(SKDS) - Ngày 28/8, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo Đại biểu dân cử với Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), viện phí và Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Theo ông Trần Văn Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, hiện cả nước có 55,9 triệu người tham gia BHYT, chiếm 63,7% dân số. BHYT là một trong những cơ chế tài chính y tế đáp ứng được mục tiêu bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, việc hiện thực hóa mục tiêu BHYT toàn dân theo lộ trình đã đề ra không hề đơn giản, việc mở rộng diện bao phủ BHYT hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với khu vực lao động tự do do thiết chế pháp luật chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ của các đối tượng. Cụ thể, tại khu vực doanh nghiệp tư nhân, việc tuân thủ quy định tham gia BHYT rất kém. Cùng với đó là sự mất công bằng trong đóng góp BHYT và tình trạng trợ cấp ngân sách sai địa chỉ đã khiến việc mở rộng diện đối tượng tham gia BHYT càng thêm khó...
Tại cuộc họp, đánh giá về tác động của việc điều chỉnh giá viện phí, ông Nguyễn Nam Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho biết, 64% dân số đã có thẻ BHYT được thanh toán 100% chi phí KCB nên gần như không bị ảnh hưởng. Còn 36% dân số chưa tham gia BHYT nhưng do chỉ điều chỉnh 447 dịch vụ nên các đối tượng này vẫn có khả năng chi trả. Cũng theo ông Liên, việc tăng viện phí giúp các cơ sở y tế có kinh phí để thực hiện dịch vụ, thúc đẩy xã hội hóa y tế...
Tuy nhiên, sau 3 - 6 tháng thực hiện thu mức viện phí mới, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo việc kiểm tra tại các bệnh viện TW, chỉ đạo Sở Y tế và BHXH các tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện tại một số bệnh viện. Trong quá trình kiểm tra, nếu thấy có điểm nào bất hợp lý sẽ kiến nghị Bộ Y tế, HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Bệnh viện nào cung cấp chất lượng dịch vụ không tương xứng với giá mới được duyệt sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp...
Ghi nhận những khó khăn của ngành y tế, một số ý kiến của đại biểu dân cử tại hội thảo nhấn mạnh, muốn thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân thì những hạn chế, vướng mắc trong Luật BHYT cần phải sớm được sửa đổi, hoàn thiện. Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính để huy động đủ kinh phí; điều chỉnh giá dịch vụ y tế hưởng BHYT theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp phục vụ bệnh nhân, làm cơ sở để quỹ BHYT thanh toán, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh...
Thái Bình