Hà Nội

Sớm rà soát lại "bản đồ" hệ thống cơ sở tiếp nhận hiến máu tình nguyện

12-06-2023 20:44 | Y tế

SKĐS - Hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã trở thành cánh tay đắc lực giúp ngành y tế đủ điều kiện trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Lượng máu vận động và tiếp nhận được hằng năm cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng cho việc cấp cứu và điều trị người bệnh...

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện Quốc gia tại hội nghị lần thứ 25 của Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện diễn ra ở Bộ Y tế chiều 12/6.

Hội nghị là dịp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; thống nhất thông qua chỉ tiêu vận động, tiếp nhận máu toàn quốc giai đoạn 2023 - 2027; kế hoạch tổ chức tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023; kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách trong công tác hiến máu tình nguyện…

Sớm rà soát lại "bản đồ" hệ thống cơ sở tiếp nhận hiến máu tình nguyện - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện chủ trì hội nghị

"Cánh tay đắc lực giúp ngành y tế đủ điều kiện về máu trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân"

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện nhấn mạnh, sau khi trải qua đại dịch COVID-19, ý thức và trách nhiệm đối với công tác hiến máu tình nguyện của người dân ngày càng được nâng cao, đã tự giác và sẵn sàng tham gia hiến máu, nhất là các thời điểm còn thiếu máu cục bộ hoặc thiếu nhóm máu.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp đã tích cực triển khai nhiều chiến dịch, sự kiện, bảo đảm phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng phát triển và duy trì, như: "Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết" và Lễ hội Xuân hồng, Chủ nhật Đỏ; Hưởng ứng "Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện" …

Sớm rà soát lại "bản đồ" hệ thống cơ sở tiếp nhận hiến máu tình nguyện - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phát biểu

Tất cả các chiến dịch, sự kiện trên đều bảo đảm hiến máu an toàn, phòng chống dịch bệnh; công tác chăm sóc người hiến máu ngày càng được thực hiện bài bản, chu đáo; tập huấn cho đội ngũ, lực lượng cán bộ, nhân viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên về công tác hiến máu tình nguyện.

"Hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã trở thành cánh tay đắc lực giúp ngành y tế đủ điều kiện về máu trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Lượng máu vận động và tiếp nhận được hằng năm cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng cho việc cấp cứu và điều trị người bệnh, nhất là trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng và sản phẩm, chất lượng máu ngày càng được nâng cao theo các quy chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Bộ trưởng cũng biểu dương Ban Chỉ đạo các cấp đã rất cố gắng nỗ lực chủ động vào cuộc tích cực, chỉ đạo sát sao, có trách nhiệm; sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, xã hội, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

Sớm rà soát lại "bản đồ" hệ thống cơ sở tiếp nhận hiến máu tình nguyện - Ảnh 3.

Bà Bùi Thị Hòa – Chủ tịch TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cho biết chương trình tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023 dự kiến diễn ra ngày 29-30/7, cùng với dịp tổng kết chiến dịch Hành trình Đỏ.

Ngân hàng máu sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo – mô hình cứu cánh trong điều kiện không thể lưu trữ máu, khoảng cách địa lý xa

Theo báo cáo kết quả công tác tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc vận động, tiếp nhận hơn 720.000 đơn vị máu, góp phần cứu chữa cho hàng vạn người bệnh cần truyền máu.

Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục duy trì, phát triển nguồn người hiến máu thông qua hoạt động các loại hình câu lạc bộ hiến máu tình nguyện: Câu lạc bộ hiến máu dự bị; Câu lạc bộ 25; Câu lạc bộ máu hiếm (Rh-)… với gần 5.004 Câu lạc bộ và hơn 137.326 thành viên bảo đảm duy trì nguồn máu ổn định cung cấp cho bệnh nhân; đã có 1.625 tình nguyện viên, tuyên truyền viên và Chủ nhiệm các loại hình Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện được Ban chỉ đạo địa phương tập huấn nâng cao năng lực.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp đã tổ chức được hơn 3.270 buổi tuyên truyền, vận động về hiến máu tình nguyện với hơn 259.892 sản phẩm truyền thông và 679.930 lượt người được tuyên truyền. Hầu hết các cuộc tuyên truyền, vận động đều được Ban Chỉ đạo các cấp gắn kết với các chiến dịch, các sự kiện, ngày truyền thống, kỷ niệm và tổ chức các đợt hiến máu tình nguyện.

Sớm rà soát lại "bản đồ" hệ thống cơ sở tiếp nhận hiến máu tình nguyện - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phát biểu

Là đơn vị chịu trách nhiệm về công tác chuyên môn kỹ thuật trong công tác tiếp nhận máu, cũng là đơn vị đã khởi xướng hoạt động hiến máu tình nguyện gần 30 năm trước, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW Nguyễn Hà Thanh chia sẻ: Vài năm gần đây không còn xu hướng thiếu máu vào dịp hè và dịp Tết. Điều này thể hiện sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức trong cộng đồng. Rất nhiều người dân đã chủ động đến Viện và các điểm hiến máu cố định, tham gia hiến máu đều đặn, thường xuyên khi đủ điều kiện sức khỏe.

Từ thực tiễn chia sẻ của các đại biểu về việc phát triển các Câu lạc bộ ngân hàng máu sống, nhóm máu hiếm, Viện trưởng Nguyễn Hà Thanh thông tin thêm, trong hơn 10 năm qua, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã triển khai các ngân hàng máu sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo – mô hình cứu cánh trong điều kiện không thể lưu trữ máu, khoảng cách địa lý xa.

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp; điều chỉnh kế hoạch thời gian, ngân sách, hoạt động cho phù hợp với tình hình của đơn vị, địa phương bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp; tăng cường và đa dạng hóa các loại hình truyền thông gắn với vận động và tổ chức hiến máu tình nguyện, bảo đảm đủ lượng máu cho cấp cứu, điều trị người bệnh và dự phòng tại địa phương…

Sớm rà soát lại "bản đồ" hệ thống cơ sở tiếp nhận hiến máu tình nguyện - Ảnh 5.

Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW Nguyễn Hà Thanh chia sẻ về mô hình ngân hàng máu sống tại hội nghị

Tổ chức các hoạt động tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023; kế hoạch "Những giọt máu hồng – hè" và chương trình "Hành trình Đỏ"; tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về công tác vận động, tiếp nhận, sử dụng máu tại một số địa phương.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đến việc "mục tiêu cuối cùng của chúng ta là đảm bảo máu cho công tác điều trị của người bệnh", do đó Bộ trưởng đã chỉ đạo một số việc cần làm trong thời gian tới để hoạt động hiến máu phát triển theo hướng bền vững và ổn định, trong đó có việc Cục Quản lý Khám chữa bệnh cùng Viện Huyết học – Truyền máu TW cần sớm rà soát lại "bản đồ" hệ thống cơ sở tiếp nhận, sao cho hài hòa, hợp lý, vừa đảm bảo phát triển hoạt động hiến máu ở các địa phương...

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường theo dõi người bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất ca tử vongBộ Y tế yêu cầu tăng cường theo dõi người bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất ca tử vong

SKĐS - Cả nước đã ghi nhận gần 9.000 ca mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Bộ Y tế đề nghị tăng cường theo dõi người bệnh tay chân miệng đang nằm nội trú, hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong.

Thái Bình - ảnh Trần Minh
Ý kiến của bạn