Sòi - vị thuốc chữa thủy thũng và mụn nhọt

SKĐS - Sòi được trồng, khai thác để sử dụng như một màu nhuộm tự nhiên để nhuộm lụa, sa tanh màu đen. Ngoài ra, sòi còn được ứng dụng rộng rãi cho nhiều mục đích khác nhau trong y học.

Sòi còn có các tên gọi khác như: ô cửu, ô thụ quả, ô du, thác tử thụ, mộc tử thụ, cửu tử thụ.

Tên khoa học: Sapium sebiferum (L.), Croton sehiferum L. Siillingìa sehilera Michx.

Thuộc họ thầu dầu- Euphorbiaceae.

- Vỏ rễ - ô cửu căn bì (Radix Sapii): Vỏ rễ phơi hay sấy khô của cây sòi. Có khi người ta dùng cả vỏ thân, nhưng hay dùng vỏ rễ hơn.

- Dầu hạt sòi - cửu chi hay ô cửu chi (Oleum Sapii): Là hỗn hợp chất sáp bọc lớp ngoài của hạt và dầu ép từ hạt sòi. Tên gọi là ô cửu vì chim quạ thích ăn hạt cây này.

Sòi là một cây nhỡ, cao chừng 4-6m, sống lâu năm. Thân màu xám, lá mọc so le, sớm rụng, cuống dài 3-7cm. Phiến lá hơi hình quả trám dài, rộng 3 - 9cm, đầu lá nhọn dài, hai mặt đều màu xanh, bóng không có lông, mép nguyên, khi còn non thì mềm và mỏng. Hoa mọc thành bông dài 5-10cm ở kẽ lá hay đầu cành, đơn tính, hoa đực chiếm phần trên của bông; cánh màu trắng vàng hay vàng. Quả hình cầu, đường kính chừng 12mm, khi chín có màu đen tía, 3 ngấn, mỗi ngấn có một hạt hình trứng, trên mặt có đường rãnh dọc; trong hạt có dầu, ngoài hạt có một lớp sáp trắng gọi là bơ sòì hay mỡ thảo mộc. Mùa hoa: Tháng 3-4, mùa quả: Tháng 9.

Cây sòi mọc hoang ở khắp nơi trong Việt Nam. Tại miền Bắc và miền Trung, người dân thường trồng để lấy lá nhuộm lụa.

Sòi mọc hoang và được trồng tại các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Tại những nước này người ta trồng để lấy hạt ép dầu.

Lấy hạt vào mùa thu hoặc cuối thu. Quả hái về phơi khô, đập lấy hạt; hạt  đặt trên một cái chõ, có lỗ nhỏ đun nóng lên thì lớp sáp bọc ngoài hạt sẽ chảy ra, để nguội sáp đông đặc là loại sáp tốt nhất. Sau khi lớp sáp bọc ngoài hạt đã chảy ra, đem giã nhỏ hạt còn lại và ép sẽ được thứ dầu lỏng.

Tại nhiều nước, người ta để riêng các loại dầu trên hoặc trộn chung tất cả với nhau. Ở Trung Quốc, dầu ép được từ nhân được gọi là tử du hay cửu du. Sáp lấy từ lớp vỏ ngoài gọi là bì du, dầu do hỗn hợp lớp sáp ngoài và dầu trong nhân thì gọi là mao du hay mộc du.

Sòi

Thành phần hóa học:

Vỏ rễ và thân cây sòi có chứa một tinh thể lớn hình trụ với công thức thô là pholoraxetophenon 2 - 4 dimetyl ete, có tác dụng khử trùng.

Trong vỏ sòi chứa xanthoxylin; chất béo; vitamin E; tanin.

Lá sòi chiết xuất được các thành phần như: corilagin; acid calic; zoquexitro; acid dllagic.

Sáp và hỗn hợp dầu làm xà phòng và nến.

Công dụng và liều dùng:

Sáp của hạt sòi có thể thay bơ ca cao để chế thuốc đạn, xà phòng. Trộn với sáp ong làm nến, bôi tóc và chữa một số bệnh ngoài da. Muốn dùng thay bơ ca cao chế thuốc đạn, sáp sòi cần được trộn với 30-50% dầu lạc để hạ độ chảy từ 580 xuống khoảng 420-410-400.

Vỏ rễ cây sòi là một vị thuốc được dùng trong dân gian để chữa các bệnh bạo thủy, chưng kết, tích tụ, thủy thũng. Với những triệu chứng biểu hiện như sau: bụng đầy trướng, đại tiểu tiện khó khăn, trướng nước ở vùng dưới cạnh sườn.

Đơn thuốc có dầu sòi và vỏ sòi

Chữa mụn nhọt mẩn ngứa: Dầu hạt sòi (cả lớp sáp và nhân) 100g, nước 100g, hồng đơn 50g. Đun dầu và nước cho nóng rồi thêm hồng đơn vào, khuấy đều, đun sôi nước, để nước bốc đi lại thêm vào cho đến khi hồng đơn mất màu, dùng cao này bôi lên các mụn nhọt, mạch lươn trên đầu.

Chữa bệnh thủy thũng, bụng trướng to, ăn uống kém ngon: Vỏ rễ cây sòi lấy lớp vỏ lụa phơi khô tán nhỏ, dùng nước cơm mà viên bằng hạt đâu xanh hoặc dùng táo đen. Một phần táo đen nấu với 6 phần nước cho đến khi được một thứ nước hồ nhão, thì đem rây để loại bỏ bột, trộn với bột vỏ rễ mà viên gọi là ô táo hoàn.

Tùy theo bệnh nặng nhẹ, dùng mỗi ngày 10 đến 20g viên thuốc nói trên. Có thể tăng liều lượng, dùng nước cơm hay nước cháo để chiêu thuốc. Ngoài ra, còn có bằng chứng khoa học chứng minh vỏ rễ sòi có tác dụng chữa bệnh do huyết hấp trùng gây ra tình trạng lá lách và gan sưng to, bụng trước nước thiếu máu trầm trọng, cũng như bệnh gan có tính chất truyền nhiễm. Liều dùng trung bình ở người lớn từ 10-12g (có thể dùng tới 50-60g), trẻ con dùng trung bình 5-10g (có thể dùng tới 20-25g), thường có kết quả trong 7-10 ngày dùng. Nếu dùng vỏ tươi thì liều gấp 3 lần vỏ khô.


BS.CKII HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn