Sỏi thận: Điều trị và thuốc ngăn ngừa tái phát

13-06-2023 07:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Sỏi thận là bệnh phổ biến và rất dễ tái phát. Vậy điều trị như thế nào và có những cách nào để ngăn sỏi thận tái phát?

1. Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là loại sỏi hình thành trên đường tiết niệu. Đây là hệ quả của sự kết tinh chất khoáng trong nước tiểu và lắng đọng lại tại thận. Sau khi hình thành, sỏi thận có thể di chuyển vào đường tiết niệu gây đau hoặc tắc nghẽn dòng nước tiểu.

Sỏi thận tiến triển âm thầm nên người bệnh thường tình cờ phát hiện khi đi khám sức khoẻ định kỳ hoặc khi xuất hiện các cơn đau lưng. Sỏi thận để lâu ngày sẽ dẫn đến nhiễm trùng, tổn thương thận, suy thận.

Sỏi thận điều trị như nào? - Ảnh 1.

Sỏi thận không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng, suy thận.

2. Các loại sỏi thận

  • Sỏi canxi: Đây là loại sỏi phổ biến nhất, xảy ra khi có lượng canxi dư thừa lưu thông trong máu. Nguyên nhân có thể là do các bệnh lý như cường giáp hoặc do chế độ ăn nhiều thịt, cá và gia cầm.
  • Sỏi axit uric: Sỏi axit uric hình thành khi lượng axit uric dư thừa trong máu, có xu hướng xảy ra ở những người không uống đủ nước và ở chế độ giàu protein.
  • Sỏi struvite: Sỏi struvite còn được gọi là sỏi nhiễm trùng, có xu hướng xảy ra ở những người bị nhiễm trùng đường tiết niệu lặp đi lặp lại.
  • Sỏi cystine: Tương đối hiếm gặp và có liên quan đến chứng rối loạn cystine, một chất được tạo ra khi cơ thể tiêu hóa protein.

Các yếu tố chung có thể làm tăng nguy cơ phát triển sỏi thận bao gồm:

  • Tiền sử gia đình bị sỏi thận.
  • Uống ít nước hoặc bị mất nước.
  • Chế độ ăn nhiều muối, protein, đường.
  • Béo phì.
  • Một số thực phẩm bổ sung.
  • Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu và corticosteroid.

3. Dấu hiệu và triệu chứng sỏi thận

- Đau quặn thận: Bản thân sự hình thành sỏi thận không có triệu chứng, nhưng khi sỏi di chuyển vào đường tiết niệu, có thể gây ra cơn đau quặn thận. Cơn đau thường xuất hiện theo từng đợt và có thể dữ dội. Tùy thuộc vào vị trí của sỏi, cơn đau có thể ở lưng dưới, bụng, háng hoặc vùng sinh dục.

Đôi khi sỏi đi kèm với các triệu chứng khác ít điển hình hơn, như đau bụng không rõ nguyên nhân, buồn nôn, tiểu gấp, tiểu khó hoặc thậm chí đau ở vùng sinh dục.

- Tiểu máu (máu trong nước tiểu): Sỏi thận có thể làm tổn thương đường tiết niệu và do đó máu thường được tìm thấy trong nước tiểu (tiểu máu), có thể nhìn thấy bằng mắt thường (nước tiểu màu đỏ) hoặc chỉ có thể phát hiện được khi phân tích nước tiểu.

- Sốt: Hiếm khi xảy ra, nhưng trong trường hợp cơn đau quặn thận kèm theo sốt, cần nhanh chóng được hội chẩn tại khoa cấp cứu vì những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra của nhiễm trùng đường tiết niệu đồng thời (nguy cơ nhiễm trùng huyết).

Sỏi thận điều trị như nào? - Ảnh 2.

Bản thân sự hình thành sỏi thận không có triệu chứng. Nhưng khi sỏi di chuyển vào đường tiết niệu, có thể gây ra cơn đau quặn thận.

4. Điều trị sỏi thận như thế nào?

Điều trị sỏi thận tùy thuộc vào loại sỏi và nguyên nhân gây sỏi thận.

