Hà Nội

Sống chậm để yêu thương

03-05-2020 15:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Hiện nay, ta dễ có cảm tưởng cho rằng những người bận rộn là những người quan trọng, người tài năng, thậm chí là người thông minh. Nếu bạn bận rộn, bạn sẽ được người khác ngưỡng mộ, thậm chí là ghen tị. Tuy nhiên, mặt trái xã hội sống hối hả không chỉ biểu hiện lượng người bị trầm cảm, u uất, rối loạn tâm lí ngày càng nhiều.

Tác hại của sống nhanh

Về phương diện sức khỏe, sống nhanh rất dễ tạo “stress” gậm nhấm thể chất và tinh thần con người.

Stress là những áp lực về mặt tâm lý và những biến động trong gia đình, trong xã hội tác động lên con người gây mất cân bằng. Đáp ứng của con người bị stress là cảm thấy có “sự căng thẳng” và sự mất cân bằng thể hiện trong cơ thể là những biến đổi sinh học, sinh lý nhằm đối phó lại các áp lực, các biến động vừa nêu. Như khi bị stress, có sự tăng tiết hormon ở tuyến thượng thận (tuyến nằm úp trên 2 quả thận) là glucocorticoid và adrenalin, có sự tăng tiết các hormon ở hệ thần kinh như hormon tăng trưởng (somatostatin), prolactin, các endorphin (còn gọi là morphin nội sinh, đây được xem là “ma túy” do chính cơ thể tiết ra) làm rối loạn đủ thứ.

Với liều lượng vừa phải, chính stress giúp ta có sự hưng phấn, cảnh giác, tập trung cao độ để đối phó lại tình huống không thuận lợi.

Tuy nhiên, nếu stress cứ lập đi lập lại và ta không làm chủ được nó, không thích ứng với những biến đổi do nó đưa đến, cơ thể ta sẽ bị rối loạn về mặt thể chất và tâm thần.

Stress không kiểm soát có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch là tăng huyết áp, bệnh béo phì, bệnh tiểu đường type 2, bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng… Theo Mayo Clinic, stress có thể tác động vào cơ thể của bạn, vào suy nghĩ của bạn, vào cảm thọ của bạn, và vào cả thái độ của bạn.

Sống chậm để yêu thươngLần đầu tiên trong lịch sử, những con phố sầm uất và vội vã nhất trở nên vắng vẻ, mọi người ở nhà và nhìn nhận lại nhiều điều

Sống chậm đúng nghĩa

Một phần nhân loại tiến bộ đã coi nguyên tắc sống chậm như một phép dưỡng sinh tinh thần. Nhưng sống chậm như thế nào cho đúng, cho đủ và thấm thía thật sâu ý nghĩa của sống chậm thì thật là không phải dễ.

Trước hết, cần lưu ý không ít người đã ngộ nhận về sống chậm. Họ mạo danh sống chậm để biện minh cho thái độ kỳ quặc hoặc hành vi thiếu trách nhiệm. Một công chức sống chậm có quyền ngồi rung đùi uống cà phê trong giờ hành chính chăng? Một nhà kinh doanh sống chậm có quyền trễ hẹn giao dịch với khách hàng chăng? Như vậy, nên sống chậm sao cho vừa lợi mình vừa lợi người.

Cũng tùy vào hoàn cảnh, ai đó sẽ nhận thấy cần sống chậm lại một chút, dành nhiều thời gian thư giãn, chiêm nghiệm, lắng nghe chính mình và tìm kiếm thêm yêu thương, thêm chia sẻ... Học thiền, tập yoga, tĩnh tâm trong hơi thở… là một số giải pháp “sống chậm” của nhiều người thời nay. Sống chậm dường như kéo ta bước chậm lại, đưa con người trở về với bề sâu, bề xa, những góc khuất trong tâm hồn, chầm chậm lắng nghe và suy ngẫm.

Cả vài thập niên gần đây, các quốc gia, các chuyên gia tâm lý đều luôn nói về việc sống chậm, khuyến khích người ta sống chậm, nhưng dường như, chỉ có 1 bộ phận rất rất nhỏ của thế giới mới tiệm cận phương pháp này và thực hành. Cho đến khi đại dịch COVID -19 bùng nổ, nó buộc người ta phải sống chậm lại, nhìn nhận lại mọi thứ. Phát biểu trên một tạp chí danh tiếng, bà Li Edelkoort - một trong những chuyên gia dự đoán xu hướng có tầm ảnh hưởng thế giới đã chia sẻ: Đại dịch này sẽ buộc chúng ta phải chậm lại, ngưng các chuyến bay, làm việc tại nhà, chỉ giải trí giữa bạn bè thân và gia đình, học cách tự cảm thấy đủ đầy và tỉnh thức.

Khả năng ứng biến và sáng tạo sẽ là những tài sản quý giá nhất.


PGS.TS.DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Ý kiến của bạn