Dự án nâng cao hệ thống y tế và cải thiện dinh dưỡng tại Sơn La được triển khai trong thời gian từ 2016-2020 đã đạt được các mục tiêu đề ra như nâng cao việc sử dụng dịch vụ y tế thiết yếu cho bà mẹ, phụ nữ mang thai, trẻ em mới sinh và trẻ em dưới 2 tuổi cùng với tăng cường tiêu thụ thực phẩm dinh dưỡng.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo chia sẻ kết quả dự án nâng cao hệ thống y tế và cải thiện dinh dưỡng tại Sơn La do HealthBridge Canada và các đối tác phối hợp tổ chức diễn ra ngày 25/9 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị An - Giám đốc HealthBridge Canada tại Việt Nam cho hay Dự án nâng cao hệ thống y tế và cải thiện dinh dưỡng tại Sơn La giai đoạn 2016-2020 với sự hỗ trợ của Bộ các vấn đề toàn cầu Canada và Tổ chức HealthBridge Foundation Canada được triển khai thực hiện tại 102 bản thuộc 6 xã của 2 huyện Thuận Châu và Yên Châu của tỉnh Sơn La.
Bà Nguyễn Thị An - Giám đốc HealthBridge Canada tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo
30% phụ nữ Sơn La sinh nở tại nhà, trên nương cả mẹ và con đều nguy hiểm
Tại hội thảo, TS Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết tại tỉnh mỗi năm có 30.000 phụ nữ mang thai, trong đó có gần 30% trường hợp sinh con tại nhà, trên nương. Điều này đe dọa sức khỏe của nhiều bà mẹ và trẻ em
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều yếu tố ảnh hưởng như phong tục tập quán sinh con tại nhà, do khoảng cách địa lý đường xa… không tiếp cận các dịch vụ y tế.
Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh ở Sơn La cao hơn nhiều so với trung bình toàn quốc.
Cụ thể, tỷ lệ tử vong ở người mẹ là 85 ca tử vong trên 1.000 ca sinh sống và tỷ lệ tử vong ở trẻ khi sinh là 24 ca trên 1.000 trẻ đẻ sống, cao hơn mức trung bình toàn quốc (tỷ lệ tử vong mẹ: 54 ca tử vong/1.000 ca sinh sống và tỷ lệ tử vong ở trẻ khi sinh là 16% ca tử vong/1.000 trẻ đẻ sống).
Tại 6 xã thực hiện dự án thậm chí 46% trường hợp sinh tại nhà mà chỉ có 5,4 trường hợp sinh được đỡ bằng người có kỹ năng đỡ đẻ). Cũng chỉ có dưới 30% các bà mẹ mang thai được khám thai đủ 4 lần.
Cụ thể, tỷ lệ tử vong ở người mẹ là 85 ca tử vong trên 1.000 ca sinh sống và tỷ lệ tử vong ở trẻ khi sinh là 24 ca trên 1.000 trẻ đẻ sống, cao hơn mức trung bình toàn quốc (tỷ lệ tử vong mẹ: 54 ca tử vong/1.000 ca sinh sống và tỷ lệ tử vong ở trẻ khi sinh là 16% ca tử vong/1.000 trẻ đẻ sống).
Với mục tiêu chính hướng đến nhằm giảm tử vong bà mẹ và trẻ em, dự án được triển khai tại Việt Nam tập trung vào 2 mục tiêu cụ thê, trong đó mục tiêu đầu tiên là tăng tiếp cận và sử dụng dịch vụ thiết yếu của phụ nữ có thai, bà mẹ và trẻ em (tập trung vào những việc cụ thể như nâng cao năng lực cho các đối tác về lập kế hoạch và triển khai các dịch vụ y tế; tăng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng, đảm bảo chăm sóc liên tục; tăng sự hỗ trợ của nam giới và các thành viên gia đình);
Tuyền truyền kiến thức về dinh dưỡng cho bà mẹ tại tỉnh Sơn La. Ảnh ĐSQ Canada
Mục tiêu tiếp theo là tăng tiêu thụ thực phẩm và thức ăn bổ sung giàu dinh dưỡng (tập trung nâng cao kiến thức dinh dưỡng và thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ cho phụ nữ và nam giới; tăng cường tiếp cận và tiêu thụ thực phẩm và thức ăn giàu vi chất dinh dưỡng)
Những con số thay đổi hiệu quả từ sự can thiệp
Sau gần 5 năm triển khai, các chuyên gia đánh giá nhìn chung dự án đã đạt được 2 mục tiêu đề ra. Can thiệp đã đóng góp một cách rõ rệt vào nâng cao việc sử dụng các dịch vụ y tế thiết yếu cho bà mẹ, phụ nữ mang thai, trẻ em mới sinh và trẻ em dưới 2 tuổi. Cụ thể, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám tiền sản từ bốn lần trở lên và được xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu gần như gấp đôi vào cuối kỳ so với đầu kỳ dự án (từ 29% lên 53%).
Tỷ lệ phụ nữ mang thai nhận được viên sắt và axit folic và tỷ lệ trẻ mới sinh được tiêm phòng uốn ván tăng đáng kể (từ 53% lên 62%). Tỷ lệ phụ nữ đẻ tại các cơ sở y tế tăng từ 53% lên 78%. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ sinh tại nhà giảm hơn một nửa (46% vào thời điểm đầu kỳ dự án so với 21% vào thời điểm cuối kỳ dự án); Tỷ lệ phụ nữ đẻ tại nhà cô đỡ tăng từ 5% lên đến 36%...
Kết quả đánh giá dự án cho thấy thành công trong việc tăng cường thực hành dinh dưỡng tốt. Tỷ lệ trẻ mới sinh được bú mẹ hoàn toàn trong một giờ đầu sau sinh tăng từ 61% (đầu kỳ) lên 87% vào cuối kỳ của dự án. Tỷ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn tới sáu tháng tuổi tăng từ 17% vào đầu kỳ dự án lên 30% vào cuối kỳ dự án…
“Quan trọng hơn cả, trong quá trình thực hiện dự án đã can thiệp đã giải quyết được một số vấn đề giới, trong đó sự tham gia của nam giới vào vấn đề sức khoẻ bà mẹ trẻ em cải thiện rõ rệt. bao gồm cả việc người chồng tăng cường giúp đỡ phụ nữ mang thai tiếp cận dịch vụ”- bà Nguyễn Thị An nhấn mạnh
So sánh một số kết quả đạt được từ dự án trước và sau khi triển khai dự án
Các chuyên gia cũng thông tin thêm, nhiều khuyến nghị cho việc duy trì bền vững đã được ghi nhận. Có bằng chứng cho thấy một số hoạt động của dự án được đối tác địa phương duy trì, đó là hỗ trợ cô đỡ thôn bản dân tộc thiểu số, các buổi truyền thồng về chủ đề dinh dưỡng và sức khoẻ bà mẹ trẻ em tại các bản, các sự kiện giáo dục sức khoẻ sinh sản tại trường học, chức năng của đơn nguyên sơ sinh ở bệnh viện huyện và tư vấn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ở bệnh viện
Về phía địa phương thụ hưởng dự án, TS Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cũng kiến nghị có thêm những nguồn ngân sách để có thể tiếp tục duy trì dự án tại các xã, huyện vùng sâu vùng xa.
Bà Sandra Le Courtois cho biết bà đã trực tiếp có cơ hội đi tới vùng sâu vùng xa nơi thực hiện dự án của tỉnh Sơn La và thấy dự án được triển khai với nhiều thành công, góp phần cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em ở tỉnh Sơn La.