Biểu hiện sỏi thận
Nhiều người thường nhầm lẫn cơn đau do sỏi thận gây ra. Tùy vào vị trí và kích thước, tính chất khởi phát của sỏi thận mà các cơn đau do sỏi thận gây ra có thể là thoáng qua hoặc dữ dội.
Các dấu hiệu của người bị sỏi thận là:
- Đau tại thắt lưng hoặc vùng lưng. Cơn đau có thể xảy ra ở vùng dưới mạn sườn, đau hai bên hoặc chỉ đau 1 bên. Thông thường cơn đau có thể diễn ra âm ỉ nhưng nếu gây tắc đường tiết niệu thì có thể gây đau dữ dội.
- Trong trường hợp sỏi di chuyển trong đường niệu có thể gây đau khi đi tiểu
- Rối loạn tiểu tiện: tiểu són, bí tiểu, tiểu rắt hoặc tiểu ra máu (do sỏi cọ sát trên đường di chuyển), đau khi đi tiểu (nếu sỏi di chuyển từ niệu quản xuống bàng quang).
- Nôn hoặc buồn nôn
- Nếu nhiễm khuẩn có thể gây sốt, ớn lạnh
Trong một số trường hợp sỏi nhỏ và nằm ở những vị trí không gây ảnh hưởng đến đường tiết niệu, người bệnh thường không có biểu hiện gì và chỉ phát hiện khi thăm khám sức khỏe.
Vì sao bị sỏi thận?
Sỏi tiết niệu chỉ những phân tử rắn hình thành do kết tinh tự nhiên từ các tinh thể vô cơ có trong nước tiểu. Tùy vào vị trí của sỏi trong đường tiết niệu sẽ được chia ra các loại: sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo, sỏi niệu quản. Hoặc phân loại theo thành phần hóa học như sỏi urat, sỏi cystin, sỏi oxalat…
Nguyên nhân gây sỏi thận. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hình thành của sỏi thận bao gồm:
- Thói quen nhịn tiểu khiến khoáng chất không được đào thải và gây tích tụ sỏi hoặc không uống đủ nước cho thận lọc, đào thải các khoáng chất ra ngoài lâu ngày gây tích tụ sỏi.
- Có chế độ ăn uống không khoa học như ăn nhiều đạm, ăn mặn…
- Thói quen sử dụng các loại thuốc không có tư vấn của bác sĩ như tự ý bổ sung nhiều vitamin C, lạm dụng thuốc kháng sinh, bổ sung vi chất quá nhiều…
- Người bị mắc một số bệnh lý như: nhiễm trùng đường tiết niệu, túi thừa bàng quang, trào ngược bàng quang – niệu quản, viêm loét dạ dày, Crohn…
- Người phải nằm một chỗ trong thời gian dài
- Trong gia đình có người mắc sỏi thận
Sỏi thận có tự hết không?
Việc sỏi thận có thể tự hết hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (vị trí, kích thước, loại sỏi…). Do vậy người bệnh khi có biểu hiện nghi ngờ sỏi thận cần đến cơ sở y tế để thăm khám. Bởi nếu sỏi thận nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời/điều trị không đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: ứ nước hoặc ứ mủ ở thận, nhiễm khuẩn kéo dài, suy thận cấp hoặc mất chức năng thận hoàn toàn.
Hơn nữa sỏi thận rất dễ tái phát nếu chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học. Thống kê cho thấy có khoảng 50% sỏi có thể tái phát sau khi điều trị.
Tùy vào loại sỏi thận, các bác sĩ có thể lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau như nội khoa, ngoại khoa phẫu thuật.
- Nếu người bệnh có sỏi kích thước bé hơn 10mm và hình dạng trơn, láng thì có thể dễ di chuyển và đào thải qua đường tự nhiên. Những viên sỏi này thường chưa gây ra các biến chứng cho người bệnh.
- Điều trị nội khoa được áp dụng cho các trường hợp sỏi urat. Người bệnh thường được sử dụng các loại thuốc toan hóa , kiềm hóa nước tiểu và hạ uric… kết hợp cùng các loại thuốc giảm đau không steroi, thuốc kháng sinh…
- Điều trị ngoại khoa thường có nhiều phương pháp như: nội soi tán sỏi, phẫu thuật lấy sỏi, tán sỏi qua da…
Bên cạnh đó, người mắc sỏi thận cần lưu ý một số điều sau trong sinh hoạt hàng ngày:
- Uống đủ nước, từ 2-3 lít nước mỗi ngày.
- Duy trì chế độ ăn lành mạnh và bổ sung nhiều rau xanh, trái cây vào thực đơn hàng ngày. Hạn chế đồ ăn nhiều đường, nhiều muối, đồ ăn giàu chất đạm, đồ ăn nhiều dầu mỡ…
- Lưu ý không nên bổ sung quá 1- 1,2g calci trong thực đơn hàng ngày.
- Người mắc sỏi thận không nên vận động quá mạnh.
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc quảng cáo có chức năng tan sỏi vì có nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Xem thêm video được quan tâm:
Phẫu thuật lấy sỏi thận qua da đường hầm nhỏ tư thế nằm ngửa cho bệnh nhân 9 tuổi I SKĐS