Nhân loại đã từng chứng kiến những trận dịch kinh hoàng, cướp đi hàng triệu sinh mạng. Và nay, nhờ khoa học phát triển, con người mới có điều kiện nhìn kỹ lại những dịch bệnh này đã được ghi trong Kinh thánh với hy vọng rút ra bài học bổ ích.
1. Dịch thủy triều đỏ
Theo Kinh Thánh, chương 7, Ngũ kinh Moses, dòng 21 (phiên bản tiếng Anh) sau khi nước chảy thành máu, “cá ở sông Nile chết, sông Nile cạn, người Ai Cập không thể uống nước”. Đây là đoạn kinh nói về sự xuất hiện đột ngột những vùng nước đỏ ở sông Nile làm cho tảo cực nhỏ sinh sôi với số lượng cực lớn, nhiều đến nỗi nước biển bị nhuốm màu đỏ như máu. Khoa hiện đại gọi là Thủy triều đỏ (Red tide) xảy ra ở đại dương lẫn trong các hệ sinh thái nước ngọt. Những loài tảo này sinh sôi quá mức đã gây hại cho động vật hoang dã, tích tụ độc tố trong động vật có vỏ và nhiễm độc các động vật ăn thịt chúng. Hút thuốc lá đúng vào dịp tảo phát triển cũng có thể phân tán độc tố trong không khí, gây ra các vấn đề về hô hấp ở những người sống gần các khu vực nói trên.
Có nhiều thành phần độc tố trong thủy triều đỏ, đặc biệt là chuỗi dài gồm 6 mạch vòng liên kết với nhau tạo thành những hợp chất cao phân tử, có khả năng gây tê liệt hệ thần kinh. Những sự cố đáng chú ý như năm 1793 diễn ra tại British Columbia (Canada). Năm 1840 diễn ra tại Florida, năm 1972 xuất hiện tại New England bởi một loài tảo Alexandrium (Gonyaulax) tamarense, tạo ra độc tố saxitoxin và gonyautoxins tích lại trong động vật có vỏ, nếu ăn phải có thể dẫn đến ngộ độc gây liệt cơ (PSP) và nặng có thể dẫn đến tử vong. Trận dịch mới nhất được ghi nhận diễn ra tháng 9/2015 tại Vịnh Mexico, ảnh hưởng đến Padre Island (Đảo Bắc Padre và Đảo Nam Padre) ở Texas nhưng không gây thiệt hại về người.
2. Thảm họa “đứa con đầu lòng bị tử vong”
Theo Moses, lãnh tụ tôn giáo, người công bố luật pháp, nhà tiên tri, nhà chỉ huy quân sự và sử gia, người chép kinh Torah (Ngũ kinh Moses), nhà tiên tri quan trọng trong Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo.... thì chính ông đã nói với Pharaoh, rằng tất cả những người sinh đầu tiên trên đất Ai Cập sẽ bị chết, sự kiện này được xếp là dịch thứ 10 trong Kinh thánh.
Giải thích về thảm họa nói trên, tạp chí Clinical Microbiology Reviews số ra năm 2003 cho biết, việc tảo nở hoa quá mức trong dịch thủy triều đỏ như đề cập đã biến các dòng sông, các vùng biển thành màu máu, lưu giữ độc tố nguy hiểm gây bệnh tật, tử vong. Chuyên gia dịch tễ học John Marr, trưởng Khoa dịch tễ học của Sở Y tế New York cho hay, ngũ cốc bị ô nhiễm bởi độc tố phát sinh từ “thuỷ triều đỏ” chính là thủ phạm gây tử vong, có thể giải thích cho hiện tượng đứa trẻ đầu lòng bị tử vong. Theo tờ Telegraph của Anh, đứa trẻ đầu lòng bị tử vong là những người đầu tiên ăn hạt ngũ cốc nhiễm độc.
