Cần sớm có quy chế về phạm vi hoạt động của phẫu thuật thẩm mỹ

GS.TS Nguyễn Tài Sơn

GS.TS Nguyễn Tài Sơn

Phó chủ tịch thường trực Hội phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam

19-09-2018 06:19 | Phòng mạch online

SKĐS - Nhiều người cho rằng thẩm mỹ là những việc đơn giản, ai cũng có thể làm đẹp được, vì thế mà có tình trạng nhiều chị em phó mặc tính mạng của mình cho các cơ sở làm đẹp chưa được cấp phép, thậm chí có người còn không biết mình được làm bởi bác sĩ thật hay chỉ là nhân viên của cơ sở…

Đó là chia sẻ rất chân thành của GS.TS Nguyễn Tài Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam với phóng viên Sức khoẻ & Đời sống.

Theo đó, GS. TS Nguyễn Tài Sơn cho biết, ngày càng nhiều chị em có nhu cầu cải thiện nhan sắc của bản thân và tìm đến các cơ sở làm đẹp. Nhiều người ham rẻ thấy bỏ ra vài triệu làm mặt đẹp trong khi đến cơ sở y tế được công nhận mất nhiều tiền hơn nên lựa chọn chỗ ít tiền với tiêu chí “ngon”, “bổ” điều này cho thấy sự lầm tưởng tai hại. Theo đó, để đáp ứng được các tiêu chí của khách hàng “ngon, bổ, rẻ”,  các cơ sở làm đẹp tự phát mọc lên như nấm, bất chấp an toàn sức khỏe của khách hàng để thu lợi dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra.

GS.TS Nguyễn Tài Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam

Gs. Sơn dẫn chứng, thực tiễn tại địa bàn Hà Nội, có nhiều bất cập đáng lo ngại nhất đối với ngành phẫu thuật thẩm mỹ như các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động, hoặc chỉ được cấp phép làm một số danh mục kỹ thuật nhất định nhưng khi thực hiện lại vượt quá phạm vi cho phép. Ngoài ra với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, hiện nay có trào lưu cứ ai quảng cáo được nhiều người theo dõi, nhiều người thích là được nhiều người tin tưởng và được tìm đến để làm đẹp. Trong khi người dân lại khá thờ ơ không được tìm hiểu về chất lượng, cũng như tay nghề, điều kiện thực hiện, trang thiết bị để làm đẹp và thẩm mỹ. Đặc biệt, có những kỹ thuật rất cũ người ta đã làm tư lâu nhưng để thu hút khác, các cơ sở thẩm mỹ còn đặt những cái tên gọi khác rất “mỹ miều” để hút khách hàng, nhưng về bản chất không có gì thay đổi.

Vì vậy, khó nhất trong việc quản lý hoạt động dịch vụ này là quản lý những cơ sở không được cấp phép, các nhóm spa không đăng ký thực hiện phẫu thuật phẫu thuật thẩm mỹ.  Đang có sự “đánh tráo khái niệm” giữa hoạt động làm đẹp (thông thường là spa chỉ chăm sóc làm đẹp thư giãn) với phẫu thuật thẩm mỹ. Trong khi người dân có nhu cầu không tìm hiểu kỹ và do các yếu tố tâm lý a dua theo số đông thấy đâu quảng cáo hay, mách bảo nhau tin tưởng làm theo. Trước đây mọi người hay quan niệm nhanh, nhiều, tốt, rẻ và gần đây là “ngon”, “bổ”, “rẻ” tâm lý này cực kỳ nguy hiểm. GS. Sơn nhấn mạnh.

Thẩm mỹ bị hỏng - nạn nhân chỉ biết kêu trời...

Một vấn đế nữa, theo Phó chủ tịch thường trực Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam là, hiện nay là do chưa ban hành được phạm vi hoạt động cụ thể của phẫu thuật thẩm mỹ nên dẫn đến sự lách luật, lạm dụng. Mặc dù Ngày 7/6/2018, Bộ y tế đã ban hành Quyết định 3449/QĐ-BYT ngày 7/6 về Hướng dẫn quy trình kỹ thuật Phẫu thuật Tạo hình-thẩm mỹ, đây là văn bản rất cần thiết và sẽ là “kim chỉ nam” để các bệnh viện, các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ xác định quy trình được rõ ràng và các phẫu thuật viên “chiếu” theo đó để thực hiện.  Nhưng cần phải ban hành cụ thể hơn về từng phạm vi hoạt động của phẫu thuật thẩm mỹ và phẫu thuật viên phẫu thuật thẩm mỹ…

Theo đó, GS. Sơn kiến nghị, trong văn bản ban hành chi tiết phạm vi hoạt động của phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó cần quy định rõ thế nào là thẩm mỹ nội khoa, thế nào là ngoại khoa, can thiệp, không can thiệp, can thiệp sâu, can thiệp nông, lĩnh vực nào là bác sĩ có bằng cấp được hành nghề. Các quy định cần phải rất chặt chẽ, nếu là phẫu thuật viên, bác sĩ thẩm mỹ thì bắt buộc phải qua lớp đào tạo, chương trình đào tạo về phẫu thuật thẩm mỹ. Chứ không phải là một bác sĩ chuyên về ngoại hoặc chuyên về mắt mà  cũng có thể hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ được”.

“Với sự phát triển phẫu thuật thẩm mỹ tại Việt Nam, hy vọng Bộ Y tế sớm có quy chế về phạm vi hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ để có công cụ cho các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra giám sát việc hành nghề và cũng là quy định để phẫu thuật viên biết hành nghề ra sao. Có như vậy mới nâng cao chất lượng phục vụ cho những người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ”. GS. Sơn chia sẻ.

Rùng mình “thảm họa dao kéo” từ lò thẩm mỹ “chui”. Theo truyền hình công an nhân dân

Trong bối cảnh các sở thẩm mỹ vườn mọc lên như “nấm sau mưa”, ai cũng có thể dễ dàng trở thành “chuyên gia” phẫu thuật thẩm mỹ chỉ qua một vài tháng. Đã có rất nhiều nạn nhân hứng chịu hậu quả của phẫu thuật thẩm mỹ từ các cơ sở làm đẹp chui, không được cấp phép, đến khi quay đầu nhìn lại đã quá muộn.


Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về phẫu thuật thẩm mỹ, lợi hại của các phương pháp làm đẹp… để mình không trở thành nạn nhân của thẩm mỹ “vườn”, Báo Điện tử Sức khỏe&Đời sống triển khai tuyến bài về vấn đề này.

Bạn đọc có thể phản ánh về các cơ sở làm đẹp trái phép về hòm thư Báo Điện tử bandientuskds@gmail.com.

Ý kiến của bạn