Hà Nội

Sỏi thận: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

27-07-2023 15:15 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Sỏi thận là một bệnh lý khá thường gặp. Bệnh thường gây ra những cơn đau lưng, đau thắt lưng âm ỉ hoặc dữ dội.

Sỏi thận là gì?

Sỏi tiết niệu là những phân tử rắn được hình thành do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ trong nước tiểu.

Trong sỏi đường tiết niệu, tùy vào vị trí có thể xác định được đó là sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo. Ngoài ra, có thể phân định theo thành phần hóa học của sỏi: sỏi oxalat, sỏi urat, sỏi phosphat, sỏi cystin…

Nguyên nhân gây sỏi thận

Có nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận như:

  • Uống không đủ nước hoặc nhịn tiểu thường xuyên.
  • Chế độ ăn uống không hợp lý: thói quen ăn mặn, nhiều đạm…
  • Sử dụng thuốc không đúng cách: bổ sung vi chất quá nhiều như vitamin C, calci… hoặc lạm dụng kháng sinh.
  • Người mắc một số bệnh lý như: Viêm loét dạ dày, tiêu chảy, Crohn, nhiễm trùng đường tiết niệu, trào ngược bàng quang - niệu quản, túi thừa bàng quang…
  • Yếu tố gia đình, di truyền
  • Nằm một chỗ trong thời gian dài.

BSCKII Trịnh Hùng giải đáp về các dấu hiệu và cách điều trị bệnh sỏi thận.

Dấu hiệu nhận biết bệnh sỏi thận

Bệnh sỏi thận có biểu hiện gì? Tùy thuộc vào kích thước, vị trí hoặc tính chất khởi phát mà các dấu hiệu của sỏi thận có thể thoáng qua hay dữ dội. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh sỏi thận bao gồm:

- Đau lưng hoặc thắt lưng, đau vùng dưới mạn sườn, có thể đau một bên hoặc cả 2 bên. Cơn đau có thể đau âm ỉ, từng cơn hoặc đau dữ dội liên tục nếu gây tắc đường niệu.

- Đau khi đi tiểu thường gặp trong trường hợp sỏi di chuyển trong đường niệu.

- Tiểu ra máu

- Tiểu rắt, tiểu són thậm chí là bí tiểu

Ngoài ra, bệnh nhân có thể sốt, buồn nôn hoặc nôn.

Sỏi thân: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị - Ảnh 2.

Hình ảnh chụp bệnh nhân bị sỏi thận và sỏi niệu quản.

Phương pháp điều trị sỏi thận

Tùy thuộc vào kích thước, vị trí, biến chứng của sỏi tiết niệu bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa phù hợp.

Điều trị nội khoa thường áp dụng với những bệnh nhân có sỏi <10mm, hình dạng trơn, láng, dễ di chuyển và có thể đào thải qua đường tự nhiên. Thường những viên sỏi chưa gây ra biến chứng cho người bệnh. Thông thường, điều trị nội khoa thường hiệu quả với sỏi có bản chất hóa học là sỏi urat. Lúc này bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng các thuốc kiềm hóa, toan hóa nước tiểu, hạ acid uric… Kết hợp với các thuốc điều trị triệu chứng như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau không steroid…

Điều trị ngoại khoa có nhiều phương pháp như: Tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, nội soi tán sỏi hoặc phẫu thuật lấy sỏi.

Khi nào sỏi thận cần phẫu thuật?

Bệnh nhân được chỉ định tán sỏi hoặc phẫu thuật lấy sỏi trong các trường hợp:

  • Sỏi có kích thước lớn >10mm, hình thái xù xì.
  • Có biến chứng như tắc đường niệu, tiểu máu, suy giảm chức năng thận…
  • Hoặc chỉ định trong trường hợp bệnh nhân đã điều trị nội khoa nhưng không đáp ứng.
Sỏi thân: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị - Ảnh 3.

Bệnh nhân được chỉ định tán sỏi nếu kích thước sỏi lớn hơn >10mm, hình thái xù xì.

Sỏi thận có nguy hiểm không?

Nếu bệnh nhân phát hiện sỏi thận nhưng không điều trị kịp thời hoặc không điều trị đúng phương pháp có thể dẫn đến các biến chứng cấp tính hoặc mạn tính. Thường gặp nhất là bít tắc đường tiết niệu gây ứ nước, ứ mủ ở thận, nhiễm khuẩn tái phát kéo dài. Nặng hơn có thể dẫn tới suy thận cấp, mất chức năng thận hoàn toàn.

Bệnh sỏi thận có dễ tái phát hay không? Tùy thuộc vào nguyên nhân hình thành sỏi tần suất tái phát có thể khác nhau. Để phòng ngừa sự hình thành cũng như tái phát sỏi người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học. Hơn nữa cần kết hợp duy trì các hoạt động thể chất, điều trị các bệnh lý nguy cơ tạo sỏi. Trong một số trường hợp cụ thể cần duy trì các thuốc như kiềm hóa nước tiểu, hạ acid uric…

Người mắc bệnh sỏi thận nên ăn gì?

Người mắc sỏi thận cần lưu ý uống đủ nước 2 - 3 lít/ngày. Bên cạnh đó người bệnh nên ăn nhiều chất xơ và rau. Đồng thời cần giảm đạm 0.8-1g/kg/ngày, giảm muối 4-5g/ngày trong khẩu phần ăn. 

Cần lưu ý tránh bổ sung quá nhiều vitamin C, calci không quá 1-1.2g/ngày. Kết hợp duy trì các hoạt động thể lực, BMI 18-25, tránh căng thẳng trong cuộc sống.

Hiện nay có rất nhiều phương pháp có thể điều trị tốt sỏi thận. Khi có những dấu hiệu của sỏi thận, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám. Bên cạnh đó cũng cần thực hiện khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm bệnh. Khi phát hiện sỏi thận cần được trang bị những kiến thức cơ bản về bệnh. Bệnh nhân cần được thăm khám và tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng như thuốc điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa để tránh các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Xem thêm video được quan tâm:

8 Thói Quen Xấu Là “Thủ Phạm” Gây Nên Bệnh Sỏi Thận | SKĐS


BSCKII Trịnh Hùng
Phó Trưởng khoa Nội Thận khớp - Bệnh viện 198
Ý kiến của bạn