Sơn La thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với mất cân bằng giới tính khi sinh

26-12-2021 07:32 | Xã hội
google news

SKĐS - Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và ngành y tế tỉnh, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở huyện Thuận Châu, Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

Nhiều biện pháp giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Là huyện miền núi của tỉnh Sơn La, Thuận Châu có nhiều xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Do địa bàn rộng, trình độ dân trí còn hạn chế, một số nơi còn tồn tại tập quán lạc hậu… Điều đó đã ảnh hưởng nhiều đến công tác dân số và chất lượng dân số trên địa bàn huyện.

Tỷ số giới tính khi sinh của huyện Thuận Châu năm 2020 rơi vào nhóm mất cân bằng cao so với mức trung bình toàn tỉnh, với 123 bé trai/100 bé gái. Tình trạng này đã ảnh hưởng tới chất lượng dân số, cũng như công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Thuận Châu chủ yếu là do tâm lý mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, con trai mới là trụ cột của gia đình. Nhiều gia đình sinh con một bề là gái đã sinh thêm con để có con trai.

Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Trong đó, tăng cường tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn chính sách dân số, quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số ở cơ sở; Triển khai các hình thức truyền thông theo nhóm đối tượng tại trạm y tế, truyền thông trực tiếp tại các nhóm, hộ gia đình, nhất là các cặp vợ chồng đang ở độ tuổi sinh đẻ, sinh con một bề...

Sơn La nỗ lực thay đổi nhận thức của người dân về giới tính khi sinh - Ảnh 1.

Cán bộ Trạm y tế xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu tuyên truyền cho người dân về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái

Ông Quàng Văn Châu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu cho biết: "Ngoài hình thức truyền thông trực tiếp, chúng tôi còn triển khai rà soát, bổ sung, xây dựng các mô hình hỗ trợ, nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái; Triển khai tư vấn, hướng dẫn thông qua hoạt động ngoại khóa dưới hình thức sân khấu hóa, hội thi năng khiếu, thi tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh cho học sinh các trường THPT trên địa bàn...

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu đã tổ chức 28 buổi truyền thông về bình đẳng giới, lựa chọn giới tính khi sinh cho 840 lượt người dân. Phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện xây dựng tin, bài tuyên truyền đến các bản; phát trên 5.400 tờ rơi tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, hành vi dân số, không lựa chọn giới tính thai nhi...

Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh của xã Bó Mười ở mức 114 bé trai/100 bé gái. Theo bác sĩ Lù Văn Vượng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Bó Mười, để đạt được kết quả này, Trạm đã phối hợp với Hội Phụ nữ xã tổ chức tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho gần 600 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; Chỉ đạo đội ngũ cộng tác viên dân số lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp của 14 bản; Thường xuyên thăm hộ gia đình, nắm bắt các trường hợp có khả năng sinh con thứ 3 trở lên để tuyên truyền, vận động; Tham mưu cho UBND xã gắn các chỉ tiêu về dân số trong việc bình xét gia đình văn hóa, bản văn hóa hàng năm...

Còn tại xã Bon Phặng, công tác tuyên truyền được lồng ghép hiệu quả trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ "Phụ nữ không sinh con thứ 3" và mô hình "5 không 3 sạch". Các chi hội phụ nữ bản đã phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh; Tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, sử dụng các biện pháp tránh thai, kỹ năng nuôi con khỏe, dạy con ngoan... cho hội viên phụ nữ trong toàn xã.

Chị Phạm Thị Hồng Thắm ở bản Nam Tiến chia sẻ: "Mặc dù sinh hai con gái, nhưng vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm để dành thời gian chăm sóc, nuôi dạy con cái tốt hơn và có điều kiện phát triển kinh tế gia đình...".

Thời gian tới, huyện Thuận Châu tiếp tục đẩy mạnh các hình thức truyền thông; Duy trì hoạt động các câu lạc bộ tư vấn sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, tổ chức các đợt kiểm tra cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện các dịch vụ sản khoa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi theo quy định...

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, công tác Dân số của tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã có những chuyển biến tích cực; Quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; Đã khống chế được tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn toàn tỉnh ở mức trên 0,2 điểm phần trăm/năm; Các mô hình về quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số đã được xây dựng và thực hiện có hiệu quả.

Để từng bước nâng cao chất lượng dân số, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể tiếp tục tăng cường lãnh đạo và đầu tư nguồn lực cho công tác dân số - KHHGĐ. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục về dân số và phát triển với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với trình độ nhận thức của nhân dân. Đồng thời, cung cấp đầy đủ, kịp thời, đa dạng các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ có chất lượng cho nhân dân...

Hạnh phúc lớn lao của gia đình sinh con một bề là gáiHạnh phúc lớn lao của gia đình sinh con một bề là gái

SKĐS - Quan niệm sinh con trai để nối dõi tông đường hiện vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân, không chỉ ở vùng nông thôn mà ngay ở thành thị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều gia đình sinh con một bề là gái nhưng cuộc sống của họ vô cùng hạnh phúc, viên mãn.

Xem thêm video đang được quan tâm

Kiến nghị khẩn: F0 không có triệu chứng, giảm thời gian cách ly xuống 7 ngày



Lò Thái
Ý kiến của bạn