Từ xưa cộng đồng người Công giáo ở xã Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định được đặt tên là xứ Xương Điền. Cả vạn người, ở ven biển phía Đông huyện Hải Hậu, sống trong cảnh nghèo đói đã bao năm. Mảnh đất gầy guộc nơi đây, hàng năm từng bị biển gặm nhấm, bào mòn. Sóng biển gầm gào cuồn cuộn mỗi lần triều lên. Người dân lui dần vào sâu trong đất liền…
Nhà thờ “trái tim” trên cồn cát
Người dân xứ Xương Điền kể, biển đã đuổi họ vào sâu đến mấy cây số, gây cảnh tượng
hoang tàn xơ xác. Những ngôi nhà, ruộng vườn cùng những ngôi nhà thờ bị sóng biển phá nát, cuốn ra khơi xa. Nơi đây, hiện là những triền cát trơ trọi, trải dài mỗi khi triều rút. Trước kia, Giáo xứ Xương Điền có hàng chục ngôi nhà thờ kỳ vĩ, với kiến trúc vòm cao gắn những tháp chuông ngân nga, suốt ngày đêm. Vậy mà gần trăm năm nay, khí hậu biến động, biển mỗi ngày một khắc nghiệt. Sóng gió, bão tố điên cuồng tàn phá hàng năm. Dân phải rước tượng Chúa vào trong sâu trong làng để xây nhà thờ mới. Nhiều nhà thờ sập đổ bị chôn vùi trong biển nước mênh mông. Vẫn còn đó, những dấu tích xưa cố gượng dậy, cưỡng lại những cơn giận dữ biển khơi. Hiện trải dài dọc biển 20 cây số, đây đó trên đất biển xã Hải Lý, vẫn lấp ló những ngôi bức tường nhà thờ bị ngâm dưới nước. Và còn đó, những vòm gác chuông nhà thờ còn sót lại, tạo nên cảnh quan kỳ thú. Đó chính là chứng nhân thời gian, ghi dấu lại hình ảnh quật khởi của người dân xứ Xương Điền một thời, chống chọi thiên tai để bảo tồn sự sống trường tồn.
Những dấu tích nhà thờ đổ.
Ngôi nhà thờ đổ có cái tên “Trái tim”, đẹp đến mê hồn trong ánh sáng bình minh, còn trụ lại cách đất liền chừng vài trăm mét. Mỗi khi triều lên, ngôi nhà thờ bị chìm sâu trong nước, chừng hơn 1 mét. Tuy nhiều mảng tường bị ngấm nước, nhưng đã được người dân nơi đây bồi đắp, kè đá trụ lại. Độ cao của nhà thờ “Trái tim” vẫn còn giữ được mảnh vòm phía trên. Những ô cửa sổ vẫn ngạo nghễ với nắng gió bủa vây xung quanh. Bộ khung xương nhà thờ vững vàng, nền móng đỏ au tươi sắc mỗi lần biển cồn lên, với những lưỡi sóng táp ào ạt. Vậy mà, “Trái tim” vẫn đập nhịp bình yên trên cồn cát, mỗi khi triều xuống. Êm đềm, lộng lẫy trong bình minh tỏa rạng, cùng những tiếng hò kéo lưới của người dân đánh cá. Không chiều nào trẻ con không ra đây thả diều và leo trèo lên cửa sổ nhà thờ “Trái tim”. Chúng hát reo và đi cà kheo giống mọi người mỗi khi ra biển xa. Hỏi bất kể cậu bé nào ở đây đều biết rằng, người dân Giáo xứ Xương Điền luôn luôn cầu mong sự hiểm nguy bớt rình rập, đe dọa công việc mưu sinh, đánh bắt xa bờ của những người thân trong làng. Mong Chúa chở che cho đoàn thuyền đầy tôm cá, với trời yên biển lặng, an toàn cho cha mẹ chúng. “Trái tim” nhân ái của Chúa là vậy. Đức thánh Maria Madalena là vậy. Đó là những nhà thờ đem lại niềm hy vọng biển khơi cho người dân Xương Điền.
