Hà Nội

Sỏi túi mật nhưng không điều trị, nữ công nhân mất luôn khả năng lao động

14-09-2023 07:20 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Bị sỏi túi mật và được chỉ định mổ nhưng vì chủ quan, nữ công nhân tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc với mong muốn sỏi tự tan. Tuy nhiên, bệnh tình không đỡ thậm chí còn gây viêm tụy cấp.

Khoa Gan tụy mật – Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một nữ công nhân (39 tuổi, Nam Định) nhập viện trong tình trạng viêm tụy cấp có sỏi ở ống mật chủ. 

Qua khai thác bệnh nhân cho biết đã được chẩn đoán sỏi túi mật nhiều năm nay và có chỉ định mổ. Tuy nhiên do chủ quan không muốn đi mổ cắt túi mật, bệnh nhân ở nhà có sử dụng các bài thuốc dân gian và đông y để chữa trị nhưng không hiệu quả.

Bệnh nhân được chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng để lấy sỏi nhưng đã xuất hiện tình trạng viêm tụy cấp nặng. Lúc này bệnh nhân rơi vào tình trạng viêm tụy hoại tử và viêm sỏi tại ống mật chủ kích thước lớn quá không thể lấy ra được. 

Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cấp cứu mở ống mật chủ lấy sỏi, cắt túi mật. Tuy nhiên tình trạng viêm tụy cấp nặng, bệnh nhân phải nằm trong phòng hồi sức thời gian dài. Sau phẫu thuật bệnh nhân bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và mất hoàn toàn sức lao động.

ThS.BS Lê Văn Duy thông tin về ca bệnh sỏi túi mật và đưa ra cảnh báo cho người dân. 

Khi sỏi túi mật chưa có biến chứng, tỷ lệ mổ thành công rất cao có thể lên tới gần 100% và rất ít biến chứng. Nếu đã có biến chứng viêm tụy cấp hay sỏi rơi vào ống mật chủ sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, chi phí điều trị tăng cao. 

Như trường hợp trên, thay vì có chỉ định cắt túi mật vô cùng đơn giản, bệnh nhân chủ quan không phẫu thuật gây ra những biến chứng nặng nề.

Sỏi túi mật khi nào nên phẫu thuật?

Thông thường, sỏi túi mật được chia làm 3 loại chính: sỏi túi mật có triệu chứng, sỏi túi mật có biến chứng và sỏi túi mật không có triệu chứng.

Sỏi túi mật không có triệu chứng

Nếu những đối tượng có nguy cơ mắc sỏi túi mật như:

+ Phụ nữ

+ Béo phì

+ Bệnh nhân đái tháo đường

+ Bệnh nhân chuẩn bị ghép tạng

+ Người có buồng túi mật trên 50% thể tích túi mật, sỏi túi mật kết hợp với polyp túi mật…

+ Sỏi mật nhỏ dưới 3mm, sỏi lớn trên 2cm

Nên cân nhắc để cắt túi mật dự phòng. Chỉ định này cần được đưa ra sau khi thăm khám, chẩn đoán và bàn bạc với bệnh nhân.

Sỏi túi mật khi có triệu chứng hoặc biến chứng

Với những trường hợp sỏi túi mật khi có triệu chứng và biến chứng đều được chỉ định phẫu thuật cắt túi mật.

Ngoài phẫu thuật, một số nơi cũng tiến hành tán sỏi mật qua da. Tuy nhiên phương pháp này còn nhiều tranh cãi và tỷ lệ tái phát cao.

Sỏi túi mật nhưng không điều trị, nữ công nhân mất luôn khả năng lao động - Ảnh 2.

Một bệnh nhân sỏi túi mật có biến chứng vàng da, phù nề chân tay điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Triệu chứng sỏi túi mật

Sỏi túi mật có biểu hiện gì? Sỏi túi mật thường không có triệu chứng, và biểu hiện thường gặp nhất là đau. Bệnh nhân cần biết cơn đau do sỏi mật để phân biệt với các loại bệnh khác. Cơn đau do sỏi mật thường xuất hiện ở hạ sườn phải, cơn đau xuyên ra sau lưng và lan lên trên vai. Đó là triệu chứng điển hình do cơn đau do sỏi mật gây ra.

Trong trường hợp sỏi túi mật có biến chứng, bệnh nhân có thể gặp các hiện tượng như vàng da, sốt.

Khi có biểu hiện trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau để làm giảm cơn đau tạm thời và tới ngay cơ sở y tế.

Thực tế, chưa có bằng chứng nghiên cứu khẳng định có các bài thuốc dân gian có thể làm tan sỏi túi mật. Ở phương diện tây y, khi sỏi đã hình thành việc làm tan sỏi rất khó, tỷ lệ làm tan được sỏi cực thấp. Nếu có, thì sự đào thải viên sỏi làm tăng lưu lượng ở dịch mật và làm viên sỏi rơi xuống. 

Tuy nhiên, khi viên sỏi càng di chuyển càng gây ra các nguy cơ biến chứng của túi mật. Do đó, người dân không nên tin vào các quảng cáo hoặc tự ý sử dụng các loại thuốc được cho là có công dụng làm tan sỏi túi mật.

Xem thêm video được quan tâm:

Kinh Hoàng: Hơn 400 Viên Sỏi Lấp Đầy Túi Mật | SKĐS


ThS.BS Lê Văn Duy
Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan Mật Tụy - Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn