Són tiểu, trị không khó

15-08-2018 06:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Són tiểu là tình trạng nước tiểu rỉ qua đường niệu đạo, xảy ra ngoài lần tiểu tiện và có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sống.

Són tiểu là tình trạng nước tiểu rỉ qua đường niệu đạo, xảy ra ngoài lần tiểu tiện và có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sống. Tuy nhiên, do ngại ngùng, xấu hổ hoặc không  biết rằng đây là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có số lượng rất ít khoảng 10 -15% số chị em bị són tiểu được điều trị.

Bệnh có hay gặp không?

Từ 5-15% phụ nữ có thể bị són tiểu. Tình trạng són tiểu sẽ nặng lên và hay gặp hơn tăng dần theo tuổi. Ở phụ nữ trẻ dưới 25 tuổi, tỷ lệ són tiểu gặp trong khoảng dưới 5%, trong khi đó, với phụ nữ từ 75 tuổi trở lên, tỷ lệ này có thể lên tới 45%. Có 2 lứa tuổi dễ bị són tiểu nhất là 45-50 (tuổi mãn kinh và tiền mãn kinh) và sau 75 tuổi (tuổi đã già, yếu).

Đi khám khi són tiểu để được điều trị sớm.

Những yếu tố nguy cơ bao gồm: Tuổi cao, số lần đẻ thường qua đường dưới, sinh con có trọng lượng thai lớn hoặc đầu to, đẻ khó với chuyển dạ kéo dài, mãn kinh, béo phì, nghiện thuốc lá, bệnh phổi mạn tính, gắng sức thường xuyên...

Có 3 loại són tiểu: Són tiểu gắng sức, són tiểu do bàng quang tăng hoạt tính và són tiểu hỗn hợp.

Són tiểu gắng sức: Són tiểu gắng sức chiếm đa số (80-90%) các trường hợp són tiểu. Nguyên nhân do sự nhão yếu các cơ nâng đỡ tầng sinh môn gây ra tình trạng niệu đạo di động quá mức khi gắng sức hoặc do suy yếu cơ thắt niệu đạo. Thường thấy ở các trường hợp phụ nữ: Đẻ nhiều lần, có các sang chấn trong đẻ, có tiền sử mổ vùng tầng sinh môn... Ngoài ra, các bệnh lý gây tăng áp lực ổ bụng thường xuyên như: ho mạn tính, táo bón, béo phì... cũng là nguyên nhân gây són tiểu gắng sức.

Người bệnh không hề có cảm giác buồn tiểu trước khi són tiểu. Hoạt động gắng sức (ho, cười, hắt hơi, chạy, nhảy, lên cầu thang, xách vật nặng...) gây tăng áp lực  bàng quang  trong khi các cơ nâng đỡ tầng sinh môn, cơ thắt niệu đạo đã yếu không kìm giữ được gây són tiểu.

Ở mức độ nặng, són tiểu xảy ra cả khi đi bình thường, thay đổi tư thế.

Són tiểu do bàng quang tăng hoạt tính: Són tiểu do bàng quang tăng hoạt tính chiếm khoảng 10-20% tổng số bệnh nhân són tiểu. Són tiểu luôn kèm theo cảm giác buồn tiểu dữ dội và tăng số lần đi tiểu ngày và đêm. Khám tiết niệu phụ khoa có thể thấy tình trạng khô teo bộ phận sinh dục ngoài (sự thiếu hụt nội tiết tố nữ), sa sinh dục. Người bệnh cũng có són tiểu khi ho.

Loại són tiểu này đặc hiệu với sự tăng áp lực hoặc co bóp bất thường cơ bàng quang ngay cả khi chỉ có ít nước tiểu. Sự co bóp bất thường này gây ra cảm giác buồn tiểu gấp, đôi khi kèm theo đau vùng bàng quang dẫn đến són tiểu cho dù cơ nâng đỡ tầng sinh môn và van niệu đạo vẫn bình thường.

Nguyên nhân đôi khi do bàng quang bị kích thích do viêm, khối u, sỏi... hoặc do bít tắc niệu đạo hay yếu tố thần kinh.

Một vài bệnh lý thần kinh như xơ hóa thành đám, bệnh lý thần kinh trong đái tháo đường, tai biến mạch não có thể gây bàng quang tăng hoạt tính.

Són tiểu hỗn hợp: Là tình trạng són tiểu phối hợp cả són tiểu gắng sức với són tiểu do bàng quang tăng hoạt tính.

Điều trị không khó

Đối với són tiểu gắng sức: Tập phục hồi chức năng cơ tầng sinh môn có thể áp dụng với các trường hợp nhẹ. Nếu không đạt kết quả thì nên phẫu thuật. Hiện nay, phẫu thuật đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo điều trị són tiểu gắng sức rất hiệu quả. Đây là phẫu thuật ít xâm hại, tỷ lệ khỏi trên 85%, ít đau, thời gian nằm viện 1 ngày.

Đối với són tiểu do bàng quang tăng hoạt tính: Chủ yếu là điều trị nội khoa bằng các thuốc gây giảm hoạt tính, giảm co bóp bàng quang. Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, cà phê, trà...

Trong trường hợp són tiểu hỗn hợp: Cần xác định rõ tỷ lệ và mức độ ảnh hưởng của từng loại són tiểu (tỷ lệ són tiểu gắng sức /tỷ lệ són tiểu do bàng quang tăng hoạt tính) để xác định cách điều trị. Cũng có thể phẫu thuật đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo phối hợp với dùng thuốc.

Són tiểu là bệnh lý gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, giấc ngủ, sinh hoạt tình dục... tuy nhiên ít người quan tâm hay biết rằng đây là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Vì thế, vấn đề là người bệnh cần vượt qua sự ngại ngùng, xấu hổ, hãy tìm đến bác sĩ để được khám và tư vấn cách điều trị đúng.


BS. Lê Sĩ Trung
Ý kiến của bạn