1. Các thành phần hóa học trong sơn móng tay
Một bảng sơn móng tay có rất nhiều màu sắc và dung dịch để làm bóng, có độ óng ánh của sơn. Để có được một lọ sơn móng tay với màu sắc đẹp, cần sử dụng nhiều hóa chất như acetone, triphenlyl phosphate, ethyl acetate, dibutyl phthalate, formaldehyde, toluene, kim loại nặng, long não, màu tổng hợp…
Đa số các hóa chất dùng trong nghề và sơn móng tay đều được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng. Tuy nhiên, đây là mặt hàng mà có rất nhiều nơi việc kiểm soát còn lỏng lẻo, do đó, các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất hiện nhiều trên thị trường. Với các sản phẩm trôi nổi sẽ khó kiểm soát được các thành phần hóa chất và nồng độ được phép có trong sản phẩm. Chính vì thế nó sẽ gây ra những tác hại khôn lường.
- Dibutyl phthalate (DBP): Là một chất được sử dụng rất phổ biến trong sơn móng tay, có tác dụng kết dính và giúp tạo độ bóng. DBP có thể gây hại đến sức khỏe con người, trong đó gây rối loạn nội tiết, nguy cơ gây dậy thì sớm ở trẻ gái hoặc vô sinh ở trẻ nam nếu tiếp xúc quá nhiều. Ngoài ra, chất này còn có nguy cơ gây ảnh hưởng đến chức năng thận và gây ung thư.
- Formaldehyde: Trong sơn móng tay, formaldehyde có tác dụng làm cứng móng, nhưng tác dụng này lại khiến móng tay giòn và yếu hơn, dễ bị gãy. Khi formaldehyde tiếp xúc với da gây kích ứng. Đặc biệt là vùng da xung quanh móng sau khi được cắt tỉa trở nên mỏng, dễ tổn thương thì chất này có thể dễ dàng thấm vào sâu gây hại hơn dẫn đến viêm da. Khi hít phải formaldehyde có thể gây tổn thương đường hô hấp trên. Chất này từ lâu cũng được biết đến là nguyên nhân tiềm ẩn gây ung thư.
- Aceton: Là một loại dung môi có khả năng bay hơi, được sử dụng trong nước rửa móng tay, móng chân. Chất này làm móng nhanh giòn, xơ xác, dễ gãy. Nếu để dính vào da gây kích ứng, ngứa. Nếu hít quá nhiều aceton, gây ra các triệu chứng chóng mặt và buồn nôn, mất thăng bằng.
- Toluen: Là một dung môi được sử dụng để làm bề mặt móng dễ bám sơn hơn. Đây là chất có thể bay hơi và gây hại cho hệ thần kinh và hệ hô hấp khi hít phải. Kể cả khi hít phải toluene với nồng độ thấp trong thời gian ngắn cũng có thể gây đau đầu, chóng mặt. Nếu tiếp xúc trong thời gian dài, toluene có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới; ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Trong các sản phẩm sơn móng tay có nguồn gốc thì chất này đã không còn được sử dụng vì các tác hại nặng nề cho người sử dụng nhiều, đặc biệt là người làm nghề sơn móng, nhưng trên thị trường trôi nổi thì rất khó kiểm soát.
- Long não: Là thành phần có trong sơn móng tay nhằm tăng độ bóng đẹp. Mặc dù ít độc hơn, nhưng long não vẫn có thể gây ra những triệu chứng như đau đầu và buồn nôn khi hít phải.
- Kim loại nặng: Có trong sơn móng tay để nên màu sắc bền màu, màu đẹp cho sơn. Nếu sử dụng hoặc tiếp xúc nhiều với chất này sẽ gây đổi màu móng vàng ố, thâm màu, mất thẩm mỹ. Tình trạng đổi màu móng này khiến người sử dụng có nhu cầu sơn móng tiếp tục dùng sơn để che đi, vì thế càng làm tăng tổn thương cho móng.
Ngoài ra, trong quá trình cắt hoặc sửa móng tay, nhiều người thường có thói quen cắt bỏ lớp biểu bì quanh móng để tạo cho móng sạch đẹp hơn. Nhưng quá trình loại bỏ lớp biểu bì này nếu quá sâu và lạm dụng, vô tình đã loại bỏ lớp da bảo vệ phần xung quanh móng. Từ đó vi khuẩn, nấm dễ xâm nhập gây viêm và làm móng tay giòn dễ gãy.
