Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đã thăm và làm việc tại tỉnh Sơn La trong 2 ngày 18-19/2 để kiểm tra việc triển khai dự án phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở theo vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), đồng thời kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Chỉ số sức khỏe cơ bản của Sơn La kém hơn nhiều so với bình quân cả nước
Đoàn công tác đã dành nhiều thời gian tới thực địa, khảo sát hoạt động và cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trạm y tế xã Chiềng Sàng (huyện Yên Châu) và xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn). Thực tế cho thấy hai trạm y tế xã này đã xuống cấp trầm trọng, cần đầu tư cải tạo, nâng cấp.
Sau đó đoàn đã làm việc với UBND và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Sơn La. Tiếp và làm việc với đoàn công tác về phía tỉnh Sơn La có ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành liên quan.
Là một tỉnh miền núi, kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn nên công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn, tỉnh Sơn La gặp nhiều thách thức trên cả 2 bình diện là cung (năng lực hệ thống y tế) và cầu dịch vụ y tế (nhu cầu chăm sóc sức khỏe và tiếp cận dịch vụ y tế).
Về phía cung dịch vụ y tế, năng lực hệ thống y tế Sơn La mới ở mức khá khiêm tốn (cả về nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và năng lực quản trị) so với các tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi. Về phía cầu dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân rất lớn trong khi việc tiếp cận dịch vụ y tế gặp rào cản đáng kể trên cả 3 khía cạnh địa lý, tài chính và văn hóa.
Các số liệu thống kê y tế cho thấy các chỉ số đầu vào của Hệ thống y tế Sơn La thấp hơn bình quân cả nước, trong đó các chỉ số về nhân lực y tế chất lượng cao (bác sỹ, dược sỹ đại học/10.000 dân) rất thấp so với bình quân cả nước. Đây được coi là một thách thức rất lớn trong thời gian tới vì nhân lực y tế, dù là một nhân tố then chốt của hệ thống y tế, nhưng có đặc điểm là tốc độ cải thiện tương đối chậm so với những yếu tố đầu vào khác (như trang thiết bị, thuốc, công trình y tế…).
Các số liệu thống kê cũng cho thấy các chỉ số sức khỏe cơ bản của Sơn La kém hơn nhiều so với bình quân cả nước. Chẳng hạn, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đều cao hơn bình quân cả nước tới 1,5 lần.
Bên cạnh những thách thức, số liệu thống kê y tế cũng cho thấy một số điểm sáng. Bất chấp những hạn chế về nhân lực y tế, tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ thường trú của Sơn La ở mức khá cao (86,3%), cao hơn bình quân cả nước (72.3%). Điều này cho thấy, ngành Y tế Sơn La, trong giới hạn nguồn lực, đã có sự lựa chọn thông minh là dành ưu tiên cho các cơ sở y tế tuyến đầu, nơi cung ứng các dịch vụ sức khỏe cơ bản cho cộng đồng dân cư.
Trong bối cảnh đó, tỉnh Sơn La được WB cho vay khoảng 267,98 tỷ đồng (tương đương 11 triệu USD) để cải tạo, nâng cấp 42 trạm y tế xã trong thời hạn 5 năm (2020 – 2024). Do dịch bệnh COVID-19 và một số khó khăn khách quan, nên tiến độ triển khai dự án tại Sơn La bị ảnh hưởng đáng kể.
Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở
Tại cuộc họp, PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án Trung ương nhấn mạnh: Dự án có tầm quan trọng đặc biệt, trên cả phương diện kỹ thuật (các can thiệp cốt lõi được thiết kế đồng bộ, có tính tương tác cao) và tài chính (tổng mức đầu tư) đối với việc nâng cấp hệ thống Y tế cơ sở của tỉnh. Tuy nhiên, tốc độ triển khai thực hiện Dự án hiện đang chậm ở mức rất đáng lo ngại.
"Do khối lượng công việc cần hoàn thành rất lớn trong khi thời gian còn lại của Dự án không còn nhiều, đòi hỏi lãnh đạo tỉnh và ngành Y tế Sơn La cần có những giải pháp (quản lý và kỹ thuật) mạnh mẽ trong thời gian tới. Bộ Y tế, Ban Quản lý dự án Trung ương và Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng hỗ trợ ở mức cao nhất cho Ban QLDA tỉnh Sơn La để hoàn thành các mục tiêu đề ra".
Đoàn công tác của Bộ Y tế và UBND tỉnh Sơn La đã dành nhiều thời gian để thảo luận các khó khăn thực tế và đề xuất những giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Sơn La nghiêm túc nhìn nhận sự chậm trễ trong triển khai dự án, và cần có những nỗ lực tổng thể để triển khai Dự án theo đúng tiến độ.
Thứ trưởng đã đưa ra bốn giải pháp về công tác tổ chức, chuyên môn, kiểm tra giám sát và thời gian giao vốn trong hai năm cuối (2024-2025) để đảm bảo Dự án được triển khai theo đúng tiến độ.
"Bộ Y tế và Ban Quản lý dự án Trung ương đề nghị tỉnh Sơn La nhanh chóng hoàn thiện và phê duyệt Báo cáo Khả thi điều chỉnh, đảm bảo phù hợp về kỹ thuật (bám sát nhu cầu thực tế) và quy trình thủ tục (không gây ảnh hưởng tới nội dung tổng thể của Dự án).
Ban Quản lý dự án Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Ban Quản lý dự án tỉnh Sơn La khẩn trương thực hiện các hoạt động được coi là ưu tiên hàng đầu trong năm 2022 theo đúng lịch thời gian cần cam kết thực hiện" – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu.
Sơn La đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại cho các đối tượng nguy cơ cao
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh Sơn La đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine đối với mũi nhắc lại cho các đối tượng đặc biệt như người cao tuổi, người có bệnh nền; tiêm mũi 3 cho người dân. Chủ động triển khai các biện pháp thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả với dịch bệnh, không trái với hướng dẫn của Trung ương.
Chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực và nhân lực để ứng phó với các tình huống dịch. Tiếp tục thực hiện tốt "5K + vaccine + thuốc + ý thức của người dân". Không được để người dân chủ quan với dịch bệnh.
Chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Nâng cao năng lực điều trị, sẵn sàng điều trị bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất số ca tử vong. Ngoài trung tâm ICU 40 giường hiện có, cần có thêm cơ sở điều trị bệnh nhân nặng.
Bộ Y tế đã cho phép lưu hành thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị bệnh nhân COVID-19. Sở Y tế cần có biện pháp quản lý giá Molnupiravir tại hệ thống bán lẻ thuốc trên địa bàn, đảm bảo người dân có thuốc với chất lượng và giá thấp, tránh tình trạng nâng giá.