pháp lúc này là nghiên cứu chuyên sâu, bài bản về động đất xung quanh các hồ chứa để có biện pháp ứng phó hiệu quả.

Sống chung với động đất ở Kon Tum - Ảnh 3.

Hồ thuỷ điện Thượng Kon Tum, nơi được cho là nguyên nhân gây ra các trận động đất kích thích thời gian gần đây ở Kon Plông

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, việc các công trình đập nước bị ảnh hưởng bởi động đất kích thích là hiện tượng chung trên thế giới. Động đất cực đại có thể xảy ra trong khu vực hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum là không quá 5 độ richter và độ sâu chấn tiêu cao nhất là 15km.

Đây là đới đứt gãy đang hoạt động, vì vậy khi tích nước hồ chứa thì động đất kích thích xảy ra trong phạm vi hoạt động của đứt gãy này là chủ yếu. Khi hồ chứa thủy điện 2 được tích nước, tải trọng nước trong hồ chứa sẽ làm gia tăng trường ứng suất của đất đá trong khu vực hồ chứa. Hiện tượng thẩm thấu nước xuống độ sâu làm thay đổi ứng suất rỗng, giảm ma sát trượt tạo điều kiện thuận lợi cho phát sinh động đất kích thích.

Sống ở vùng có động đất kích thích, người dân không nên lo lắng, song có những kiến thức cần biết để có thể phòng tránh nếu động đất mạnh xảy ra trong thời gian tới. Để đảm bảo an toàn tính mạng, trong quá trình xảy ra động đất, người ở nhà hoặc ngoài trời thì giữ nguyên vị trí, không hoảng sợ, chạy đi chạy lại dễ gây thương tích. Nếu đang ở trong nhà thì tránh xa bức tường, đứng giữa nhà hoặc chui xuống gầm bàn, giường vững chắc. Tránh xa cửa sổ và cửa ra vào.

Trường hợp người đang ở ngoài trời thì nên chọn nơi càng rộng càng tốt. Không đứng dưới đường dây điện, cây cao, gần nhà cao tầng, tường cao... dễ đổ.

Không nên thắp nến, bật lửa hoặc diêm khi xảy ra động đất, cần chiếu sáng thì chỉ được dùng đèn pin. Nếu đang đi bộ trên đường hoặc bằng phương tiện giao thông như: xe đạp, xe máy, ôtô... thì không được dừng dưới cầu vượt, cầu, cống cho đến khi rung động kết thúc.

Khi động đất xảy ra, tại trường học hoặc công sở, cán bộ, học sinh cần chui xuống bàn và tránh xa cửa sổ, cửa ra vào. Nếu đang ở ngoài sân phải lùi xa khỏi các ngôi nhà. Trường hợp động đất mạnh, người còn kẹt trong các nhà cao tầng thì trước mắt phải nhanh chóng tìm kiếm chỗ trú tạm thời như các gầm bàn, khung chịu lực cửa ra vào, chân gầm cầu thang…

Tại các vùng thường xuyên có động đất, chính quyền cần thường xuyên vận động tuyên truyền để cán bộ, nhân dân trong khu vực hiểu biết về hiện tượng này và có nhận biết đúng đắn, xử lý đúng một khi động đất xảy ra. Chính quyền cần có các phương án dự phòng cho công tác tìm kiếm cứu nạn như dự định các điểm tập trung dân thuận tiện về mọi mặt cho công tác tìm kiếm cứu hộ (sân vận động, bãi đất trống rộng gần đường giao thông...) trong tình trạng khẩn cấp. Huy động nhân lực, vật lực, các phương tiện giao thông phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ khi cần thiết.

Động đất ở Kon Tum chưa từng có trong lịch sử Động đất ở Kon Tum chưa từng có trong lịch sử

SKĐS - Trong khoảng thời gian hơn 100 năm, khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) chỉ ghi nhận được 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên. Trong khi từ năm 2021 đến nay, tại đây đã xảy ra 169 trận động đất.

Xem video đang được quan tâm:

Cảnh Báo Di Chứng Kéo Dài Hậu Covid Có Thể Thành Hội Chứng Phổ Biến | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn