Theo đó, nguồn vốn Trung ương giao trên 545,4 tỷ đồng, vốn địa phương trên 60,3 tỷ đồng để triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã, bản đặc biệt khó khăn của 11 huyện; đầu tư điện cho 10 huyện; xây dựng chợ tại 5 huyện và đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp Trạm Y tế xã tại 2 huyện Phù Yên và Mai Sơn.
Điển hình là công trình Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Hồ được khởi công xây dựng cuối tháng 10/2023, với thiết kế hiện đại, đang dần hoàn thiện trong sự mong ngóng, phấn khởi của nhân dân các dân tộc huyện cửa ngõ của tỉnh Sơn La.
Công trình Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Hồ có tổng mức đầu tư 261 tỷ 798 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và nguồn vốn bổ sung cân đối ngân sách tỉnh; thời gian thực hiện năm 2022-2024. Công trình có quy mô 150 giường bệnh, gồm các hạng mục: Nhà khám ngoại trú, kỹ thuật nghiệp vụ và hành chính 3 tầng; khoa điều trị nội trú xây dựng 2 khối nhà 5 tầng; nhà dinh dưỡng 2 tầng; khoa truyền nhiễm 2 tầng; khoa kiểm soát nhiễm khuẩn 1 tầng; nhà tang lễ 1 tầng.
Các hạng mục phụ trợ gồm: Hành lang cầu thang và đường dốc; nhà để xe; nhà để máy phát điện; nhà để máy bơm; bể nước ngầm; cổng; tường rào... Các công trình hạ tầng kỹ thuật, gồm: Đường giao thông, sân nội bộ, vỉa hè; hệ thống cấp thoát nước; hệ thống cấp điện; hệ thống phòng cháy chữa cháy; hệ thống xử lý nước thải, rác thải. Bệnh viện được đầu tư các trang thiết bị xây dựng và thiết bị y tế theo tiêu chuẩn đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn và phòng, chống dịch bệnh.
Dự án Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Hồ được triển khai, nhân dân trên địa bàn phấn khởi bởi rút ngắn khoảng cách đáng kể khi đi khám, chữa bệnh, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng hạ huyện giáp sông Đà, giao thông đi lại khó khăn.
Ông Đặng Văn Phong, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Suối Lìn, chia sẻ: Do trên địa bàn huyện Vân Hồ chưa có bệnh viện, nên mỗi khi ốm đau, hay đi khám sức khỏe bà con phải lên Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu mất thời gian và công sức, có khi không kịp thời. Khi triển khai dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Hồ ngay tại bản, bà con rất vui mừng phấn khởi. Gia đình tôi và các hộ có đất canh tác trong vùng dự án đều sớm đồng thuận, nhất trí phương án đền bù để bàn giao đất. Hằng ngày, mong ngóng công trình bệnh viện sớm hoàn thành để nhân dân huyện Vân Hồ được khám, chữa bệnh tại địa phương, nhất là bà con bản Suối Lìn, được khám, chữa bệnh ngay gần nhà.
Ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: Công trình Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Hồ là dự án trọng điểm của huyện, được ưu tiên chỉ đạo triển khai, thực hiện. UBND huyện tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, quyết tâm hoàn thành và giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã giao cho dự án chậm nhất ngày 31/12/2024, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn.
UBND huyện chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực, khắc phục khó khăn về địa hình, thời tiết; xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức nhiều phương án thi công, tăng ca tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đã cam kết thời gian hoàn thành. Kiểm soát chặt chẽ tiến độ triển khai, hằng tuần báo cáo kiểm điểm tiến độ các hạng mục đạt được cũng như các khó khăn, vuớng mắc để có phương án tháo gỡ.
Tương tự, hiện Dự án Bệnh Viện đa khoa huyện Mường La (giai đoạn II), tổng mức đầu tư 81 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 7/2023, đến nay dự án thi công đạt 78% khối lượng.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chỉ huy trưởng công trình chia sẻ: Quá trình triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư thường xuyên có mặt tại hiện trường phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công. Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhà thầu đã tập trung tăng cường thiết bị, nhân lực, vật liệu đến công trình, tổ chức biện pháp thi công theo ca kíp, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 12/2024.
Được biết, bệnh viện Đa khoa huyện Mường La là bệnh viện hạng II, trực thuộc Sở Y tế với quy mô 200 giường bệnh, thực kê là 261 giường, gồm 13 khoa và 04 phòng chức năng. Trong năm 2023, bệnh viện đã thực hiện khám và điều trị cho 26.467 lượt/người, đạt 88,2% kế hoạch; công suất sử dụng giường bệnh toàn viện đạt 95%; Cấp cứu nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch thành công.
"Vướng ở đâu gỡ ở đó"
Với phương châm "vướng ở đâu gỡ ở đó", những tháng cuối năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, các huyện, thành phố thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Trọng tâm là triển khai nghiêm túc cam kết giải ngân vốn đối với từng dự án, từng nguồn vốn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn theo đúng quy định và ngay sau khi có khối lượng.
Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện "5 quyết tâm" đó là: giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực trong giải ngân vốn đầu tư công; làm tốt việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo sinh kế cho người dân; tháo gỡ các điểm nghẽn làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đổi mới phương pháp, cách làm; bám sát thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo phải thực hiện "5 đảm bảo", gồm:
- Đủ nguyên vật liệu, nhất là cát, đá, sỏi, đất đắp nền... phục vụ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh, huyện;
- Đủ nhân lực, lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm, phân công thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới giải ngân vốn đầu tư công;
- Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân trong triển khai, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo sinh kế cho người dân trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, nơi ở mới ít nhất bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ;
- Quản lý đầu tư công đúng quy định, không kéo dài thời gian thực hiện dự án làm tăng tổng mức đầu tư dự án, gây thất thoát vốn, giảm hiệu quả đầu tư;
- Đảm bảo tiến độ, chất lượng theo mục tiêu, quy hoạch đề ra và đảm bảo công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong triển khai thực hiện dự án.
Với giải pháp cụ thể theo hướng "5 rõ" - rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm trong triển khai thực hiện, tin rằng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Sơn La năm 2024 sẽ hoàn thành theo kế hoạch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.