Một trong những nhiệm vụ của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội là phấn đấu hết năm 2017 giải quyết căn bản hơn 3.000 hồ sơ người có công đang tồn đọng tại các địa phương. Dẫu công việc gặp rất nhiều khó khăn nhưng sự quyết tâm ấy giúp thân nhân và những người có công với cách mạng chưa được hưởng chế độ mát lòng.
Sớm giải quyết nghịch lý
Đến gặp ông Hà Duy Nguyên ở xóm 1, xã Thái Dương (Thái Thụy, Thái Bình) trong ngày mưa nắng thất thường, nhưng những trở ngại về thời tiết mà tôi gặp phải chẳng thấm vào đâu so với những cơn đau mà người cựu binh bị thương gần nửa thế kỷ với mảnh đạn găm trong đầu ấy vẫn đang phải chịu. Trong hồ sơ thể hiện ông Nguyên bị thương khi đang chiến đấu tại rừng Tám Ngàn năm 1973 và được đưa vào điều trị ở trạm xá dã chiến rừng U Minh cùng mảnh đạn găm trong đầu. Sức khỏe ổn định, ông về đơn vị H5, Đoàn 195, Quân khu 9 tiếp tục chiến đấu ở An Giang cho đến ngày giải phóng. Sau 30/4/1975, đơn vị ông đóng ở Cần Thơ rồi hơn năm sau ông phục viên trở về địa phương. Năm 2007, ông Nguyên làm hồ sơ gửi UBND xã Thái Dương nhưng đến năm 2014, cán bộ xã mới hướng dẫn ông hoàn thiện giấy tờ để làm thủ tục. Vì sao lại phải chờ lâu đến thế, cán bộ xã trước đây đều trả lời ông Nguyên là “chưa đến đợt”. Người cựu chiến binh lại tiếp tục chờ đợi và hy vọng. Qua các cấp xét duyệt và thẩm định, hồ sơ của ông vẫn chưa hoàn thiện chỉ vì giấy chứng nhận bị thương đơn vị nơi ông công tác có con dấu bị mờ, buộc phải xin xác nhận lại. Qua nhiều lần chờ đợi mệt mỏi, bức xúc không làm chủ được, ông Nguyên đã hủy hồ sơ. Khi ông bình tâm lại, cán bộ xã đã động viên ông tái thiết lập hồ sơ. Năm 2016, một cựu binh đã đưa ông Nguyên vào Cần Thơ, Quân khu 9 xin giấy xác nhận lại hồ sơ. Ông Đinh Văn Quang - cán bộ xã Thái Dương cho biết, hồ sơ của ông Nguyên đã hoàn tất, chỉ chờ cấp trên chốt và duyệt. “Xã Thái Dương còn 7 hồ sơ tồn đọng, trong đó 4 hồ sơ chưa đủ điều kiện chờ hoàn tất và 3 hồ sơ chờ thẩm định xét duyệt trong đợt này là ông Đào Hồng Chương, Hà Duy Nguyên, Vũ Duy Chinh. Chúng tôi mong các bác hãy yên tâm chờ thêm một thời gian nữa”, ông Quang cho biết.
Trong quá trình lập hồ sơ, cán bộ địa phương cần hướng dẫn cụ thể.
