Bệnh trĩ ngoại tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây ngứa ngáy, vướng víu và cảm giác khó chịu đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Việc người bệnh chủ quan không điều trị dứt điểm và kịp thời dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng khác như viêm nhiễm hậu môn...
Nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh trĩ ngoại
Những thói quen hoặc tác động hàng ngày làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ, đó là: thói quen ngồi nhiều, đứng lâu, ít vận động, mang vác nặng. Táo bón kéo dài: táo bón tức là phân khô cứng gây khó đi cầu. Khi đó phải rặn nhiều gây tăng áp lực tĩnh mạch trĩ kéo dài, đồng thời sẽ làm cho cơ vòng thắt hậu môn cũng giãn ra theo dẫn tới bệnh trĩ. Thói quen ăn uống thiếu chất xơ, nhiều đồ cay nóng như rượu, bia, ớt hạt tiêu... gây táo bón và giãn phình tĩnh mạch trĩ (thấp nhiệt) và dẫn tới bệnh trĩ. Một số thói quen vô tình mỗi ngày như ngồi xổm, rặn khi đi cầu quan hệ đồng tính nam...Một số người mắc bệnh toàn thân như rối loạn tiêu hóa, bệnh hô hấp (hen phế quản, viêm phế quản, giãn phế quản)... Theo Đông y, các bệnh này đều gây khí yếu và dẫn tới bệnh trĩ. Một số người do béo phì, thừa cân, vận động khó khăn cũng là một trong các nguyên nhân gây ra bệnh trĩ ngoại; Phụ nữ mang thai và sau sinh đẻ: Khi có thai thì dễ bị táo bón, sức khỏe yếu hơn, đồng nghĩa là hệ thống tĩnh mạch cũng yếu hơn.
Đề phòng bệnh trĩ nên ăn nhiều rau xanh để cung cấp chất xơ, cải thiện hệ tiêu hóa.
Biểu hiện thường gặp khi bị trĩ ngoại
Trĩ ngoại có các mức độ khác nhau, loại do tắc và vỡ các tĩnh mạch ở hậu môn gây căng tức, rất đau và có thể chảy máu. Trĩ ngoại có thể bị viêm nhiễm, nhất là loại xảy ra ngay tại nếp gấp ở cửa hậu môn gây nên hiện tượng phù nề, đau đớn, cho nên mỗi lần đi đại tiện rất khó khăn. Với người bệnh bị trĩ ngoại có kèm theo táo bón, càng đi đại tiện càng đau, cho nên ngại đi đại tiện, vì vậy càng gây táo bón và do đó bệnh trĩ càng ngày càng nặng thêm. Loại trĩ ngoại phức tạp nhất là loại do tĩnh mạch căng, phồng hoặc bị gập. Loại này thường gây ra đau đớn, chảy máu khi đi đại tiện, gây khó khăn cho việc vệ sinh hậu môn, thậm chí gây tắc hậu môn, đôi khi phải cấp cứu.
Bệnh trĩ ngoại kéo dài sẽ rất đau mỗi lần đi đại tiện và ra máu, các tĩnh mạch ở hậu môn giãn to tạo thành các búi trĩ thòi ra ngoài hậu môn. Một số người bị trĩ ngoại có biến chứng sa búi trĩ ra ngoài gây chảy máu, nhiễm khuẩn, khó chịu khi đi lại, lúc đi đại tiện và có thể ảnh hưởng đến khả năng tình dục (giảm khoái cảm). Trĩ ngoại càng để lâu không được chữa trị càng dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là viêm phần phụ ở nữ giới và có thể gây nhiễm khuẩn huyết.
Nguyên tắc điều trị trĩ ngoại
Trĩ ngoại khiến cho ai mắc phải gánh chịu nhiều tổn thương ở vùng hậu môn do viêm nhiễm, thường gây cảm giác nóng rát, ngứa ngáy thường xuyên. Để điều trị hiệu quả bệnh trĩ ngoại, quan trọng nhất là cần đến khám bác sĩ ngay khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh để được xác định mức độ nặng nhẹ của trĩ ngoại (trĩ ngoại không phân chia độ như trĩ nội), từ đó có hướng điều trị phù hợp. Thuốc được dùng thường là các loại thuốc trợ mạch, làm cho thành mạch vững chắc hơn, thuốc chống viêm, kháng sinh (nếu có nhiễm trùng), thuốc giảm đau. Nếu bị táo bón có thể phải dùng các thuốc chống táo bón. Tuy vậy, dùng thuốc gì, liều lượng và cách sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ, người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và tự mua thuốc để tự điều trị.
Trĩ ngoại thường không có chỉ định phẫu thuật, trừ khi búi trĩ ngoại đã bị biến chứng gây tắc nghẽn hoặc sa trĩ nghẹt. Chính vì vậy, điều trị nội khoa bằng thuốc uống là lựa chọn hàng đầu trong điều trị trĩ ngoại. Trong đó, y học phương Đông ưu tiên sử dụng các vị thảo dược an toàn cho những người bị trĩ ngoại và nên điều trị sớm để tránh biến chứng. Những vị thảo dược được khuyên dùng để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa cũng như tránh tái phát bệnh trĩ ngoại, cũng như các loại trĩ khác hiệu quả là diếp cá, đương quy, ruitin (hoa hòe), curcumin (tinh chất nghệ) và đã được bào chế thành dạng viên tinh chất giúp tiện sử dụng cũng như mang lại hiệu quả cao. Đây là những vị thảo dược chống táo bón, cầm máu, tăng sự đàn hồi và bền vững thành mạch hiệu quả.
Nếu điều trị nội khoa theo phác đồ, đủ thời gian mà bệnh không những không khỏi, thậm chí có xu hướng nặng thêm, bác sĩ khám bệnh sẽ có hướng chuyển điều trị bằng thủ thuật như tiêm xơ hoặc thắt búi trĩ tùy theo tính chất của bệnh và sức khỏe của người bệnh.
Để phòng bệnh trĩ, nên ăn nhiều rau xanh để cung cấp nhiều chất xơ giúp cải thiện được hệ tiêu hóa và bổ sung lượng nước vừa đủ nhằm giúp phân mềm để hạn chế táo bón và đi đại tiện dễ dàng hơn; Tập dần thói quen đi đại tiện đúng giờ và khi đi đại tiện không nên rặn vì sẽ tạo áp lực lớn đến tĩnh mạch chỉ khiến cho búi trĩ tiến triển nặng hơn. Bên cạnh đó, cũng không nên nhịn khi đi đại tiện vì có thể dẫn đến tình trạng táo bón; Không nên ăn những thực phẩm cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ hoặc các đồ uống kích thích chứa nhiều cồn, gas như bia, rượu, cà phê, trà đậm, nước ngọt; Dành thời gian để tập luyện thể dục thể thao để nâng cao được sức khỏe và giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, góp phần giảm tình trạng táo bón. Tuy nhiên, cần phải tập luyện vừa phải, không chơi các môn thể thao nặng; Không nên đứng hay ngồi quá lâu một chỗ trong thời gian dài, đặc biệt là các công việc như nhân viên văn phòng, tài xế, công nhân, tốt nhất cách khoảng 1 tiếng thì vận động dễ dàng để giảm áp lực lên các tĩnh mạch và cũng tránh mang vác vật nặng vì chỉ khiến búi trĩ lồi ra nhiều hơn.