Sỏi túi mật có tự hết được không? Ai có nguy cơ mắc?

16-09-2023 15:36 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Vừa mắc viêm gan B, vừa mắc sỏi túi mật nhưng ông M. chủ quan không điều trị. Sau một thời gian, sỏi túi mật biến chứng thành viêm tụy cấp, người đàn ông nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội.

Người đàn ông nhập viện vì sỏi túi mật lâu năm không điều trị gây biến chứng

Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân Nguyễn Văn M. (66 tuổi, Hưng Yên) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. Qua khai thác, bệnh nhân cho biết có tiền sử viêm gan B nhiều năm do uống rượu và mới bỏ cách đây 1 năm.

Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán sỏi túi mật nhiều năm nhưng không điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán viên tụy cấp và điều trị tại Khoa Nội tiêu hóa. Sau khi điều trị ổn định tình trạng viêm tụy cấp, bệnh nhân được chuyển qua Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa – Gan Mật Tụy để phẫu thuật nội soi để cắt bỏ túi mật.

Tình trạng viêm tụy cấp của bệnh nhân là biến chứng từ sỏi túi mật gây ra. Sau khi cắt túi mật bằng nội soi, bệnh nhân đã ổn định và dự kiến ra viện trong vài ngày tới.

ThS.BS Lê Văn Duy thông tin về ca bệnh sỏi túi mật không điều trị gây biến chứng viêm tụy cấp.

Sỏi túi mật có tự hết được không?

Khả năng viên sỏi túi mật biến mất là không có. Khi đã hình thành sỏi túi mật, viên sỏi sẽ to lên theo thời gian và không thể biến mất dù dùng bất cứ phương pháp nào như các loại thuốc đông y, tây y.

Nếu viên sỏi biến mất khỏi túi mật chỉ có trường hợp viên sỏi di chuyển. Tuy nhiên khi viên sỏi di chuyển lại có khả năng gây biến chứng. Viên sỏi nhỏ là những viên sỏi dễ di chuyển thường kẹt ở ống mật chủ hoặc rơi xuống ống mật chủ gây biến chứng tắc mật, viêm tụy cấp… Viên sỏi càng nhỏ càng phải xử lý, do gây biến chứng nhiều hơn.

Thông thường, với sỏi túi mật thường ít biểu hiện triệu chứng. Nếu bệnh có biểu hiện (thông thường là triệu chứng đau bụng hạ sườn phải) lúc này đã ở tình trạng viêm túi mật.

Khi bệnh nhân không có triệu chứng thì không cần cắt túi mật. Tuy nhiên với một số trường hợp nguy cơ thì cần cắt túi mật dự phòng như sỏi to (trên 2cm), sỏi bé (dưới 3mm), người sắp ghép tạng, bệnh nhân đái tháo đường

Sỏi túi mật là gì?

Sỏi túi mật là những viên sỏi có hình tròn, bầu dục hoặc đa giác hình thành và phát triển trong túi mật hoặc ống mật.

Người đàn ông nhập viện vì sỏi túi mật lâu năm không điều trị gây biến chứng  - Ảnh 2.

Bệnh nhân M. nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội do biến chứng sỏi túi mật gây viêm tụy cấp.

Có mấy loại sỏi túi mật?

- Sỏi túi mật cholesterol. Là loại sỏi hình thành do tăng sự lắng đọng và tăng cholesterol trong máu và trong dịch mật. Từ đó làm tăng kết tủa thành những viên sỏi. Sỏi túi mật cholesterol thường gặp ở những người béo phì, những người có nồng độ cholesterol cao. Với những phụ nữ trên 40 tuổi thì có liên quan đến rối loạn nội tiết tố làm tăng nguy cơ hình thành sỏi cholesterol. Sỏi túi mật cholesterol thường cứng.

- Sỏi túi mật bilirubin: Những bệnh nhân tan máu bẩm sinh, có nhiều bilirubin hoặc nhiều muối mật được tiết ra làm lắng đọng trong túi mật. Từ đó làm hình thành sỏi bilirubin. Sỏi túi mật bilirubin thường liên quan đến nhiễm trùng đường mật, những người mắc giun chui ống mật, nhiễm sán đường mật.

- Sỏi túi mật kết hợp cả 2 loại trên.

Trước đây, thường chủ yếu là sỏi túi mật bilirubin. Nhưng hiện nay với lối sống ăn uống sinh hoạt thiếu khoa học, tỷ lệ sỏi túi mật cholesterol đang tăng lên giống như các nước phương tây.

Nhiểu trường hợp có thể có hàng trăm, hàng nghìn viên sỏi nhỏ trong túi mật. Còn có những trường hợp sỏi túi mật gây viêm túi mật vô cùng nguy hiểm, khiến túi mật sẽ cứng và co lại bằng ngón tay cái hoặc ngón tay út. Lúc này túi mật chỉ chứa sỏi và mất chức năng chứa mật. Khi túi mật co nhỏ gây nguy cơ biến chứng khi phẫu thuật cao. Túi mật sẽ viêm dính vào vùng rốn gan và dính chặt vào gan tăng nguy cơ chảy máu, tăng nguy cơ làm tổn hại đường mật chính. Ngoài ra túi mật viêm mạn tính có nguy cơ cao ung thư túi mật – một loại ung thư ác tính cao và tiên lượng xấu.

Người đàn ông nhập viện vì sỏi túi mật lâu năm không điều trị gây biến chứng  - Ảnh 3.

Một bệnh nhân sỏi túi mật gây biến chứng vàng da, phù nề chân tay đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Phòng ngừa sỏi túi mật bằng cách nào?

Dựa vào nguyên nhân hình thành sỏi túi mật, có thể phòng ngừa sỏi túi mật bằng những cách sau:

Sỏi bilirubin thường liên quan đến nhiễm trùng đường mật, giun chui ống mật. Do vậy để đề phòng cần ăn chín uống sôi, tẩy giun định kỳ.

Sỏi cholesterol thường liên quan đến chế độ ăn uống. Do vậy cần có chế độ ăn hợp lý. Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, thịt đỏ, tăng cường uống đủ nước, không nhịn ăn.

Những phụ nữ dùng thuốc tránh thai cần thăm khám và lựa chọn các loại thuốc phù hợp dựa trên tư vấn của bác sĩ.

Ngoài ra việc duy trì chế độ luyện tập thể dục thể thao cũng hạn chế hình thành sỏi túi mật. Bên cạnh đó có thể uống một số loại trà lợi mật như atiso, nhân trần…

Ai có nguy cơ mắc sỏi túi mật?

Sỏi túi mật có thể gặp ở bất kỳ ai. Tuy nhiên có một số đối tượng có khả năng mắc sỏi túi mật cao hơn như:

  • Phụ nữ
  • Béo phì
  • Người sinh con nhiều lần
  • Những người trên 40 tuổi

Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân như:

  • Chế độ ăn nhiều dầu mỡ làm tăng lắng đọng cholesterol
  • Những người thường xuyên nhịn đói, ăn không đúng bữa
  • Trong gia đình có người bị sỏi tủi mật
  • Những phụ nữ trong thời kỳ mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai
  • Một số bênh nhân có các bệnh lý Crohn, bệnh lý tan máu bẩm sinh (làm tăng lượng bilirubin trong máu).

Xem thêm video được quan tâm:

Kinh Hoàng: Hơn 400 viên sỏi lấp đầy túi mật | SKĐS


ThS.BS Lê Văn Duy
Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan Mật Tụy - Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn