Sơn ca giữa nghìn trùng

22-08-2011 07:30 | Xã hội
google news

Ðối với chiến sĩ Trường Sa, có lẽ trong những “cái thiếu” của cuộc sống xa đất liền lâu nay trở thành niềm hoài mong, nỗi nhớ - đó là hơi ấm của đôi bàn tay nhỏ nhắn và tiếng hát trong lành của những cô bạn văn công trong những chuyến vượt trùng dương ra thăm đảo….

Ðối với chiến sĩ Trường Sa, có lẽ trong những “cái thiếu” của cuộc sống xa đất liền lâu nay trở thành niềm hoài mong, nỗi nhớ - đó là hơi ấm của đôi bàn tay nhỏ nhắn và tiếng hát trong lành của những cô bạn văn công trong những chuyến vượt trùng dương ra thăm đảo….

Tiếng hát ngọt ngào, nồng ấm của những con chim sơn ca đến từ phố núi mờ sương Ðà Lạt chắc chắn sẽ còn đọng lại rất lâu trong tâm trí cán bộ, chiến sĩ đảo xa và với biển trời Trường Sa…

Tôi may mắn có mặt trên con tàu HQ 957 của Quân chủng Hải quân cùng 93 đại biểu liên bộ, ngành Trung ương và tỉnh Lâm Đồng trong chuyến thăm cán bộ, chiến sĩ trên các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đầu tháng 5/2011. Chuyến đi để lại nhiều kỷ niệm khó quên trong mỗi người. Và, hình ảnh ấn tượng nhất là được nghe tiếng hát  ngọt ngào của những sơn ca phố núi sương mờ cất lên giữa nghìn trùng sóng gió khơi xa.

Tham gia chuyến công tác, Đội nghệ thuật xung kích của Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng gồm 10 thành viên (4 nữ, 6 nam) đều là những thanh niên, sinh viên trẻ trung sôi nổi. Dù là một đợt biểu diễn văn nghệ quần chúng phục vụ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các đảo, song Đội nghệ thuật xung kích đã chuẩn bị toàn bộ cho chuyến đi khá chu đáo. Nhạc cụ mang theo ra đảo khá cơ động gồm: đàn organ, ghi ta thùng, âm ly… gọn nhẹ. Toàn bộ chương trình biểu diễn của đội gồm 27 tiết mục đơn ca, song ca, tốp ca và ảo thuật được xếp thành 4 phần với các chủ đề: Thương lắm Trường Sa, Tình em biển cả, Nồng nàn cao nguyên và  Đà Lạt thành phố hoa. Tổng thể Chương trình nghệ thuật của đội được Phó Giám đốc Sở Văn hóa TT- DL Lâm Đồng - Nguyễn Thị Nguyên ký duyệt.

 Cô ca sĩ trẻ Ngọc Ly với lính đảo.

Đội nghệ thuật xung kích nhanh chóng chiếm được cảm tình cả đoàn. Các thành viên được quan tâm và bố trí những điều kiện khá thuận lợi trong sinh hoạt và biểu diễn. Ban đầu, nhìn dáng dấp các ca sĩ là những cô, cậu thư sinh, thân hình mảnh khảnh quen sống thành thị, không ít người nghi ngại liệu có chịu nổi sóng gió trong cuộc hải trình dài trên biển, chưa nói đến hát hò... Thế nhưng, tuổi trẻ thường tiềm ẩn những điều bất ngờ thú vị. Vượt gần 1.000 hải lý với 2 ngày đêm lênh đênh trên sóng nước (từ TP.HCM đến Trường Sa Lớn), các ca sĩ trẻ vẫn cứ vui tươi, hồn nhiên hát vang giữa biển trời. Tàu vừa cập đảo, trong khi nhiều người còn đang vất vả bước xuống những xuồng cứu hộ tròng trành để leo lên đảo, thì Đội nghệ thuật xung kích đã hát vang trên đỉnh đảo rồi.