Giờ đây, những dấu tích nhà thờ đổ không ngờ lại có sức thu hút du khách, bởi sự ám ảnh kỳ lạ. Có nhiều đôi cô dâu chú rể đã vượt hàng trăm cây số, đến đây chụp ảnh cưới, lưu giữ kỷ niệm hạnh phúc. Họ tìm tới một vẻ đẹp hoang dã của biển cả để làm nền tảng cho sắc cảm lứa đôi. Những bức tường đổ trơ trọi giữa sóng biển. Mái vòm gác chuông bị rách toác cô quạnh giữa bầu trời xanh. Đó là những ô cửa thắp ánh bình minh tỏa nắng rực rỡ... Một vẻ đẹp huyền bí còn sót lại giữa gió mưa, bão táp tạo nên sự bất ngờ, mang sắc thái bi kịch của con người, trước sự tàn khốc của thiên nhiên. Nhiều nhiếp ảnh gia đã dựng lều ngủ qua đêm, trên bờ đê chờ ngắm bình minh, qua chiếc ô cửa vuông nham nhở gạch đỏ. Họ còn chờ cả đến lúc hoàng hôn đậu trên mảnh vỡ của gác chuông, như đón một câu chuyện cổ tích nơi hoang mạc, biển triều. Vậy đó, tôi không bất ngờ vào một ngày đầu xuân, người đổ về đây đông như trẩy hội. Những nam thanh nữ tú thích ngước vọng lên bầu trời, qua bức tường tưởng như sẽ sập đổ ngày mai. Đó là vẻ đẹp mong manh của thiên nhiên còn hiện hữu. Đó cũng là mảnh xước của “Trái tim” còn giữ lại giữa biển khơi. Con người luôn luôn khám phá nét đẹp của sự tàn phai đến kỳ lạ. Đúng như lời ca vang lên từ một quán hàng, được dựng trên những mảnh tường đổ, bờ kè của ngôi nhà thờ. Một giai điệu ngân nga tựa tiếng chuông vang trong thinh không, rằng: “Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về. Gọi hồn liễu rũ lê thê. Gọi bờ cát trắng đêm khuya. Ngày mai em đi...” (Biển nhớ - Trịnh Công Sơn).
Trên cánh đồng muối Hải Lý.
“Đi ô” hát khúc hội làng
Nói là nghèo nhất vùng, nhưng giờ đây dân làng Hải Lý cũng đã mở mày mở mặt với những cánh đồng tôm, mới hình thành mấy năm nay. Các thương lái trong tỉnh đã về miền biển hẻo lánh này tìm hàng. Dân làng vẫn còn phải làm muối, như từ xưa đến nay nhưng đã bắt đầu ứng dụng dần công nghệ, cung ứng cho mọi nơi. Con đê quai chặn biển xâm lấn, đã được bó đá kéo dài hàng chục cây số, làm nên một hình ảnh mới của Hải Lý. Một phần đất của làng xưa ghép với đất làng bên, lập nên thị trấn mới, thuộc huyện Hải Hậu. Đó là thị trấn Cồn. Từ thị trấn vào xã Hải Lý chỉ chừng vài ba cây số, nên người đi lại tấp nập, nhất là cánh thanh niên trẻ tìm ra bãi cồn chụp ảnh nhà thờ đổ. Không ngờ sự xâm thực của biển đã làm nên một Hải Lý nhuận sắc với thời gian.
Khi chúng tôi đến, thật bất ngờ gặp cảnh đội trống nữ của làng đang tập chuẩn bị cho lễ hội, mừng Đảng mừng xuân. Ngày đầu năm thật rộn ràng. Đội trống nữ là một “đặc sản” trong vùng, vì làng nào cũng đầu tư cho đội kèn Tây, nhưng Hải Lý có thêm đội trống gái. Các cô gái vung tay trống mạnh mẽ không khác gì những chàng trai sung sức. Họ là những diêm dân lam lũ hàng ngày trên cánh đồng muối. Cánh tay họ đã sắt lại với tháng năm, với công việc cào muối, xúc chạt và xe muối vào kho. Những cô gái cả ngày bịt mặt lăn lộn, trong cái nắng cái gió biển khơi giờ đây hiện ra như những thiên thần, vung tay trống gọi mời dân làng vào hội. Bên cạnh đó đám thanh niên tập đi cà kheo trên bãi cát. Họ luyện cho cuộc thi trên sóng biển sắp tới. Chạy nhanh bằng cà kheo quả là một thách đố với tài trí khéo léo và dũng mãnh của tuổi trẻ. Họ là những chàng trai hàng ngày ra khơi đánh cá và chống chọi với muôn vàn khó khăn để mưu sinh cho gia đình. Mấy chú bé cùng với cha làm diều cho chạy thử trên bờ đê cũng vui nhộn không kém. Những con diều nuôi ước mơ cho con trẻ mỗi ngày tới trường. Chúng chạy quanh nhà thờ đổ và dọc triền cát về phía xa. Nhiều chàng trai cũng cầm diều chạy theo lũ trẻ vùng biển vã cả mồ hôi và thở tưởng như đứt hơi. Còn bọn trẻ thì cứ cười giòn tan trong cái nắng cái gió mặn mòi từ biển khơi. Những ước mơ bay cao trên bầu trời.
