Theo lời kể của những bệnh nhân này, trước khi nhập viện họ có bắt và chế biến món ăn từ một loại côn trùng mà người dân vùng này thường gọi là bọ xít đen. Sau ăn khoảng 6 tiếng bệnh nhân cảm thấy trong người buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, đau nhức toàn thân, mỏi cơ, khó thở và họ được người nhà đưa đến BVĐK Mộc Châu.
BS. Phạm Thị Hường, Phó khoa Hồi sức cấp cứu nhi, BVĐK Mộc Châu cho biết khi nhập viện các bệnh nhân này đã có biểu hiện tổn thương ở hầu hết các cơ quan thần kinh, tim mạch, gan mật, hô hấp, tiêu hóa…Kết quả xét nghiệm máu có tình trạng tăng bạch cầu, men gan…
Một trong 6 bệnh nhân bị ngộ độc bọ xít đen đang điều trị tại BVĐK Mộc Châu (ảnh BV)
Nhận định tình trạng bệnh nhân hết sức nguy hiểm, các bác sĩ đã tích cực điều trị bằng các thuốc bổ trợ tế bào gan, lợi tiểu… nâng cao thể trạng bệnh nhân, đồng thời theo dõi sát sao tình trạng bệnh và các biến chứng về gan, thận có thể gặp. Hiện sau khi được điều trị tích cực 6 bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, các chỉ số xét nghiệm đang dần trở về mức bình thường.
BS, Hường cũng cho biết thêm, ở khu vực Mộc Châu người dân hay bán bọ xít để ăn, tuy nhiên có hai loại bọ xít ăn được là bọ xít hồng và bọ xít vàng, những bệnh nhân này thấy bọ xít đen nghĩ là ăn được nên đã bắt về chế biến thức ăn. Bọ xít đen là loại côn trùng hại lúa thường xuất hiện nhiều nhất vào tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, và tại thời điểm này ở Mộc Châu đang xuất hiện nhiều bọ xít này.
Trước đó, vào năm 2014, tại Than Uyên, Lai Châu đã ghi nhận 20 trường hợp ngộ độc do ăn bọ xít đen và 1 người đã tử vong, vì vậy các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng côn trùng không rõ nguồn gốc và côn trùng không đảm bảo an toàn thực phẩm làm thức ăn.