Một thương binh khác cũng chờ đợi mòn mỏi là ông Hoàng Văn Thái ở thôn 12, xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Ngày 22/6/1972, ông Thái nhập ngũ, thuộc Tiểu đoàn pháo cao xạ của Tỉnh đội Nghệ Tĩnh. Cuối năm 1973, đơn vị nhập vào Sư đoàn 341 đóng quân tại Quảng Bình, ông Thái là quân số của D19, E80. Tháng 4/1977, ông Thái được Sư đoàn 341 cho phục viên. Về đời thường, cuộc sống của ông trải qua nhiều vất vả. Từ năm 2000, theo hướng dẫn từ cấp xã, cấp huyện, ông làm hồ sơ để được hưởng chế độ thương binh. Ông Thái tâm sự: “Hồ sơ hoàn chỉnh, ngoài hồ sơ gốc, tôi còn có hai đồng đội đi cùng làm chứng, danh sách niêm yết ở xã 100% ý kiến đồng ý, nhưng hồ sơ của tôi bị trả về với lý do tờ quyết định phục viên bị tẩy xóa. Những giấy tờ gốc đó là do đơn vị cấp cho tôi, nó như thế nào thì tôi giữ như thế”. Sự việc kéo dài, sau cùng ông Thái đã tìm đến Ban Chính sách - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh nhờ can thiệp. Tại đây, cán bộ Ban Chính sách đã hướng dẫn ông Thái làm lại hồ sơ, bởi ông khai sai nhưng cán bộ xã, huyện không hướng dẫn cụ thể để bổ sung kịp thời. Trường hợp của ông Thái đã được lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Tĩnh tiếp nhận và sớm giải quyết.
Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm người có công đằng đẵng nhiều năm trời xin xác nhận, làm hồ sơ chờ hưởng chính sách.
Nhanh nhưng thận trọng
Trong công tác rà soát, xét duyệt hồ sơ người có công, các cơ quan chức năng gặp phải nhiều trường hợp nan giải, như nhiều trường hợp hiện nằm trong nghĩa trang cùng đồng đội nhưng bản thân họ vẫn không được công nhận liệt sĩ chỉ vì không có hồ sơ, căn cứ, không người làm chứng... Nhiều trường hợp gần như lâm vào bế tắc. Trước những bức thiết của thực tế, ngày 20/3/2017, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công nhằm hướng dẫn các địa phương thực hiện và giải quyết cơ bản trong năm 2017 hơn 3.000 hồ sơ. Theo ông Huỳnh Văn Tí - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, để giải quyết dứt điểm hồ sơ đề nghị công nhận người có công cần công khai, minh bạch, kỹ lưỡng, hạn chế tối đa các trường hợp man khai, làm giả hồ sơ.
Thực hiện chỉ đạo, một số tỉnh như Long An, Vĩnh Long, Bình Dương đã mời các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh để lắng nghe ý kiến về từng trường hợp. Hay như tỉnh Vĩnh Phúc, trong quá trình xét duyệt hồ sơ, Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc từ lâu đã công khai tại trụ sở UBND cấp xã về danh sách nên hiện nay không có hồ sơ tồn đọng. Bà Ngô Thục Phương - Trưởng phòng Người có công - Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc cho biết: “Nhiều đối tượng “cò mồi” dụ dỗ người dân làm hồ sơ giả, thậm chí còn nhận là người nhà của tôi để tăng uy tín, hòng dụ dỗ nhiều người sập bẫy. Và nếu quá trình xét duyệt được thực hiện công khai, dân chủ thì đối tượng làm giả hồ sơ không còn đất sống”.
Đồng quan điểm ấy, ông Đỗ Đăng Khoa - Trưởng phòng Chính sách 1 (Cục Người có công) cho biết, việc thiết lập hồ sơ người có công không hề đơn giản bởi đến nay, người làm chứng hoặc cao tuổi, hoặc đã mất; nhiều người hồ sơ thất lạc trong thời gian dài nên đòi hỏi cán bộ làm chính sách phải công tâm. Nhanh nhưng vẫn phải thận trọng. “Trước đây, chính sách nới lỏng đã dẫn đến tình trạng khai ào ào, lách vào kẽ hở để trục lợi. Bây giờ, chính sách thắt chặt lại, đương nhiên để xác nhận được thì phải mất nhiều thời gian hơn”, ông Khoa chia sẻ.
Giải quyết hồ sơ tồn đọng là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, việc xử lý sẽ được triển khai linh hoạt với từng trường hợp cụ thể và được công bố trên các phương tiện truyền thông, xin ý kiến giải quyết.