“Sống chết” với nghề khảm trai

17-02-2020 08:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trải qua hàng trăm, thậm chí cả ngàn năm với biết bao thăng trầm, nghề khảm trai tưởng như bị mai một, nhưng chính những người thợ tâm huyết, yêu nghề đã khiến nét văn hóa dân gian quý giá này vẫn đang được gìn giữ và phát huy.

Đi tìm ông tổ làng nghề

So với các địa phương khác, Chuyên Mỹ được đánh giá là một trong những xã phát triển của huyện Phú Xuyên. Xã có 7 làng thì cả 7 làng được công nhận làng nghề khảm trai, sơn mài, hoặc chế biến nguyên liệu khảm trai. Được biết làng Chuôn Ngọ là nơi có ông tổ nghề, có bề dày lịch sử làm nghề khảm trai hơn 1.000 năm. Theo sử sách của làng Chuôn Ngọ, nghề khảm trai nơi đây bắt đầu vào thế kỷ XI. Hiện ở đình làng Chuôn Ngọ vẫn thờ ông Trương Công Thành, một vị tướng văn võ song toàn dưới triều Lý (1009 - 1225), người có công dạy nghề khảm trai cho dân làng, dân làng suy tôn là ông tổ nghề.

Làng Chuôn Ngọ là đất tổ nghề nên có gì đó bí truyền khó lý giải. Nhiều người khẳng định, bao nhiêu nghệ nhân nơi khác đến làng học nghề nhưng chỉ làm được một phần nào thôi, trình độ họ không đặc sắc bằng người sinh ra tại làng. Những người sành chơi đồ khảm họ chỉ cần nhìn vào sản phẩm là biết đây là sản phẩm chỉ có người làng Chuôn Ngọ mới làm được. Vì đường nét sắc sảo, phối màu đẹp, rõ ràng và rất có hồn, khác hoàn toàn nơi khác.

Để có một sản phẩm khảm trai, nghệ nhân phải thực hiện nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn, nghệ nhân đều phải thật cẩn thận, tỉ mỉ. Một trong những công đoạn quan trọng của nghề khảm trai là “cẩn xà cừ”, nghĩa là đục gỗ theo nét vẽ và gắn những nguyên liệu họa tiết lên đó. Công đoạn kỳ công nhất trong nghề khảm là cưa, đục các mảnh trai. Người thợ khảm trai dùng những mảnh vỏ trai để gắn lên các đồ vật. Các công đoạn cần phải thực hiện khá tỉ mỉ, sau đó mới đến khâu mài nhẵn và đánh bóng. Thời gian tối thiểu dành cho một bức tranh khảm trai là 1-3 tháng.

Để có một bức tranh khảm trai hoàn chỉnh, người thợ kỳ công thường phải mất 1-3 tháng.

Để có một bức tranh khảm trai hoàn chỉnh, người thợ kỳ công thường phải mất 1-3 tháng.

Tương lai làng nghề

Sản phẩm thủ công có giá trị chỉ có thể là những sản phẩm đơn chiếc. Chính yếu tố này dẫn đến việc sản phẩm thủ công khó cạnh tranh với những sản phẩm sản xuất đồng loạt như một số nơi đã làm. Hơn nữa, chính sách đầu tư cho làng nghề còn hạn chế, một bộ phận lao động trẻ chưa thực sự tâm huyết với nghề nên việc phát triển làng nghề bền vững gặp phải rất nhiều khó khăn.

Dẫu vậy, trong hoàn cảnh nào, người dân làng Chuôn Ngọ đều chung một suy nghĩ: Nghề của làng thật đáng tự hào, bởi sự xuất hiện của nghề quý gắn liền với những chiến công oanh liệt của dân tộc, với lịch sử Thăng Long nghìn năm văn hiến. Vì yêu nghề, họ quyết tâm tìm mọi cách để “sống chết” với nghề. Theo thời gian và xu thế hội nhập thế giới, những người nghệ nhân khảm trai nơi đây đã từng bước nâng cao tay nghề để sáng tạo ra những mẫu tranh tinh xảo, kỹ thuật hơn như phong cảnh non nước, khắc họa chân dung... Nhờ vậy, sản phẩm của làng nghề Chuyên Mỹ phát triển ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn xa ra thị trường quốc tế như Anh, Nga, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản...

Trải qua nhiều thăng trầm của xã hội, mặc dù có những lúc nghề tưởng như bị mai một nhưng những người thợ khảm trai đích thực vẫn một lòng trung thành để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề cổ. Những mặt hàng khảm trai mang đậm nét truyền thống của Chuyên Mỹ vẫn luôn làm say đắm lòng người và nhận được sự ngưỡng mộ của du khách gần xa, giúp người dân làng nghề có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và quan trọng hơn cả, Chuyên Mỹ đã trở thành một trong những điểm đến du lịch làng nghề điển hình trong số các làng nghề truyền thống của Việt Nam.


Vũ Quang
Ý kiến của bạn