Sỏi tuyến nước bọt

22-01-2014 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Cách đây 2 tuần, tôi bị đau ở vùng mang tai trái, niêm mạc miệng bị viêm đỏ, lúc đầu tôi nghĩ bị nhiệt miệng, nhưng tình trạng đau càng tăng. Đi khám bác sĩ chẩn đoán tôi bị sỏi tuyến nước bọt, kê thuốc về uống, theo dõi tiếp hẹn tái khám khiến tôi lo lắng.

Cách đây 2 tuần, tôi bị đau ở vùng mang tai trái, niêm mạc miệng bị viêm đỏ, lúc đầu tôi nghĩ bị nhiệt miệng, nhưng tình trạng đau càng tăng. Đi khám bác sĩ chẩn đoán tôi bị sỏi tuyến nước bọt, kê thuốc về uống, theo dõi tiếp hẹn tái khám khiến tôi lo lắng. Xin bác sĩ cho biết về chứng bệnh này.

Lê Hòa ( Bắc Kạn)

Có hai tuyến nước bọt chính: Tuyến mang tai và tuyến dưới hàm. Ngoài ra còn có nhiều tuyến nước bọt phụ khác nằm trong lớp niêm mạc của khoang miệng, họng và các xoang… có tác dụng hỗ trợ cho việc bảo vệ răng miệng, nếm, nuốt và thực hiện giai đoạn đầu tiên của quá trình tiêu hóa.

Sỏi tuyến nước bọt là tình trạng đóng khối của can xi và phosphat tại đường ra của các tuyến nước bọt ở khoang miệng. Sỏi thường xuất hiện ở tuyến dưới hàm (80%) và tuyến mang tai. Hầu như không có sỏi ở các tuyến nước bọt phụ. Những sỏi lớn có thể làm tắc tuyến nước bọt, gây viêm, thậm chí áp - xe, gây liệt mặt tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Về chẩn đoán bệnh xác định chính xác sỏi tuyến nước bọt, cần chụp X-quang hoặc CT scanner (phương pháp này rất chính xác nhưng chi phí cao nên chỉ sử dụng trong những trường hợp đặc biệt).

Tùy tính chất của bệnh mà các bác sĩ có chỉ định cụ thể như: Nếu là sỏi nhỏ được giải thoát khỏi ống dẫn một cách tự nhiên hoặc sau động tác xoa bóp nhẹ nhàng dọc theo ống dẫn. Nếu sỏi to cần phải tiến hành phẫu thuật để lấy sỏi. Để giảm đau có thể chườm khăn nóng hoặc lạnh, uống thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Nếu có hiện tượng bội nhiễm thì phải dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Để phòng bệnh cần phải vệ sinh răng miệng tốt để tránh nhiễm khuẩn vùng miệng. Cần kiểm tra định kỳ răng hàm mặt để phát hiện bệnh kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm


Ý kiến của bạn