3. Dịch bóng tối
Giới học giả cho rằng, dịch bóng tối (Plague of darkness) có thể là nhật thực hay một đám mây núi lửa gây ra. Theo Cựu Ước, bóng tối dày đến nỗi “người ta không thể nhìn thấy mặt nhau” đã ập xuống Ai Cập trong ba ngày liên tục. Tuy nhiên, theo cuốn “Tanakh, Một bản dịch mới của Kinh Thánh” (The Jewish Publication Society, 1985) thì “người Do thái lại có ánh sáng trong nhà mình”.
Trang web của Cơ quan nghiên cứu Hàng không & Vũ trụ Mỹ (NASA) đăng tải nghiên cứu của Iurii Mosenkis, chuyên gia về thiên văn học khảo cổ người Ukraine, cho biết, rất có thể dịch bóng tối xảy ra trùng khớp với nhật thực vào ngày 5 tháng 3 năm 1223 trước CN. Tuy nhiên, việc người Israel có ánh sáng trong nhà của họ là nói về hiện tượng “tắt đèn” theo thuyết nhật thực, không có ý nghĩa khoa học, bởi không một ai có thể tồn tại nếu bóng tối kéo dài.
Theo một nghiên cứu đăng trên tờ Telegraph, cũng có giả thiết lập luận một vụ phun trào núi lửa xảy ra vào khoảng 3.500 năm trước trên đảo Santorini, một hòn đảo phía bắc Crete ở biển Aegean, đã phun ra lượng tro thạch khổng lồ tạo nên bóng tối. Còn theo tờ Christian Courier, những vụ phun trào này cách Ai Cập khoảng 500 dặm (800 km) trước khi sự kiện di cư xảy ra, tức sự kiện người Do Thái rời khỏi Ai Cập.
4. Dịch châu chấu
Theo sách Tanakh (bộ quy điển của Kinh thánh Hebrew), khi Pharaoh một lần nữa từ chối để cho người Do Thái ra đi, đàn châu chấu đói đã tràn về, tạo ra đại dịch thứ tám. Moses cảnh báo Pharaoh: “Châu chấu sẽ bao phủ mặt đất, để không ai có thể nhìn thấy đất”.
Siro Trevisanato, nhà sinh học phân tử người Canada, tác giả của cuốn sách “Những bệnh dịch Ai Cập dưới góc nhìn khảo cổ học, lịch sử và khoa học” (NXB Gorgias Press, 2005) cho biết vụ phun trào núi lửa trên đảo Santorini chính là thủ phạm hậu thuẫn cho đàn châu chấu phát triển. “Sự tràn ngập tro bụi và nham thạch làm biến đổi thời tiết, dẫn đến lượng mưa và độ ẩm tăng cao, kích thích châu chấu sinh sôi nảy nở”, Trevisanato viết.
5. Dịch trong chăn nuôi
Xếp thứ 5 trong Kinh Thánh là dịch diễn ra trong ngành chăn nuôi, làm suy tàn quần thể gia súc và động vật nhai lại khác tại châu Phi và châu Âu từ thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19. Theo Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO), thủ phạm chính là do một loại virút cùng họ virút gây bệnh chó mèo và bệnh sởi, triệu chứng vật nhiễm bệnh là sốt cao, tiêu chảy và lở loét miệng mũi.
Theo tờ New York Times, phát hành năm 2010, căn bệnh này được cho là có nguồn gốc từ châu Á, sau đó đổ bộ vào Ai Cập cách đây 5.000 năm dọc theo các tuyến đường tơ lụa lịch sử với tỉ lệ tử vong rất cao, trên 80%. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Medical History năm 1997 và tạp chí Science 2008, dịch này đã giết chết khoảng 200 triệu gia súc của Ai Cập, và khi đến châu Phi vào thế kỷ 19, nó đã giết thêm 5,2 triệu gia súc, khiến một phần ba dân số Ethiopia bị chết đói. Dịch xuất hiện lần cuối tại Kenya vào năm 2001, và được tuyên bố loại bỏ hoàn toàn vào năm 2010.