Hà Nội

Sỏi thận, căn bệnh dễ mắc vào mùa hè

10-07-2022 06:10 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Giám đốc Trung tâm Thận – Tiết niệu & Lọc máu thuộc Bệnh viện Bạch Mai, sống và làm việc trong môi trường nóng làm nước tiểu cô đặc hơn có thể dẫn đến hình thành sỏi thận.

PGS.TS Đỗ Trường Thành – Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Việt Đức  cho biết: Sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và niệu đạo) là bệnh lý phổ biến, chiếm gần 2/3 tổng số các bệnh lý về tiết niệu. 

Thực tế, nhiều nghiên cứu chỉ ra, từ 2-12% người Việt bị bệnh sỏi tiết niệu. Trong đó, 40% người bị sỏi thận. Việt Nam được coi là nước có tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận cao nhất thế giới.

50% bệnh nhân tới Khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để khám về sỏi. Tình trạng này thường gặp tại nhiều khoa thận, tiết niệu của các bệnh viện lớn.

Các bác sĩ cho biết sỏi tiết niệu là bệnh lý phổ biến, gây nhiều biến chứng nặng nề và có thể dẫn tới tử vong.

Theo PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Giám đốc Trung tâm Thận – Tiết niệu & Lọc máu thuộc Bệnh viện Bạch Mai, sống và làm việc trong môi trường nóng làm nước tiểu cô đặc hơn có thể dẫn đến hình thành sỏi thận.

Sỏi thận, sỏi tiết niệu liên quan mật thiết tới điều kiện môi trường, thời tiết, vì thế nhiều bác sĩ ghi nhận sự gia tăng bệnh nhân mắc sỏi thận vào mùa hè nắng nóng.

Sỏi nhỏ trong thận có thể di chuyển xuống niệu quản gây cơn đau quặn thận, xuống bàng quang và bệnh nhân có thể đi tiểu ra ngoài hoặc sỏi gây tắc nghẽn niệu quản dẫn đến ứ nước, ứ mủ thận và suy chức năng thận có sỏi.

Khi để muộn, sỏi đài bể thận sẽ gây những biến chứng: Nhiễm khuẩn tiết niệu; Viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận; Giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận; Viêm quanh thận xơ hoá; Cao huyết áp do sỏi san hô thận gây thiếu máu nhu mô thận, teo thận; Suy thận do sỏi thận 2 bên gây tắc nghẽn.

Bệnh nhân thường đến bệnh viện trong tình trạng hơi đau vùng lưng. Tuy nhiên, có một số trường hợp, sau khi được kiểm tra, nguyên nhân gây đau lưng không phải do sỏi. 

Một số bệnh khác cũng có triệu chứng tương tự viêm đường tiết niệu như thần kinh, cột sống, viêm ruột thừa, viêm túi mật,... Vì vậy, bệnh nhân phải đến thăm khám ở các cơ sở y tế để có chẩn đoán phân biệt.

Để chẩn đoán xác định, bệnh nhân sẽ được siêu âm, chụp X-quang, chụp CT scan hoặc chụp UIV (tức chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch) để chẩn đoán chức năng và hình thái, vị trí viên sỏi.

Dựa vào vị trí của sỏi, tình trạng sỏi ảnh hưởng đến chức năng thận cũng như đường tiết niệu của bệnh nhân, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị.

Khi nào cần can thiệp loại bỏ sỏi?

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân 115, nếu như sỏi nhỏ hơn đường tiết niệu, có kích thước dưới 4mm thì 90% có thể tự thải ra bằng đường tự nhiên khi bệnh nhân uống nhiều nước.

Nếu sỏi từ 4mm - 6mm thì khả năng ra ngoài theo đường tiểu thấp hơn, tuy nhiên vẫn có thể ra. Một số trường hợp sỏi nhỏ nhưng không thể ra được do đường tiết niệu bị hẹp.

Tỷ lệ ra bằng đường tự nhiên đối với kích thước sỏi trên 6mm thấp. Đặc biệt, sỏi trên 1cm, khả năng ra rất thấp.

Đối với những trường hợp sỏi không thể đào thải bằng con đường tự nhiên, tùy theo vị trí và ảnh hưởng của sỏi đến chức năng thận để lựa chọn phương thức điều trị thích hợp.

Để hạn chế các bệnh lý về đường tiết niệu, mỗi người nên ăn nhiều trái cây và rau xanh, uống nhiều nước, tăng lượng vitamin C và các thực phẩm giàu probiotic. Không nên ăn nhiều đồ ăn nhanh, nhịn tiểu, ngồi lâu… Nên đi khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh, chẩn đoán bệnh sớm, mang lại hiệu quả điều trị cao.
Thay đổi 8 thói quen dưới đây giúp bạn tránh xa sỏi thậnThay đổi 8 thói quen dưới đây giúp bạn tránh xa sỏi thận

SKĐS - Sỏi thận là một bệnh lý thường gặp ở đường tiết niệu, chiếm tỷ lệ lớn nhất khoảng 48%. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, trong đó có một số thói quen xấu.



T.Nguyên
Ý kiến của bạn