Điều trị ban đầu nhằm giảm đau có thể bao gồm dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), ví dụ: Ibuprofen) và/hoặc thuốc giảm đau opioid (mạnh hơn).

Nếu cơn đau và các triệu chứng khác nghiêm trọng, có thể cần phải nhập viện để truyền thuốc giảm đau và truyền dịch qua đường tĩnh mạch (tiêm tĩnh mạch). Nếu nghi ngờ hoặc có biểu hiện nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định cho dùng thuốc kháng sinh. Đồng thời cần phải xác định và điều trị các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn dẫn đến sự phát triển của sỏi thận để ngăn ngừa sỏi thận tái phát.

Trong phần lớn các trường hợp, sỏi thận sẽ tự đào thải ra ngoài. Trong những trường hợp này, cách điều trị duy nhất cần thiết là giảm đau đầy đủ, uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Một số thuốc giãn cơ có thể được sử dụng để làm giãn các cơ trong niệu quản, giúp sỏi thận đi ra ngoài nhanh hơn và ít đau hơn.

Trong trường hợp sỏi quá lớn không thể đào thải ra ngoài, đau quá mức hoặc có dấu hiệu tổn thương thận hoặc nhiễm trùng, có thể cần phải điều trị thêm để loại bỏ sỏi.

Sỏi thận thường được loại bỏ theo hai cách chính - phẫu thuật hoặc tán sỏi. Phương pháp được sử dụng để loại bỏ sỏi thận sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, tiền sử bệnh và tình trạng của người đó cũng như kích thước, loại và vị trí của sỏi.

5. Thuốc phòng ngừa sỏi thận tái phát

Sự tái phát của sỏi thận rất phổ biến, có gần 40% trường hợp tái phát trong 5 năm tiếp theo. Do đó, phòng ngừa tái phát là rất quan trọng. Các bước thực hiện để ngăn ngừa sự phát triển hoặc tái phát của sỏi thận bao gồm:

  • Uống nhiều nước.
  • Điều trị đầy đủ các bệnh lý nền.
  • Tránh thực phẩm có hàm lượng oxalate hoặc muối cao.
  • Duy trì chế độ ăn uống điều độ.

Trừ khi có lời khuyên khác từ bác sĩ, những người bị sỏi thận nên tiếp tục ăn thực phẩm giàu canxi vì chế độ ăn ít canxi có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận ở một số người. Tuy nhiên, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các chất bổ sung canxi vì có liên quan đến tăng nguy cơ sỏi thận.

Trong một số trường hợp, thuốc có thể được sử dụng để giúp ngăn ngừa sỏi thận tái tạo bằng cách kiểm soát lượng khoáng chất và axit trong nước tiểu. Loại thuốc được kê đơn sẽ phụ thuộc vào loại sỏi thận mà người bệnh đã từng mắc phải, ví dụ:

  • Muối citrate: Hòa tan trong nước tiểu để ngăn chặn các tinh thể canxi phát triển được sử dụng để ngăn ngừa sỏi canxi, sỏi axit uric và sỏi cystine.
  • Thuốc lợi tiểu thiazide: Những loại thuốc này làm giảm lượng canxi từ máu đi vào nước tiểu, ngăn ngừa sỏi canxi.
  • Allopurinol: Thuốc ức chế sự phân hủy purin thành axit uric, làm giảm nồng độ axit uric trong nước tiểu. Allopurinol chủ yếu được sử dụng để ngăn ngừa sỏi axit uric.
  • Các loại thuốc khác: Nếu bị sỏi thận do nhiễm trùng đường tiết niệu, có thể ngăn ngừa bằng cách sử dụng thuốc có chứa L-methionine, làm tăng tính axit của nước tiểu.
  • Magiê: Magiê gắn với oxalat trong nước tiểu giúp ngăn chặn sự hình thành sỏi canxi.

Cần lưu ý, trong mọi trường hợp, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc mà cần có chỉ định và tư vấn sử dụng của bác sĩ chuyên khoa.


Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Uống trà tâm sen có tốt không?

Ds. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn