Sông Cà Lồ đang “chết” dần : Người dân kêu, chính quyền hời hợt

15-09-2014 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Có tổng chiều dài là 89km, sông Cà Lồ tuy nhỏ nhưng đã in đậm và đi vào ký ức của nhiều người dân sống gần hai bên bờ sông.

Có tổng chiều dài là 89km, sông Cà Lồ tuy nhỏ nhưng đã in đậm và đi vào ký ức của nhiều người dân sống gần hai bên bờ sông. Tuy nhiên hiện nay, người dân đang vô tư “xẻ thịt” sông với bao chuồng, trại, xâm lấn, xả thải... khiến con sông thơ mộng đang oằn mình chờ chết...

Sắp thành sông “lấp”

Sông Cà Lồ (còn gọi là sông Phù Lỗ) là một chi lưu của sông Cầu và từng là một phân lưu của sông Hồng. Nó vốn tách ra khỏi sông Hồng ở xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc và hợp lưu với sông Cầu tại ngã ba Xá, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, đoạn cửa sông kết nối với sông Hồng từ lâu đã bị bịt. Đầu nguồn của sông Cà Lồ chủ yếu là nước từ các dãy núi của Tam Đảo. Tổng chiều dài của sông là 89km, qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc 27km. Sông Cà Lồ tuy nhỏ nhưng đã in đậm và đi vào ký ức của nhiều người dân sống gần hai bên bờ sông bởi đây là dòng sông hiền hòa, quanh năm bồi đắp phù sa, đem đến những dòng nước mát rượi giúp cho hạt lúa, củ khoai căng tròn, rau quả, cây cối xanh tốt.

Ông Nguyễn Văn Tâm bức xúc trước nạn đổ rác ra ven sông Cà Lồ.

Nhưng đó là chuyện ngày xưa, chuyện cách đây 25 - 30 năm về trước. Còn nay, sông Cà Lồ không còn hình hài như trước nữa mà đã bị biến dạng, đổi màu, bị con người tận dụng khai thác một cách triệt để. Không biết người ta vô tình hay cố ý, nhưng mọi thứ người ta đều đổ dồn ra sông như: xây chuồng trại, làm vườn, chăn thả gia súc, gia cầm; dùng kích điện dò tìm bắt hết cả những con tôm con tép. Người ta ngăn, đắp, xâm lấn diện tích dòng chảy. Thậm chí cả rác thải, phế liệu cũng đổ ra sông Cà Lồ. Chức phận của sông Cà Lồ bây giờ chỉ làm một việc thoát nước cũng không xong. Vì thực tế diện tích dòng chảy của sông cũng bị người ta xâm lấn, tận dụng trồng rau, trồng chuối ven bờ. Bao nước thải, rác thải người ta đều quăng ra sông không một chút ngần ngại, ngượng ngùng. Người ta “vô tư” đến nỗi dùng cả xe bò, xe công nông để chở rác thải và vật liệu phế thải đổ ra ven sông Cà Lồ. Sông Cà Lồ đang “chết” dần trong sự vô cảm của con người.

Người dân thắc mắc, chính quyền “ngơ ngác”

“Chúng tôi là những hộ dân sống ven sông, hàng ngày làm nghề kéo vó bè kiếm sống trên sông Cà Lồ, rất bức xúc trước việc nhiều hộ dân đổ rác thải, chất thải xây dựng ra ven sông. Mong chính quyền có biện pháp xử lý nghiêm minh để giữ gìn môi trường cho sông Cà Lồ”, ông Nguyễn Văn Tâm - người dân xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường bức xúc nói.

Anh Nguyễn Văn Hồng ở xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường chia sẻ: “Sông Cà Lồ xưa kia là điểm đến tắm giặt, bơi lội, kéo tôm, kéo cá. Còn nay chẳng mấy ai quan tâm đến sông Cà Lồ cả. Bởi lẽ môi trường dòng sông đang dần bị ô nhiễm, bị xâm lấn nghiêm trọng. Rất mong các cơ quan chức năng có biện pháp cứu lấy sông Cà Lồ”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Khổng Duy Bông - Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường cho biết: Địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân không được đổ rác thải, chất thải ra ven sông, tuy nhiên, nhiều người vẫn đổ trộm vào buổi tối hoặc sáng sớm. UBND xã đã nhiều lần  thuê máy cẩu san, gạt, cẩu rác thải đi chỗ khác nhưng chỉ được một thời gian ngắn người dân lại đổ rác, chất thải xây dựng ra ven sông.

Đã đến lúc ngành môi trường của tỉnh, huyện và chính quyền các xã có sông Cà Lồ chảy qua cần có cơ chế phối hợp để bảo vệ dòng sông Cà Lồ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, cùng với đó là xử phạt nghiêm minh những người đổ rác thải, chất thải ra ven sông; tháo dỡ những hàng rào xây dựng trồng cây lấn diện tích dòng chảy của dòng sông.

Bài và ảnh: Đào Duy Tuấn

 


Ý kiến của bạn