Trong quy trình sơn móng tay còn sử dụng nhiệt độ cao để làm khô sơn nhanh hơn, độ bền của sơn móng tốt hơn. Điều này càng khiến móng tay, móng chân bị tổn thương, giòn và dễ gãy hơn.
2. Hậu quả của lạm dụng sơn móng tay
Sơn móng tay để làm đẹp là lựa chọn của rất nhiều phái đẹp. Từ nhu cầu này này mà thị trường cung cấp sơn móng tay cũng như các cửa hàng làm nail (cắt tỉa, sơn vẽ móng, gắn móng tay giả, đính đá vào móng tay)… mọc lên rất nhiều. Người làm nghề nail, thậm chỉ chỉ cần qua vài tháng học đã có thể làm thợ hoặc mở tiệm nail.
Tuy nhiên, đa số người làm nghề và khách hàng không hiểu rõ về các nguy cơ gây hại từ sơn móng tay gây ra, từ tác hại tức thì, tại chỗ đến tác hại lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe.
2.1. Các tác hại tại chỗ
- Móng bị mỏng, yếu, dễ gãy: Như trên đã nêu, các chất có trong móng tay như dibutyl phthalate, formaldehyde aceton... là những thủ phạm khiến móng tay mỏng dần, bị giòn và dễ gãy. Không những thế, khi móng bị mỏng, dễ nứt gãy còn tạo điều kiện cho các loại nấm da, nấm móng, viêm da, viêm quanh móng dễ phát triển.
Ngoài viêm, nấm móng do hóa chất, thì việc dùng chung kìm sửa móng cũng là nguyên nhân lây nấm. Tình trạng đổi màu móng, cứng móng do kim loại có trong sơn móng rất khó khắc phục để móng trở lại màu sắc nguyên thủy.
Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần có thời gian "nuôi" để móng dài ra và từ từ loại bỏ.
2.2. Ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe
- Ảnh hưởng đến thai nhi: Phụ nữ mang thai nếu tiếp xúc với sơn móng có chứa toluence trong một thời gian dài có thể gây nguy cơ bị sảy thai hoặc gây dị dạng thai nhi. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai không nên tiếp xúc với chất này để tránh gây tổn hại đến sức khỏe thai nhi.
- Thần kinh: Khi sơn móng, một điều dễ nhận thấy là cả thợ sơn móng và người đi làm móng sẽ cảm thấy ngay mùi thơm hắc, nhưng gây khó chịu, choáng váng. Đó là do các chất acetone, ethyl acetat, long não bay hơi gây ra. Với người làm nghề móng nếu tiếp xúc thường xuyên với các chất này sẽ gây ra các vấn đề đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…
- Nguy cơ gây ung thư: Chất formaldehyde có trong sơn móng tay là một chất gây ung thư, nếu hít phải thường xuyên có thể bị suy hô hấp và các nguy cơ ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư máu.
3. Các lưu ý khi sơn móng tay
Để sơn móng tay an toàn, hạn chế được các tác hại do sơn móng gây ra, cần chú ý những vấn đề sau:
- Không mua sơn móng không rõ nguồn gốc, giá rẻ mà màu sắc đẹp bền. Nên lựa chọn các sản phẩm sơn móng tay có thành phần tự nhiên, có nguồn gốc rõ ràng.
- Không dùng chung dụng cụ vệ sinh móng, sơn móng.
- Không sơn móng quá 6 lần/1 năm.
- Phụ nữ chuẩn bị mang thai, mang thai, cho con bú không nên sơn móng.
- Đọc nhãn sản phẩm và lựa chọn son móng không chứa các thành phần dibutyl phthalate, toluene, formaldehyde...
- Người làm nghề sơn móng cần có phương tiện bảo hộ để tránh tối đa việc tiếp xúc trực tiếp, hít phải mùi sơn.
- Cần dưỡng ẩm và cung cấp dưỡng chất cho móng sau khi sơn.
Mời độc giả xem thêm video:
Sơn móng tay chú ý các thành phần có hại. SKĐS