Vậy, làm thế nào để sống chung với bệnh mạn tính, tận hưởng cuộc sống trọn vẹn là vấn đề quan tâm của nhiều bạn đọc...
Bệnh mạn tính là gì?
Theo WHO, bệnh mạn tính là bệnh tiến triển kéo dài hoặc hay tái phát, thời gian bị bệnh thường rất lâu. Bệnh mạn tính không thể ngừa bằng vắc xin, không thể chữa khỏi hoàn toàn và cũng không tự biến mất. Tuy nhiên bệnh có thể được kiểm soát bằng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác.
Bệnh mạn tính phần lớn không do vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc nấm gây ra nên gọi là bệnh mạn tính không lây nhiễm. Xu hướng chung không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới là bệnh mạn tính không lây nhiễm ngày càng gia tăng và trẻ hóa đối tượng mắc bệnh. Các bệnh mạn tính điển hình là viêm khớp, hen phế quản, đái tháo đường, động kinh và tăng huyết áp.
Ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người bệnh
Tại Việt Nam, cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm, trong đó 43% số ca tử vong trước 70 tuổi, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm đến 66% tổng gánh nặng bệnh tật.
Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thì người mắc bệnh mạn tính còn bị ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý và đời sống tinh thần. Khi bị các bệnh nói chung, bệnh mạn tính nói riêng, người bệnh thường rơi vào trạng thái hoang mang cực độ, với những lo lắng về tình trạng bệnh tật của mình như có nặng lắm không, có chữa được không, có tốn nhiều tiền không...
Viêm khớp là bệnh mạn tính điển hình ở người cao tuổi.
Sự rối loạn tâm lý của người bệnh tùy thuộc vào thời gian chịu tác động của áp lực tâm lý và sức chịu đựng tâm lý của cơ thể. Thời gian chịu áp lực tâm lý càng dài thì mức độ áp lực càng tăng (trong y học gọi là thời gian ngấm sang chấn).
Thời gian ngấm sang chấn càng lâu, áp lực tâm lý của người bệnh càng nặng nề từ đó họ có những suy nghĩ và hành vi tiêu cực như mặc kệ cho bệnh lý hoành hành, không cộng tác với thầy thuốc, không thực hiện các chế độ trị liệu và có người bị trầm cảm thậm chí tự tử...
Làm gì để sống cùng với bệnh mạn tính?
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính chưa hiểu đúng về tầm quan trọng của việc điều trị bệnh mạn tính cũng như chưa kiên trì điều trị. Các liệu trình điều trị bệnh mạn tính thường khá lâu dài, vì vậy, trước hết người bệnh mạn tính cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ, kiên trì điều trị bệnh và hiểu rõ về bệnh của mình.
Tuân thủ chỉ định của bác sĩ Để làm được điều này bệnh nhân không tự ý bỏ thuốc, bỏ điều trị, nếu thấy thuốc có tác dụng phụ, hãy trao đổi với bác sĩ để khắc phục chứ không được tự ý bỏ thuốc.
Không tự ý sử dụng thuốc, nhiều bệnh nhân được người này người kia mách nên đã tự ý mua các loại thực phẩm chức năng hay thuốc không được bác sĩ chỉ định về điều trị có thể gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, đặc biệt nếu bạn sử dụng trong thời gian dài.
Bệnh nhân không nản lòng dù bệnh khó chữa vì thực tế bệnh mạn tính là căn bệnh bạn phải chung sống suốt đời. Nhiều trường hợp dù đã dùng nhiều loại thuốc và điều trị trong thời gian dài nhưng không thấy thuyên giảm nên bệnh nhân đã buông xuôi không điều trị. Điều này sẽ khiến bệnh tiến triển nặng thêm. Bạn hãy kiên nhẫn để tìm ra cách chữa trị thích hợp nhất và hãy kiên trì tái khám đúng lịch.
Hiểu rõ về bệnh của mình
Khi mắc bệnh, người bệnh cần hiểu rõ bệnh của mình điều này giúp cho bệnh nhân có kiến thức luôn ở tâm thế chủ động khi chung sống lâu dài với bệnh mạn tính. Ngay từ khi mới mắc người bệnh cần tìm hiểu và đem những thắc mắc và không biết hỏi bác sĩ để được giải đáp và tư vấn cụ thể. Hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ về căn bệnh của mình như những triệu chứng có thể gặp phải, biện pháp điều trị, chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi khi bị bệnh...
Hiện nay y học phát triển, mặc dù là bệnh mạn tính nhưng các kiến thức về lâm sàng, điều trị và chăm sóc bệnh nhân luôn được cập nhập và được các bác sĩ nghiên cứu. Trên thực tế, luôn có nhiều loại dược phẩm, biện pháp điều trị mới ra đời giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của người bệnh.
Giảm căng thẳng trong cuộc sống
Để giảm được áp lực về tâm lý, nhất là ở bệnh nhân cao tuổi bị bệnh mạn tính phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó có vai trò của người thân trong gia đình cũng như vấn đề được chăm sóc y tế đúng mức. Vì vậy, người bệnh rất cần sự quan tâm của người thân, gia đình và bạn bè. Những người bị bệnh mạn tính cũng cần chia sẻ cởi mở những vấn đề gặp trong sinh hoạt hàng ngày với bạn bè, người thân, họ hàng... sẽ cảm thấy bớt cô đơn và có thêm những bí quyết riêng giúp người bệnh đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.
Chế độ ăn uống lành mạnh và cân đối
Người bệnh mạn tính cần có một chế độ ăn uống hợp lý với từng người để phù hợp với từng bệnh lý. Nhìn chung người bệnh nên ăn các loại rau quả tươi để bổ sung các vitamin, muối khoáng cần thiết mà người bệnh thường không thể tự tổng hợp được. Nên ăn nhiều cá, ít nhất 2 -3 lần trong tuần, giúp cơ thể chống lại các nguy cơ gây bệnh về tim mạch và ung thư. Nên ăn nhiều chất xơ để chống táo bón, giảm cholesterol máu phòng tránh xơ vữa động mạch, đái tháo đường, béo phì...
Hạn chế dùng nhiều chất béo động vật: Nên thay bằng chất béo không no hoặc dầu thực vật, có nhiều trong đậu nành, dầu hạt cải, cá béo, tảo, rong biển. Chúng có tác dụng phòng chống bệnh tim mạch và ung thư. Tuy nhiên, đối với các loại bệnh riêng biệt thì sẽ có một số chỉ định cụ thể cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc.
Đảm bảo giấc ngủ ngon tránh mọi sự kích thích như: Lo lắng, buồn phiền, căng thẳng. Tránh hút thuốc lá, uống cà phê, trà đặc, phòng ngủ yên tĩnh, thoáng, đủ ấm và ánh sáng phù hợp, tránh gió lùa về mùa đông.
Cần tập luyện thể dục, thể thao phù hợp với sức khỏe và từng loại bệnh. Chế độ luyện tập vận động cần phù hợp theo khả năng, không nên gắng sức thái quá. Các động tác thể dục và vận động ở người bệnh mạn tính có thể là: Đi bộ, tập thái cực quyền, các động tác thể dục thể thao nhẹ nhàng. Tốt nhất là các bài tập khí công, tập thư giãn và tập thở bụng.