Ngày 13/2/2020 sẽ được nhắc đến trong chiến dịch chống lại COVID- 19, vì lần đầu tiên để an toàn cho người dân, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định cách ly toàn bộ Sơn Lôi. Vì cả tỉnh, vì cả nước, 10.600 nhân khẩu của Sơn Lôi đã tạm thời “nội bất xuất, ngoại bất nhập”...
Tin vào ngành y tế
Xã Sơn Lôi là nơi có nhiều ca mắc COVID-19 nhất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Bắt đầu từ sáng 13/2/2020, xã phải cách ly trong 20 ngày để khoanh vùng, dập dịch.
Trong thời gian này, lực lượng chức năng chốt chặn tại các điểm ra, vào của xã. Do đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ gồm các lực lượng công an, quân sự, y tế được tỉnh Vĩnh Phúc huy động về xã thực hiện nhiệm vụ kiểm soát cách ly, đảm bảo ANTT, kiểm tra tình trạng sức khỏe của người dân ra, vào điểm chốt.
Vất vả hơn, nhiều việc hơn và áp lực lớn hơn, đó là nhiệm vụ của 9 cán bộ Trạm Y tế xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) trong đợt dịch này. Họ là những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất khi làm việc trong vùng tâm dịch, hàng ngày thường xuyên phải tiếp xúc với những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao. Hầu hết cán bộ, nhân viên của Trạm Y tế xã Sơn Lôi đều hiểu rõ điều đó, tuy nhiên khi được hỏi có lo lắng, sợ hãi không khi đang sống, làm việc giữa tâm dịch, chỉ kịp nở nụ cười trên môi, một cán bộ y tế của trạm nói, rồi chạy đi làm công việc của mình: “Nếu chúng tôi sợ hãi, điều gì sẽ xảy ra với người dân!?”.
Chị Phan Thị Thanh Tâm (công tác tại Trạm Y tế xã Hồng Phương, huyện Yên Lạc) kiểm tra sức khỏe cho người dân tại chốt kiểm tra số 4.
Dù vất vả, khó khăn và chịu rất nhiều áp lực nhưng các cán bộ y tế ở xã luôn đoàn kết, động viên nhau sát cánh cùng người dân để hoàn thành tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi ở thời điểm này là người dân Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung hãy tin tưởng đội ngũ cán bộ y tế, chia sẻ, đoàn kết với Vĩnh Phúc để ngăn chặn, khống chế COVID-19.
Để thực hiện cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã ngay lập tức thống kê số dân, cửa hàng đang kinh doanh trong xã, lên phương án dự trù lương thực, thực phẩm. Nhu cầu tiêu dùng các thực phẩm thiết yếu một ngày của 10.600 người dân xã Sơn Lôi được huyện Bình Xuyên tính toán đến từng chi tiết: Gạo khoảng 3,3 tấn; thịt lợn, gà, vịt khoảng 2,2 tấn; rau, củ, quả khoảng 6,7 tấn; trứng gia cầm hơn 2.000 quả... Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Sơn Lôi nói: Nguồn cung thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết trên địa bàn dồi dào, giá cả hợp lý, không có hiện tượng khan hiếm, tăng giá hàng hóa. Tâm lý người dân ổn định, tuân thủ tốt các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế.
Mặt hàng cung cấp cho người dân được kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và bình ổn giá, không tăng giá so với thị trường. Sản phẩm đều được niêm yết giá công khai tại các điểm kinh doanh trên địa bàn.
Chốt chặn an toàn
Đảm bảo an toàn cho người dân xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập 12 điểm chốt chặn xung quanh xã Sơn Lôi. Mỗi điểm trực chốt chặn có từ 10 -12 người, trực 24/24h có nhiệm vụ phun khử trùng, đo thân nhiệt, theo sát tình hình sức khỏe của người dân trên địa bàn xã, trực gác tại các chốt chặn, kịp thời phát hiện người dân có biểu hiện mắc bệnh lý hô hấp.
Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ được phân công trực tại các chốt chặn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng nhân dân Sơn Lôi ngày đêm chống dịch. Rất nhiều cán bộ, bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên đều khẳng định: Trong giai đoạn “lửa thử vàng, gian nan thử sức” này, những thầy thuốc nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc và tuân thủ nghiêm quy trình phòng hộ, vệ sinh cá nhân để chiến thắng lo lắng ban đầu. Nhiều y, bác sĩ đã không về nhà trong nhiều tuần do yêu cầu cấp thiết của công việc.
Với sự hỗ trợ chuyên môn của các thầy thuốc tuyến trên, Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên là cơ sở y tế tuyến huyện đầu tiên trong cả nước thực hiện việc điều trị thành công cho bệnh nhân COVID-19, nỗ lực của các thầy thuốc nơi đây đã góp phần không nhỏ ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng, tạo niềm tin cho người bệnh được điều trị và người dân trên địa bàn.
Chưa và không bao giờ thầy thuốc từ chối bệnh nhân và càng không sợ đến nơi hiểm nguy, truyền thống tốt đẹp đó được lưu truyền từ y học cổ đại, Hyppocrate, Hải Thượng Lãn Ông, trui rèn qua 65 năm nền y tế cách mạng và mãi được viết tiếp như bản anh hùng ca bất diệt của ngành y tế Việt Nam.