Theo Đông y, sơn thù du vị chua chát, tính hơi ôn; vào kinh can và thận. Có tác dụng tư bổ can thận, thu liễm, cố sáp. Trị chứng huyễn vựng (ù tai hoa mắt chóng mặt); can thận hư tổn (đau lưng, mỏi gối, di tinh liệt dương, tiểu dắt buốt); hư hãn (vã mồ hôi tự nhiên); bạch đới hạ, rong kinh. Ngày dùng 4 - 12g, có thể lên đến 63g. Xin giới thiệu một số bài thuốc có sơn thù du:
Ích thận cố tinh
Bài 1 - Viên Thảo hoàn: sơn thù 12g, phá cố chỉ 12g, đương quy 12g. Tất cả tán bột mịn, thêm xạ hương 0,1g (3 ly), tán lại, làm hoàn với mật ong. Uống với nước muối nhạt. Trị các chứng thận hư gây liệt dương, di tinh, hoa mắt, ù tai, tiểu vặt, lưng và đầu gối đau buốt.
Bài 2: sơn thù 8g, thạch xương bồ 8g, địa hoàng 8g, cúc hoa 8g, hoàng bá 8g, ngũ vị 8g. Sắc uống hàng ngày; uống đợt 15 ngày, nghỉ 10 ngày. Uống 3 - 5 đợt. Trị suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể do thận hư.
Bài 3: thục địa 24g, hoài sơn 12g, sơn thù 12g, đan bì 10g, phục linh 10g, trạch tả 10g. Tán bột, luyện với mật làm hoàn. Trị can thận âm hư, lưng gối mỏi, hoa mắt, váng đầu, ù tai, mồ hôi trộm, tiêu khát; hạ cholesterol máu.
Sơn thù du trị di tinh liệt dương, rong kinh, hoa mắt chóng mặt, ra mồ hôi trộm…
Cố biểu cầm mồ hôi
Bài 1 - Thang Lai phục: sơn thù 40g, long cốt sống 16g, mẫu lệ sống 16g, bạch thược 16g, đảng sâm 40g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị sau khi ốm dậy hay ra mồ hôi, người yếu mệt.
Bài 2: sơn thù 10g, phù tiểu mạch 12g, sinh mẫu lệ 15g. Mẫu lệ sắc trước 10 - 15 phút. Trị chứng ra mồ hôi của trẻ còi xương suy dinh dưỡng.
Bài 3: sơn thù 10g, phù tiểu mạch 12g, sinh mẫu lệ 15g, câu kỷ tử 12g. Mẫu lệ sắc trước 10 - 15 phút. Chữa tự ra mồ hôi, đổ mồ hôi trộm
Cố kinh cầm máu
Bài 1: sơn thù 40g, nhân sâm 4-8g. Sắc uống. Chữa phụ nữ yếu mệt, giảm tiểu cầu, kinh nguyệt quá nhiều. Lưu ý: người huyết nhiệt sinh ra các chứng như trên không nên dùng.
Bài 2: sơn thù 20g, thục địa 20g, đương quy 12g, bạch thược 12g. Sắc uống.
Bài 3: sơn thù 15g, thục địa 15g, đương quy 12g, bạch thược 12g. Sắc uống. Trị kinh nguyệt ra nhiều do cơ thể suy yếu hoặc do giảm tiểu cầu.
Kiêng kỵ: người có thấp nhiệt, tiểu tiện ít; thanh niên đang độ phát dục có viêm tiết niệu cấp, tiểu tiện rắt buốt không được dùng.