Bắc Giang cơ bản đã hoàn thành phân bổ chi tiết vốn hỗ trợ năm 2023
Tổng kế hoạch vốn thực hiện các chương trình MTQG năm 2023 của tỉnh Bắc Giang là hơn 1,1 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 958 tỷ đồng. Cấp tỉnh đã phân bổ chi tiết 5 đợt, đạt 90,9% kế hoạch, vốn chưa phân bổ còn hơn 100 tỷ đồng. Cụ thể: Chương trình giảm nghèo bền vững còn 4,45 tỷ đồng; Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn 76,81 tỷ đồng; Chương trình xây dựng nông thôn mới còn 20,48 tỷ đồng.
Đến nay, cơ bản các huyện, thành phố tại Bắc Giang đã hoàn thành phân bổ chi tiết vốn hỗ trợ năm 2023. Tuy nhiên, còn hơn 11 tỷ đồng thuộc Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giao cho huyện Sơn Động chưa phân bổ hết.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang, đến tháng 8/2023, một số văn bản mới về cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện chương trình MTQG được ban hành (như Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính, Thông tư số 02/2023/TTUBDT ngày 21/8/2023 của Ủy ban Dân tộc...), qua đó tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.
Huyện Sơn Động triển khai hoạt động khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vùng DTTS
Theo đó, UBND huyện Sơn Động vừa ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND nhằm triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các hoạt động thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Tiểu Dự án 2, Dự án 3, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Sơn Động, giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).
Phạm vi thực hiện tại 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sơn Động. Đối tượng là các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có kế hoạch mở rộng kinh doanh, sản xuất; Hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Kế hoạch nhằm thúc đẩy tinh thần khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tăng số lượng doanh nghiệp thành lập, hoạt động có hiệu quả, có khả năng tăng trưởng nhanh và bền vững sau khi thành lập.
Kế hoạch đề ra ít nhất có 14 mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp trên địa bàn huyện được hỗ trợ. Qua đó quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã trên địa bàn huyện mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, thu hút vốn đầu tư cho phát triển, giải quyết việc làm và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Theo kế hoạch, các mô hình được hỗ trợ phải tạo việc làm, có hợp đồng thu mua sản phẩm cho ít nhất 210 hộ gia đình thuộc địa bàn xã khu vực III; trong đó, có từ 50% trở lên số lao động là phụ nữ tham gia các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị được hỗ trợ bằng nguồn vốn của Chương trình. Tổng vốn thực hiện là: 2.739,45 triệu đồng; Trong đó: Ngân sách Trung ương (vốn sự nghiệp): 2.202 triệu đồng; Vốn đối ứng, xã hội hóa: 537,45 triệu đồng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý ở Hà Giang.