Tiếng gió bất ngờ dụ chúng tôi, lần theo lời ca tiếng hát, đến ngôi nhà văn hóa xã. Ở nơi đó, những cô gái cùng những chàng trai đang tập làn điệu hát đuổi, thật rộn ràng vui tươi. Các chàng trai cầm ô đi dự hội làng. Còn các cô gái đứng bên đường đón đợi. Họ hát đối với nhau và đuổi bắt từng câu ngỡ như cuộc vui tình cờ. Tôi lắng nghe và ghi âm lại mới hay, họ hát những lời tỏ tình bâng quơ, mà sao thắm nỗi mơ màng. Lời ca rộn ràng và nhí nhảnh của các cô gái vang lên: “Hỡi anh đi cái ô đen. Có chồng thì em đây vẫn đợi. Có quen em đây vẫn chờ. Đừng đi như thể bàn cờ. Lâu nay anh nhớ sao bây giờ anh quên...”. Các chàng trai đối duyên thân tình với những lời ngọt ngào: “Sột soạt như cái lá chuối khô. Lòng anh chỉ muốn đi ô với nàng...”. Rồi cả hai bên cùng hòa chung làn điệu dân ca: “Ước gì ta hóa ra ong. Để ta làm tổ trong lòng cái ô...”. Cứ thế họ đối đáp, hòa điệu rộn ràng làm tan đi cái nhọc nhằn trên biển khơi, quanh năm suốt tháng. Họ mơ mộng cùng nhịp tình khúc dân gian, để xóa đi nỗi cam go trong những chuyến ra khơi, quăng quật cùng gió bão. Họ hài hước, cười đùa với chính mình, vượt lên cái nghèo đói bao năm ông cha mình đã phải gánh chịu. Họ trao gửi cho nhau lời tình tứ mà chỉ có dân đất vùng biển mới có: “Đôi ta thoát khỏi cảnh nghèo. Đong đưa gánh muối ta theo nhau về”.
Đi cà kheo đánh cá.
Đổ bóng hoàng hôn
Đó là sự nhẫn nại của những tay nhiếp ảnh, ăn bánh mỳ uống nước lã, chờ hoàng hôn buông xuống biển xa. Bởi khi đó ngôi nhà thờ đổ trên triền cát mới toát lên nét bí ẩn khó lường của sự tàn phai. Họ nghĩ vậy và chờ đợi. Nắng dần buông, ném lên trời một quầng hồng chín lự, sau bầu không khí còn mờ sương tiết xuân. Một quầng đam mê của Hải Lý đang khoe sắc. Những tay máy bấm liên tục ở mỗi bước chuyển các góc độ. Có người lội dưới biển triều đang dâng lên. Nước ngập đến ngực. Nhưng họ vẫn tìm được góc phát hiện của riêng mình với ánh xạ của hoàng hôn cháy qua ô cửa nhà thờ đổ.
Mọi khao khát từ biển khơi dội về, tựa như lời gọi lãng mạn nhất đối với những nghệ sĩ và cho những ai đến vùng biển hoang mạc này. Tôi lọ mọ theo một cậu bé. Bởi cậu cho tôi một bí mật của riêng mình, sau bao ngày chơi đùa, bên nhà thờ. Đó chính là từ tảng đá dưới chân tòa nhà thờ đổ. Tại đây sẽ hiện ra ánh sáng mơ mộng nhất mỗi khi mặt trời lặn. Lúc đó, ngôi nhà thờ nghiêng nghiêng in bóng trên bãi cát phẳng lì, sau mỗi lần sóng biển vỗ về. Nó âm thầm lầm lụi như cuộc đời của mẹ vậy. Một cuộc đời nặng nhọc trên cánh đồng muối, nhưng luôn tinh khôi, trắng trong. Đó chính là bức ảnh hoàng hôn trên biển vắng của tôi.