Sơn La tập huấn triển khai thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp

27-12-2021 21:39 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt mức sinh thay thế, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 11,5%.

Sơn La là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục… làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân của tỉnh so với các tỉnh đã đạt mức sinh thay thế.

Sự chênh lệch mức sinh không đồng đều giữa các vùng, địa phương, giữa thành thị và nông thôn. Năm 2019, mức sinh giữa khu vực thành thị và nông thôn có sự chênh lệch, mức sinh khu vực nông thôn cao hơn thành thị. Hầu hết các huyện đều có mức sinh cao (trên 2,2 con/phụ nữ).

Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (bé trai/100 bé gái) đang ở mức cao, không ổn định. Cụ thể, năm 2013: 114,4 bé trai/100 bé gái, 2014: 117,6 bé trai/100 bé gái, năm 2015: 117,5 bé trai/100 bé gái, năm 2016: 117,9 bé trai/100 bé gái, năm 2017: 117,1 bé trai/100 bé gái, năm 2018: 116,8 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là 116,8 bé trai/100 bé gái; năm 2020: 118 bé trai /100 bé gái.

Sơn La tổ chức tập huấn triển khai thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp - Ảnh 1.

Lễ phát động Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn” ở Sơn La.

Để từng bước nâng cao chất lượng dân số, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Sơn La đang tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư nguồn lực cho công tác Dân số-KHHGĐ. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục về dân số và phát triển với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với trình độ nhận thức của nhân dân, làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán sinh đẻ, từ đó chuyển đổi hành vi dân số; chấp nhận và tự nguyện thực hiện mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con để chăm sóc, nuôi dạy cho tốt.

Đồng thời, cung cấp đầy đủ, kịp thời, đa dạng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình có chất lượng cho người dân. Đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số như: Thực hiện "Tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh" để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; nhân rộng các mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Sơn La tổ chức tập huấn triển khai thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp - Ảnh 2.

Cán bộ dân số tích cực tham gia hoạt động tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn.

Năm 2020, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt Kế hoạch Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 của tỉnh. Tỉnh xác định, việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch này là nhiệm vụ chiến lược vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn tỉnh, là nhân tố nền tảng góp phần phát triển nhanh và bền vững.

Tỉnh Sơn La có diện tích 14.174 km­­­­­2; Dân số 1.267.474 người (năm 2020), với 12 dân tộc anh em. Trong đó: dân tộc Thái chiếm 55,9%; dân tộc Kinh chiếm 16,9%; dân tộc HMông chiếm 16,5%; dân tộc Mường chiếm 7,4%...

Đây là địa phương chưa đạt được mức sinh thay thế (tổng tỷ suất sinh năm 2020 là 2,32 con); Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2020 là 1,09%; mật độ dân số năm 2020 là 88 người/km2.

"Xác định yếu tố quyết định thành công của chương trình điều chỉnh mức sinh của tỉnh Sơn La là huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu", Kế hoạch nêu rõ.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt mức sinh thay thế, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 11,5%; Tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai đạt 77,7% (năm 2019 là 76,5%), tỉnh đã lên dự toán kinh phí cho các hoạt động với tổng chi 2,5 tỷ đồng/5 năm cho một số hoạt động như mở rộng tiếp cận các dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ và các dịch vụ có liên quan (trong đó có mua bao cao su miễn phí; chi phí dịch vụ KHHGĐ); Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và cập nhật kiến thức mới, các nhiệm vụ mới về điều chỉnh mức sinh cho các đối tượng liên quan...

Sơn La tổ chức tập huấn triển khai thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp - Ảnh 4.

Sơn La đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để đạt mục tiêu giảm tỉ lệ sinh, nâng cao chất lượng dân số nhằm bảo đảm phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội địa phương.

Mới đây nhất, thực hiện Kế hoạch ngày 17/11/2021 của Sở Y tế Sơn La về việc tập huấn triển khai thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng trên địa bàn, Chi cục Dân số-KHHGĐ đã tổ chức lớp tập huấn cho các đối tượng cán bộ, chiến sỹ biên phòng; cán bộ Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Ban dân vận trên địa bàn huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn về triển khai lồng ghép các hoạt động điều chỉnh mức sinh vào nhiệm vụ, hoạt động của đơn vị.

Nội dung chuyên đề hướng dẫn truyền thông lồng ghép nội dung thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh với các hoạt động truyền thông Dân số và Phát triển vào hoạt động nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng, của các ban, ngành, đoàn thể. Nhằm cung cấp kiến thức, huy động sự tham gia của cán bộ Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Ban dân vận trên địa bàn xã, thị trấn trên địa bàn các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn.

Sơn La tổ chức tập huấn triển khai thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp - Ảnh 5.

Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Sơn La tổ chức các lớp tập huấn triển khai thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng trên địa bàn.

Tỉnh Sơn La xác định, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khoẻ sinh sản, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số là mục tiêu để thực hiện thành công Chiến lược Dân số đến năm 2030. Do vậy, các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; tham gia xây dựng chính sách, chương trình, đề án và giám sát việc thực hiện các hoạt động "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh.

Cùng với mục tiêu sớm đạt mức sinh thay thế trong năm 2025, Sơn La đề ra kế hoạch cụ thể trong các mục tiêu nâng cao chất lượng dân số như: Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn đạt 51%; 31% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 50% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

Tỉnh Sơn La cũng phấn đấu tới 2025, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt tương đương so với các tỉnh trong cùng khu vực. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 164,8 cm, nữ đạt 154,6 cm. Tuổi thọ bình quân đạt 72,7 tuổi (nay là 70,9), trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 62,7 năm...

Ưu tiên chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ người DTTSƯu tiên chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ người DTTS

SKĐS - "Dù là bùng nổ hay suy giảm dân số, giải pháp với tỷ suất sinh luôn nằm ở việc ưu tiên cho sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản của tất cả mọi người", Thông điệp của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) gửi tới các quốc gia cũng là vấn đề mà Việt Nam luôn quan tâm, nhất là với các đối tượng yếu thế.

Bảo Nguyên
Ý kiến của bạn