Lần đầu tiên được ra Trường Sa phục vụ, Thanh Thủy - cô sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Đà Lạt, thành viên của Đội nghệ thuật xung kích đã xúc động bộc bạch: “Dù gia đình ngại không muốn cho đi, nhưng em nghĩ các chiến sĩ sống tháng này qua tháng khác, năm  này qua năm khác, mình ngại gì?”.

 Đội nghệ thuật xung kích phục vụ cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa.

Trong những năm gần đây, cuộc sống về vật chất của bộ độ Hải quân trên các đảo Trường Sa được cải thiện khá nhiều; song, tình cảm đất liền và những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ luôn luôn thiếu. Bởi vậy, “sức hút” của các chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ trẻ đối với các ca sĩ của Đội văn công, những con chim sơn ca rời đất liền đem lời ca ngọt ngào ra đảo. Và, cũng thật dễ hiểu khi những nữ ca sĩ như Thanh Thủy, Ngọc Ly, Minh Thư hay Xuân Phương được đông đảo các chàng chiến sĩ vây quanh trò chuyện, nắm tay nhau cùng hát say sưa những bài ca về biển, Tổ quốc, tình yêu…giữa mênh mông nghìn trùng.

Tham gia trong Đội văn nghệ xung kích, chỉ có 3 thành viên được biên chế của Trung tâm Văn hóa Lâm Đồng, số còn lại là những cộng tác viên đang là sinh viên hoặc công tác trong các cơ quan khác… Nhưng tất cả đều có chung tâm sự: được ra Trường Sa là chuyến đi hiếm có và quý giá nhất trong đời nên đã dành hết tâm sức, lòng nhiệt thành tuổi trẻ tham gia tất cả mọi hoạt động của đoàn, quyết không bỏ lỡ một hoạt động nào. Trong suốt cuộc hải trình gần 10 ngày lênh đênh trên biển, đoàn công tác đã đi thăm tất cả 4 đảo nổi, 3 đảo chìm và các nhà giàn DKI. Có những lúc biển bất chợt dậy sóng to, nhiều người vì sức khỏe không đảm bảo không đi thăm được một số đảo, nhưng riêng Đội văn nghệ xung kích đều có mặt 100%  tại các điểm đảo với tinh thần vui tươi, hớn hở và cất cao tiếng hát với lính đảo thân yêu.

 Say sưa hát cùng lính đảo Trường Sa.

Đặc biệt, trong chương trình văn nghệ phục vụ của Đội rất sinh động và hấp dẫn được đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo (kể cả thành viên trong đoàn công tác) cổ vũ đó là những tiết mục ảo thuật vui nhộn, lạ mắt của ảo thuật gia trẻ Nguyễn Cường đến từ Đà Lạt. Tất cả sự trẻ trung, nhiệt tình, sôi nổi cùng với những lời ca tiếng hát mà Đội nghệ thuật xung kích của Lâm Đồng mang theo là những món quà ý nghĩa, hơi thở ấm nồng của đất liền đối với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữa đảo xa; động viên anh em tiếp tục bám đảo, bám biển, gìn giữ từng tất đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngoài hát vang những bài ca trên sóng nước giữa những đảo nổi, đảo chìm, những nhà giàn DKI, Đội nghệ thuật xung kích Lâm Đồng còn có mặt trong tất cả các cuộc sinh hoạt giao lưu giữa các đơn vị bạn trong đoàn, giữa đoàn công tác với cán bộ, sĩ quan trên con tàu HQ 957. Tiếng hát giữa trùng dương hòa trong tiếng gió mang hương vị mặn mà của biển khơi thổi ngược lên đất liền; hát giữa bốn bề ánh đèn lung linh như sao sa của khu Dầu khí Bạch Hổ (Vũng Tàu) giàu tiềm năng giữa thềm lục địa thuộc chủ quyền đất nước ta và hát trong cuộc chia tay đầy lãng mạn với bạn bè, với biển khơi xa…  

  Bài, ảnh: THANH DƯƠNG HỒNG


Ý kiến của bạn